Dược Hậu Giang sẽ giảm tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017
Tại Đại hội diễn ra tuần qua, HĐQT Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG, sàn HOSE) đã trình Đại hội đồng cổ đông phương án kinh doanh 2017, với mức tăng trưởng doanh thu thuần khá cao, nhưng tăng trưởng lợi nhuận không ấn tượng như năm 2016.
ợi nhuận 2016 tăng nhờ… thắt lưng buộc bụng
Năm 2016, Dược Hậu Giang đã bắt tay hợp tác với cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản). Đây là công ty trực thuộc Tập đoàn Dược phẩm Taisho Pharmaceutical Holdings có tổng tài sản 759 tỷ yên (khoảng 7,1 tỷ USD). Ở Việt Nam, Taisho có Công ty Taisho Việt Nam được thành lập từ năm 1999, phân phối sản phẩm nước tăng lực Lipovitan.
Hiện nay, Taisho là cổ đông lớn thứ hai tại Dược Hậu Giang (chỉ sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC). Sự đồng hành của Taiso được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho Dược Hậu Giang trong việc mở rộng kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á, bởi Taiso đang có tới 14 công ty con tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia…
Dược Hậu Giang phải tăng trích khấu hao tài sản cố định và chấp nhận sụt giảm lợi nhuận trong ngắn hạn. |
Với sự hậu thuẫn của Taisho, Dược Hậu Giang đã có những động thái quản lý tài chính khá hiệu quả trong năm 2016. Doanh thu năm 2016 của Công ty đạt 4.154 tỷ đồng, tăng không nhiều so với năm 2015, nhưng lợi nhuận tăng mạnh nhờ tiết giảm chi phí khá hiệu quả. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 713 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Một trong những khoản chi được Dược Hậu Giang tiết giảm đáng kể trong năm 2016 là chiết khấu thương mại cho hoạt động bán hàng, từ mức hơn 519 tỷ năm 2015 xuống còn 356 tỷ đồng năm 2016. Ngoài ra, việc Công ty tiết giảm được khoảng 125 tỷ đồng chi phí hàng hóa đầu vào cũng đóng góp đáng kể vào kết quả lợi nhuận trong năm qua.
Lợi nhuận 2017 khó tăng trưởng ấn tượng
Ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố có thể giúp Dược Hậu Giang gia tăng doanh thu trong năm 2017 là việc Nhà máy Betalactam bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2016. Nhà máy có công suất 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 110 tỷ đồng, sản xuất các sản phẩm kháng sinh như Klamentin, Haginat… Với sự hỗ trợ tích cực từ nhà máy này, doanh thu thuần của Công ty dự kiến đạt 4.369 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2016.
Dù nguồn thu có thể tăng mạnh, nhưng đại gia số 1 ngành dược khó có được mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như năm 2016. Cụ thể, công ty này đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ là 820 tỷ đồng, tăng 8,4%. Tuy nhiên, Công ty sẽ trích 20 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, khiến lợi nhuận chỉ còn 800 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2016.
Theo đánh giá của HĐQT Dược Hậu Giang, năm 2017, Công ty sẽ phải đối mặt với khó khăn do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng vì lý do tăng tỷ giá và trượt giá. Một số khoản chi có thể sẽ bị đội lên, do Công ty tăng chi phí khấu hao và chi phí nhân sự. Bên cạnh đó, theo ông Trần Quốc Hưng, Trưởng ban Kiểm soát Công ty, vòng quay hàng tồn kho giảm trong năm 2016, do đó ban điều hành cần phải xây dựng định mức tồn kho, cải tiến quy trình quản lý để tăng vòng quay hàng tồn kho trong năm 2017.
Thực chất, việc tăng chi phí khấu hao không phải vấn đề quá lo ngại, bởi nếu các khoản đầu tư có hiệu quả, thì có thể sẽ là của để dành cho Công ty trong những năm sau. Trong các năm qua, Dược Hậu Giang đã chi khá mạnh tay cho hoạt động đầu tư và động thái này có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới (năm 2017 là khoảng 152 tỷ đồng), khiến Công ty phải tăng trích khấu hao tài sản cố định và chấp nhận sụt giảm lợi nhuận trong ngắn hạn.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn