Doanh nhân Đỗ Thị Hồng Hạnh: Người đàn bà… “đấu giá”
Mạnh mẽ, quyết đoán và rất cá tính. Đó là điều rất dễ nhận thấy ở người phụ nữ vừa tròn 40 tuổi Đỗ Thị Hồng Hạnh. Nhưng nếu không thế, chị đã không thể đảm nhiệm được vị trí người “đứng mũi chịu sào” ở một doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực rất mới: bán đấu giá tài sản.
1.
Hẹn gặp Đỗ Thị Hồng Hạnh vào một sớm đầu năm mới Đinh Dậu, khi mà dư âm của “thịt mỡ, dưa hành” vẫn còn phảng phất. Vậy mà vừa tới, đã thấy chị đang tíu tít điện thoại đàm phán một phiên đấu giá sắp tới.
Nơi chúng tôi gặp mặt - ở tầng trệt một tòa nhà cao tầng trên đường Nguyễn Thị Thập (Hà Nội) - cũng là nơi mà vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt tổ chức các phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật cho giới sưu tầm và những người mê tranh, đồ mỹ nghệ, thậm chí cả giới siêu giàu… Thảo nào, bước vào không gian ấy, đã thấy bóng hình của những bức tranh đẹp, những lọ gốm quý…
“Chúng tôi cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện việc bán đấu giá các tài sản tự nguyện này cách đây chưa lâu. Mỗi tuần một lần, phiên đấu giá được tổ chức ở đây. Và mỗi quý một lần, lại tổ chức ở các khách sạn 5 sao ở Hà Nội hay TP.HCM”, chị Hạnh hồ hởi khoe và bảo, Lạc Việt đang rất nỗ lực tạo ra một sân chơi chung cho giới mê nghệ thuật Việt Nam.
“Chỉ là mới bắt đầu, nhưng có thể nói, chúng tôi đã đi trước các công ty đấu giá khác một bước. Chúng tôi muốn đi trước, đón đầu để đến khi Luật Đấu giá có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), thế giới nhìn vào, họ cũng thấy, ở Việt Nam có những nhà bán đấu giá có uy tín; họ cũng sẽ gửi tài sản về đây nhờ mình bán, hoặc mời mình ra nước ngoài hợp tác”, Đỗ Thị Hồng Hạnh mỉm cười.
Giờ thì đã có thể nhìn thấy nụ cười trên môi của vị CEO trẻ của một công ty bán đấu giá tài sản cũng rất non trẻ (thành lập từ tháng 4/2011). Còn 5 năm trước, khi bắt đầu bước vào đảm nhiệm vị trí CEO ở Lạc Việt, chị lo lắm. Lo vì khi đó, Lạc Việt chỉ vừa mới được thành lập được 1 năm và khi đó, Công ty thậm chí “âm” tới 1,8 tỷ đồng.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2010, khi Chính phủ ban hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Theo đó cho phép các công ty tư nhân cũng được thực hiện bán đấu giá tài sản, thay vì chỉ là các công ty nhà nước, trực thuộc sở tư pháp của các tỉnh, thành phố như trước đây. Nắm bắt cơ hội, một nhóm các nhà đầu tư có tâm huyết đã đứng ra thành lập Lạc Việt. Nhưng khi ấy, đâu có ai dám đặt niềm tin vào các công ty tư nhân, bởi trao quyền bán đấu giá tài sản của mình cho người không đáng tin cậy chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”. Vậy nên, Lạc Việt năm đầu tiên hoạt động đã âm vốn.
“Lúc tôi nhận vị trí CEO của Lạc Việt, tôi đã hứa sẽ làm cho nó dương. Không dễ dàng, nhưng đúng là bây giờ Lạc Việt đã dương, đã ngày càng phát triển”, Đỗ Thị Hồng Hạnh mỉm cười và tự hào khoe, sau hơn 5 năm phát triển, Lạc Việt giờ đã thành danh trên thị trường bán đấu giá tài sản ở Việt Nam, chi nhánh, văn phòng đại diện đã mở rộng khắp cả nước.
Có thể quy mô tài sản bán đấu giá của Lạc Việt vẫn chưa thể bằng các công ty nhà nước khác, nhưng khách hàng vào đều. Năm 2015, tổng giá trị tài sản mà Lạc Việt đem ra đấu giá lên tới 1.000 tỷ đồng. Còn năm 2016, con số vào khoảng 1.600 tỷ đồng. “Chúng tôi sống bằng phí dịch vụ đấu giá và mỗi năm cũng nộp ngân sách nhà nước 400 - 500 triệu đồng”, chị Hạnh khoe.
2.
“Thực ra, tôi đến với Lạc Việt vì duyên. Còn ở lại cho đến giờ này là vì đam mê”, chị Hạnh đã nói thế với tôi.
Trước khi về với Lạc Việt, hai vợ chồng chị có thời gian khá dài mở các trung tâm đào tạo tin học. Cũng có thời gian không ngắn tham gia đầu tư bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản An Đô. Khi ấy, chị cũng đã tham gia rất nhiều phiên đấu giá, nhưng là ở vai trò người mua. Còn khi về với Lạc Việt, mua lại 30% cổ phần ở Công ty để trở thành Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, chị lại ở vai trò người làm dịch vụ.
Cũng khó khăn lắm, vì lúc đó chị chỉ có ít kinh nghiệm, nên đã phải đi học thêm, cả về quản trị kinh doanh lẫn nghiệp vụ đấu giá để được cấp chứng chỉ một cách chính tắc. “Nhưng khó nhất là tìm kiếm khách hàng, làm sao thuyết phục họ tin tưởng mình để giao tài sản cho mình. Cũng phải mất 3 năm đầu tiên, chúng tôi loay hoay với việc tìm thị trường. Đến 2 năm gần đây, khách hàng mới tin tưởng và yên tâm giao tài sản vào tay chúng tôi”, chị Hạnh nhớ lại.
Cũng phải, tài sản được đem ra đấu giá phần lớn là quyền sử dụng đất ở các dự án do các quận, huyện quản lý, rồi còn tài sản đảm bảo trong các ngân hàng, và cả tài sản đã hết thời gian khấu hao được các cơ quan nhà nước đem ra đấu giá. Giá trị các tài sản này có khi lên tới vài trăm tỷ đồng. Dễ nhất và an tâm nhất là giao cho chính công ty đấu giá của các sở tư pháp, chứ “ai hơi đâu” mà giao cho các công ty tư nhân làm.
Nghề này, quan trọng nhất là chữ Tín, là sự tận tâm phục vụ khách hàng. Biết thế, nên Đỗ Thị Hồng Hạnh, bằng sự quyết đoán, mạnh mẽ và khéo léo của mình, đã từng bước thuyết phục được khách hàng. Chị cũng đã cực kỳ thông minh trong việc truyền thông để kéo người mua đến các phiên đấu giá của mình. Càng nhiều người quan tâm tham gia, phiên đấu giá càng sôi động và có thể vì thế, giá bán sẽ cao hơn cả kỳ vọng của người bán. Khách hàng vì thế càng thêm tin tưởng Lạc Việt. Còn Lạc Việt được hưởng phí từ các giao dịch này.
“Phí dịch vụ không lớn, bởi theo quy định của pháp luật, bất kể giá trị tài sản giao dịch lớn thế nào, thì mức phí cao nhất mà chúng tôi được nhận cũng chỉ là 300 triệu đồng. Nhưng số tiền hàng năm, cũng đủ để Lạc Việt chi trả”, Đỗ Thị Hồng Hạnh nói thế.
“Vậy một người năng động và mạnh mẽ như chị tại sao không chọn một lĩnh vực kinh doanh khác dễ kiếm tiền hơn?”. Đặt câu hỏi như vậy và câu trả lời mà tôi nhận được, đó là vì đam mê.
“Bước chân vào ngành nghề này mới thấy rất nhiều điều thú vị. Mỗi một tài sản được đem ra đấu giá đều rất khác biệt, thiên biến vạn hóa, làm cho mình luôn luôn được làm mới, được có cảm giác đi chinh phục thị trường, chinh phục khách hàng… Chính điều này khiến tôi đam mê”, chị Hạnh mỉm cười.
Cũng không chỉ chị, mà còn gần 60 nhân viên khác của Lạc Việt cũng đang có niềm đam mê chung giống chị, đam mê để từ đó đưa Lạc Việt thành công hơn. Hơn thế nữa, chị bảo, chị và các đồng nghiệp của mình còn có sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình, mà trước tiên là sự cảm thông sâu sắc. Bởi làm đấu giá cũng đồng nghĩa đi công tác triền miên, thường xuyên vắng mặt vào những ngày cuối tuần. Và là cả sự hậu thuẫn về mặt tiền bạc, bởi “lương nhân viên đi làm đấu giá không cao đâu”.
3.
Nhắc lại câu chuyện về mong muốn khách nước ngoài đưa hàng vào nhờ Lạc Việt đấu giá, hoặc được mời hợp tác với nước ngoài, tôi lại hỏi rằng, phải chăng Lạc Việt đã bắt đầu nghĩ đến bước chân ra thị trường thế giới thì Đỗ Thị Hồng Hạnh trả lời rằng đúng. “Đã bước vào ngành này thì thế giới mới là cái đích mà mình phải đến và hòa nhập. Sự nghiệp còn dài lắm”, Đỗ Thị Hồng Hạnh mỉm cười.
Thế nên, độ 2 năm gần đây, lúc tuyển nhân viên, Lạc Việt không chỉ quan tâm đến các nhân sự tốt nghiệp trường luật hay kinh tế như trước đây nữa, mà còn quan tâm các nhân viên có trình độ ngoại ngữ, thậm chí cả là học ngoại thương. Tất cả là để chuẩn bị cho một tương lai không xa, Lạc Việt sẽ bước chân ra thế giới bên ngoài.
Còn hiện tại, Lạc Việt dù đã đứng vào nhóm các nhà đấu giá hàng đầu Việt Nam, thì quy mô vẫn còn nhỏ lắm. Thị trường đấu giá tài sản của Việt Nam cũng chỉ mới manh nha chưa lâu. Vì thế, chị Hạnh bảo, chị muốn ngày càng nhiều hơn các công ty đấu giá Việt Nam thành công để “cùng tiến, cùng thắng”. Buôn có bạn, bán có phường, càng nhiều người làm nghề giống mình thì nghề này mới phát triển được. Ty tỷ tài sản ở đất nước này có thể thực hiện bán đấu giá, bắt buộc có, tự nguyện có. Nghĩa là thị trường rất rộng lớn để cho tất cả cùng thắng.
“Con đường còn rất dài, chúng tôi mới chỉ như một đứa bé đang chập chững tập đi. Chỉ mong Lạc Việt sẽ là con tàu dẫn đầu, sau này càng nhiều tàu đi càng đông vui, cùng đến đích, tàu đi trước cản sóng cho tàu đi sau, vượt sóng lớn an toàn”, chị Hạnh nói.
Thật lạ, không mấy người bước vào kinh doanh lại có “triết lý” kỳ lạ thế. Nhưng cũng phải, nước nổi, thuyền nổi. Khi thị trường phát triển, chẳng sợ những công ty đấu giá như Lạc Việt không có “miếng bánh ngon” để thưởng thức. Bây giờ mới là chặng đường 5 năm đầu tiên, sẽ còn nhiều thành công khác đón chờ Lạc Việt và người đàn bà… đấu giá Đỗ Thị Hồng Hạnh ở phía trước.
Cuối tháng 5 năm ngoái, lần đầu tiên một phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đã được tổ chức tại Việt Nam và sự kiện này do Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt tổ chức.
Trong số các tác phẩm được chào bán có 3 bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng, gồm tác phẩm “Hạnh phúc” của họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ, “Tiên nữ vùng cao” của họa sĩ Quách Đông Phương và “Bên dòng sông đỏ” của họa sĩ Đào Hải Phong.
Cùng với những tác phẩm hội họa, phiên đấu giá còn xuất hiện đôi chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo, sản xuất năm 2010.
Kể từ đó tới nay, rất nhiều phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đã được Lạc Việt tổ chức.
Đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu bước phát triển của thị trường đấu giá Việt Nam.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn