Dược phẩm tiềm năng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt

Dược phẩm- tiềm năng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt

Sự chuyển dịch đầu tư

Cuối năm 2017, CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (Thế Giới Di Động) mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang đánh dấu hướng đi xâm nhập vào thị trường dược phẩm trong nước. Như vậy, Thế Giới Di Động đã thêm dược phẩm vào hệ sinh thái kinh doanh của mình với chuỗi Nhà thuốc An Khang.

Cùng thời điểm, CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng tiến hành hoạt động đầu tư mang tính thử nghiệm vào nhà thuốc Long Châu (TP.HCM) như một cách mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Và mới đây nhất, Tập đoàn Vingroup ra thông báo thành lập Công ty Cổ phần Vinfa hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm; đồng thời, đầu tư xây dựng Dự án “Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa”. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, quy mô giai đoạn 1 gần 10 ha và được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế với các phân khu: nghiên cứu, sản xuất, hậu cần và các công trình phụ trợ.

Mục tiêu của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa là sản xuất và kinh doanh các bài thuốc Đông y và các loại thuốc Tây y chất lượng tốt, phục vụ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Dự kiến, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa sẽ bắt đầu xây dựng vào quý 3/2018.

Tiềm năng ngành dược

Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC), dư địa tăng trưởng của ngành dược còn nhiều, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước đang phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu (đặc biệt là nguyên liệu tân dược) và chỉ chiếm được khoảng một nửa thị trường thuốc trong nước. Phân nửa thị phần còn lại thuộc về các sản phẩm nhập ngoại, trong đó đáng kể là thuốc của các tập đoàn dược phẩm hàng đầu có giá và chất lượng cao hơn hẳn. Tính riêng thuốc vào bệnh viện (kênh ETC), tỷ lệ hàng nhập khẩu còn lớn hơn nhiều. Đây là thách thức khiến doanh nghiệp ngoại lấn át doanh nghiệp nội.

Năm 2021, dự kiến người VIệt sẽ chi 55 USD/người cho dược phẩm trong 1 năm.

Năm 2021, dự kiến người VIệt sẽ chi 55 USD/người cho dược phẩm trong 1 năm.

Trong khi đó, tiềm năng ngành dược Việt Nam là rất lớn. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, ngành dược phẩm Việt Nam được kỳ vọng sẽ giữ được nhịp độ tăng trưởng mạnh 10-15%/năm trong các năm sắp tới để đạt tới giá trị 7,3 tỷ USD vào năm 2019.

Nguyên nhân dẫn đến nhu cầu dược phẩm tăng mạnh là do tuổi thọ người dân được cải thiện, đi cùng với các vấn đề về ô nhiễm môi trường có thể làm gia tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến hô hấp, ung thư, đái tháo đường, thậm chí là nguy cơ bệnh béo phì. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Thế giới, người dân đang phải mua thuốc với giá quá cao, nhất là thuốc nhập khẩu, dẫn đến tình trạng chi tiêu nhiều hơn qua các năm.

Bên cạnh thị trường, xu hướng chi tiêu dược phẩm, Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đang mở đường cho hoạt động kinh doanh dược, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng 80% nhu cầu nội địa vào năm 2020. Bộ luật này khuyến khích sự tham gia của nhiều chủ thể hơn, gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với những ưu đãi về sản xuất dược phẩm, nguyên liệu dược phẩm, các loại thuốc thiết yếu, thuốc đặc trị bệnh xã hội, vaccine, cũng như cải tiến hệ thống phân phối.