- Bất cập rõ như “ban ngày”, vậy vấn đề nằm ở đâu khiến việc hô hào giảm kiểm tra chuyên ngành vô lý không như DN kỳ vọng?

 

Rõ ràng vấn đề nằm ở danh mục hàng hóa. Có tới khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Chỉ tính riêng tuân thủ các điều kiện kiểm tra chuyên ngành thì một năm trung bình DN đã tốn gần 29 triệu ngày công và hơn 14.300 tỉ đồng.

Như vậy nếu cắt giảm được 30% danh mục các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và 4.300 tỉ đồng.

Còn nếu cắt giảm 50% danh mục sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và 7.100 tỉ đồng. Cùng với đó là các chi phí lưu kho, lưu bãi, tài chính, hàng hóa quay vòng nhanh hơn và chi phí ngoài luồng sẽ không còn.

. Nhưng nhiều bộ, ngành nêu lý do vì sức khỏe người dân, bảo vệ người tiêu dùng… để duy trì những cách thức kiểm tra như vậy. Ông nghĩ sao?

Điều này theo tôi là vô lý. Đơn cử Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm còn rất nhiều vướng mắc, như quy định làm thủ tục 15-30 ngày, nhưng có thực tế là “tới ngày 13 thì cán bộ gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ, tính thời gian từ đầu, 3 lần như thế là mất vài tháng”. Nhiệm vụ sửa đổi Nghị định 38 chưa được Bộ Y tế hoàn thành. Trên thực tế, các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra từ các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố… nghĩa là nguy cơ mất an toàn nằm ở nhóm hàng hóa khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 38. 

Còn lấy việc sử dụng rau 2 ba luống, bơm tạp chất trong tôm làm cơ sở để viện giải rằng là sử dụng thủ tục này là cần thiết thì theo tôi cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo vệ cho việc này không gắn với nhau. Thủ tục này 5 năm rồi, DN phàn nàn về thủ tục này rất nhiều. Tôi cho là phàn nàn của họ là đúng, hoàn toàn chính xác.

Như vậy, cơ quan quản lý dành 98% nguồn lực vào chỗ rủi ro ít, trong khi những nơi có nhiều nguy cơ nhất lại không được quan tâm.

- Vậy theo ông, để giảm được “rừng” 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, phải bắt đầu từ đâu?

Trước tiên Nhà nước phải thay đổi công cụ quản lý. Khi thay đổi công cụ thì buộc Nhà nước phải tính đến sự phù hợp.

Doanh nghiệp đã kêu như vậy, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo sửa đổi, tôi cho rằng cần bỏ thêm nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành và chuyển sang một phương thức quản lý khác tốt hơn. Còn duy trì một công cụ vừa tốn kém, vừa không có hiệu lực thì có thể làm đảo lộn những giá trị về quản lý. Đừng để đến lúc doanh nghiệp chán nản không muốn phản ánh nữa.

- Xin cám ơn ông.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác: 5 vấn đề và 8 hướng xử lý

Thời gian qua, các Bộ đã có nhiều cố gắng, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đổi mới trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, vẫn còn 5 vấn đề nổi lên.

  • Thứ nhất là kiểm tra chồng chéo. Trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần bộ thủ tục kiểm tra. Đây là tỷ lệ rất lớn, điển hình như một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.
  • Thứ hai, còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm định. Nhiều mặt hàng do các nhà sản xuất uy tín hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm định trong khi không đủ điều kiện về nhân lực, kỹ thuật. Có những đơn vị được Bộ chỉ định kiểm tra mang tính độc quyền, như cả nước chỉ có 1 đơn vị kiểm tra tại Hà Nội, “miền Nam cũng ra, miền núi cũng xuống, miền biển cũng phải lên”.
  • Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối điện tử giữa các Bộ trên một cửa quốc gia còn rất hạn chế. Thủ tục còn thủ công rất nhiều. “Quan trọng nhất là kiểm tra rất nhiều, thủ tục rất nhiều, nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp. Trong khi doanh nghiệp mất tới 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ để kiểm tra. Chi phí không chính thức cũng cực lớn mà không ai liệt kê được hết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
  • Thứ tư, việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực… cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế.
  • Thứ năm, qua kiểm tra, nổi lên các thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, đây là vấn đề được các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan liên quan quan tâm nhất, đặc biệt là trong thực hiện Nghị định 38.

8 hướng cần tập trung xử lý trong thời gian tới:

  • Trước hết, đề nghị các Bộ tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản mà Nghị quyết 19 và Quyết định 2026 của Thủ tướng đã giao. Tinh thần là lần kiểm tra sau, các Bộ phải hoàn thành 100%.
  • Thứ hai, tiếp tục rà soát, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra, đây là nhiệm vụ tiên quyết. Danh mục hàng hóa phải kiểm tra cũng phải gắn liền với mã HS để công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục.
  • Thứ ba, rà soát số lượng các văn bản quy định về kiểm tra, quản lý chuyên ngành, theo hướng một văn bản có thể điều chỉnh nhiều mặt hàng, thay vì như hiện nay, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản cùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng.
  • Thứ tư, rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra chuyên ngành. Qua đó chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro.
  • Thứ năm, tăng cường công nhận chất lượng sản phẩm với các nước.
  • Thứ sáu, khắc phục tình trạng một mặt hàng do nhiều Bộ cùng chủ trì kiểm tra. Tổ công tác sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao 1 bộ chủ trì việc kiểm tra, bộ đó sẽ mời các bộ khác cùng đi kiểm tra, “còn hiện nay các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi”.
  • Thứ bảy, đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa quốc gia.
  • Thứ tám, kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị định sửa đổi cùng lúc các nghị định về kiểm tra chuyên ngành, theo đó sẽ cắt giảm thủ tục, giảm mặt hàng phải kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, thay đổi hình thức quản lý… để kéo giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% thay vì 30-35% như hiện nay.