Là một thiếu tá quân đội, nghỉ hưu mất sức, cựu chiến binh Lê Đình Tân bắt đầu lao vào làm ăn kinh tế.
Từ đỉnh cao
Doanh nhân Lê Đình Tân (ngoài cùng bên trái) khen thưởng những cá nhân có thành tích đóng góp cho sự phát triển của công ty Phương Nam nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Cty
Khi vừa bước qua khỏi giai đoạn bao cấp, nhiều người còn chưa biết đến khái niệm kinh tế tư nhân thì năm 1986 ông đã thành lập Doanh nghiệp tư doanh Lê Tân. Đây là một trong bốn doanh nghiệp tư doanh đầu tiên của Việt Nam ở thời điểm ấy.
Ban đầu, ông đi buôn trâu về phục vụ sản xuất, sau rồi buôn muối, buôn củi, dược liệu… Và rồi 1 ngày ông nhận ra sắt vụn cứ bị gom thành đống bỏ đi vì rất ít người biết đến ngành công nghiệp tái chế, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Một ý tưởng lớn lóe lên trong đầu, tại sao không xuất khẩu phế liệu để lấy ngoại tệ?
Nghĩ là làm, năm 1987, ông Tân đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ được phép xuất khẩu sắt vụn sang Nhật, Ấn Độ, Singapore... Ông đã đặt đại lý thu gom tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc để thu gom sắt vụn, phế liệu để xuất khẩu. Thậm chí, ông đã ký được những hợp đồng có giá trị lên tới nhiều triệu USD với đối tác nước ngoài.
Doanh nghiệp của doanh nhân Lê Đình Tân đang tạo việc làm cho gần 500 lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cái tên Lê Đình Tân chẳng mấy chốc nổi như cồn trong giới doanh nhân tại Hải Phòng cũng như cả nước và được mệnh danh là “Vua sắt vụn”.
Khi thành công với sắt vụn, với bản tính sáng tạo, tìm tòi, ông Tân lại nghĩ “trò” kinh doanh mới. Đi nước ngoài nhiều, tiếp xúc với mô hình hỏa táng ở nước ngoài, ông nghĩ ngay đến việc đưa về trong nước áp dụng. Thời kì này, việc mai táng của nhân dân vẫn theo phương thức truyền thống “đào sâu chôn chặt”, gây ô nhiễm môi trường. Một lần nữa, ông lại đề xuất Chính phủ xây dựng Đài hóa thân Hoàn Vũ ở nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Ý tưởng đó của ông được Chính phủ chấp thuận.
Được phép tiếp tục xuất khẩu lần hai, năm 1989, tiền thuế của ông được Chính phủ sử dụng xây Đài hóa thân Hoàn Vũ.
Xuống vực sâu
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Năm 1995, sau thời kỳ hoàng kim, thị trường xuất khẩu sắt vụn bắt đầu gặp khó. Nhiều chính sách trong nước bị thay đổi, Luật doanh nghiệp lúc ấy chưa có dẫn đến làm ăn khó khăn. Hàng nghìn tấn sắt thu gom về không xuất đi được, vốn không thu hồi, chi phí công nhân phải trả... khiến doanh nghiệp của ông lao dốc.
Trước đó, năm 1992, Dự án đầu tư một nhà máy luyện thép công suất lớn của ông khi chuẩn bị đi vào sản xuất cũng bị chính quyền Hải Phòng từ chối, nên đành phá sản.
Thành công cũng nhanh mà thất bại cũng chóng, chỉ chưa đầy 3 năm, toàn bộ tài sản đồ sộ của ông đã bị tiêu tan. Thậm chí ông đã bị giam hơn hai tháng và cuối cùng được tuyên bố vô tội.
Và cuộc ngược dòng “tìm lại chính mình”
Trở về hai bàn tay trắng, nhưng trong lúc ông khó khăn, tuyệt vọng ấy, vợ ông đã “gieo” nghị lực để ông “tìm lại chính mình”.
“Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, tôi quyết định mình ngã ở đâu sẽ đứng dậy ở đó”, ông Tân tâm sự.
Với kinh nghiệm sẵn có từ trước, năm 1999, hai vợ chồng khăn gói quả mướp tìm về mới mảnh đất Quảng Ninh, bắt tay vào một lĩnh vực mới là vật liệu xây dựng, khai thác, sản xuất đá phục vụ cho các công trình xây dựng và các nhà máy xi măng.
“Khó khăn lắm, cả một khu vực rộng 50 ha là bãi sú, sình lầy, ao đầm hoang vu hiện ra trước mắt như thách thức mình ấy”, ông chia sẻ.
Đến thời điểm này, ông Tân cho biết, ông đã đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng cho việc đổi mới công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển sản xuất. Nhờ việc lắp đặt hệ thống nghiền sàng liên hoàn công suất 11m3/giờ, các sản phẩm của công ty ông rất đa dạng gồm đá hộc, đá 4x6 cm, 2 x4 cm, đá mạt kích cỡ 0,2- 0,3 cm. Hệ thống dây chuyền nghiền sàng công nghệ Hàn Quốc với công suất 250 m3/giờ đã góp phần làm tăng đột biến sản lượng đá thành phẩm.
Cùng với đá, công ty Phương Nam cũng được phép thu mua vôi xuất khẩu với số lượng mỗi năm 200.000 tấn. Và ông Tân đang đề xuất với tỉnh Quảng Ninh xây dựng một lò nung vôi công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Lội ngược dòng ngoạn mục, đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp do Doanh nhân Lê Đình Tân điều hành hiện có mặt ở nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hà Nam, Phủ Lý, Hòa Bình, Hải Dương... tạo việc làm cho gần 500 lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm.
Doanh nhân Lê Đình Tân chia sẻ: Khi được mời tham gia chương trình khởi nghiệp do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, tôi rất vui vì mình có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và những thất bại gặp phải trong quá khứ với những bạn trẻ đang loay hoay tìm hướng lập nghiệp mới. - Theo ông, những rủi ro có thể tiềm ẩn trong quá trình khởi nghiệp là gì, và cách thức vượt qua nó? Mỗi người khởi nghiệp đều có thể gặp phải những rủi ro đến từ nhiều phía. Tuy nhiên, điều quan trọng là mình cần có tâm thái vững vàng, sẵn sàng đối diện với nó, chấp nhận nó và vượt qua nó. Đời người hạnh phúc nhất là được làm theo ý mình, đam mê của mình. Khi có đam mê, ý tưởng tốt phải biết hiện thực hóa ý tưởng. Bắt tay vào làm rồi thì tự làm tự chịu, hãy quyết tâm vượt qua khó khăn từ cái nhỏ cho đến cái lớn nhất. - Ông cho rằng yếu tố nào là quan trọng trong khởi nghiệp? Dù khởi nghiệp ở lĩnh vực nào thì đam mê là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Trong quá trình khởi nghiệp, anh cần phải trau dồi các kĩ năng cần thiết khác cũng như có tinh thần cầu thị, biết học hỏi kinh nghiệm kèm quyết tâm cao độ, đặc biệt phải chịu được áp lực, dám chấp nhận thất bại. Nếu anh có ý tưởng tốt cộng với lòng nhiệt tình, đam mê cháy bỏng thì anh sẽ tìm được phương pháp để thu hút các nhà đầu tư. Một dự án tốt, lợi ích hướng đến cộng đồng sẽ được xã hội quan tâm hỗ trợ. - Hỗ trợ khởi nghiệp cũng là cách thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thưa ông? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là làm ra những sản phẩm tốt nhất có thể phục vụ người tiêu dùng, giúp công nhân viên của công ty có đời sống ấm no hạnh phúc. Doanh nghiệp của tôi cũng đã cơ bản làm được những điều như vậy. Ngoài ra, tôi cũng rất vui đã làm được việc hữu ích là đã đề xuất với Chính phủ xây dựng tượng đài hóa thân hoàn vũ ở Văn Điển, Hà Nội và được chấp nhận. Mô hình nghĩa trang Văn điển hoạt động rất tốt từ những năm 1989. Tôi cũng đang cố gắng làm tốt vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Uông Bí trong việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm hơn nữa đến thế hệ trẻ, hỗ trợ các em khởi nghiệp thành công. - Xin cảm ơn ông! |
Ý kiến của bạn