Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao đổi với các đại biểu các nước tới tham gia phiên họp mở rộng của Hội đồng kinh doanh GMS. Ảnh: Quốc Tuấn
Được tổ chức theo mô hình của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, phiên họp mở rộng của Hội đồng Kinh doanh GMS đã đưa ra được những lợi thế và các thách thức hiện nay cho khối doanh nghiêp các nước GMS.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại kỳ họp lần này, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mới nhằm thúc đẩy liên kết khu vực và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như việc đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS; mạng lưới khởi nghiệp GMS hay sáng kiến tăng cường ứng dụng công nghệ mới nhất về công nghệ thông tin và viễn thông để kết nối các nước thành viên.
"Với mọi giải pháp có thể thực hiện, thì các nền kinh tế của GMS có thể "đi tắt đón đầu" và xử lý những vấn đề còn nhiều thách thức trong khu vực hiện nay", TS. Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Htun Zaw, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar nhận định, sáng kiến về Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS của Chính phủ Việt Nam là một ý tưởng rất đúng thời điểm và đúng trọng tâm, nhằm tạo ra cơ hội để lãnh đạo các nước trong khu vực được tiếp xúc với các doanh nghiệp tư nhân quan trọng.
Các nước trong khối GMS đã cùng nhau chia sẻ góc nhìn về việc xác định động lực mới nhằm phát triển kinh tế trong tương lai; cùng với đó là những chính sách kịp thời để bắt kịp sự phát triển của thế giới.
"Các nước trong khu vực GMS cần cùng nhau gìn giữ những giá trị hợp tác truyền thống, đồng thời phải thắt chặt hợp tác để tìm ra những bước đi mới. Các lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, tài chính điện tử,... đang mang lại cho các quốc gia nhiều cơ hội hơn nữa. Ngoài ra, các quốc gia GMS cũng có thể tận dụng lợi thế từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió để tăng cường sự cạnh tranh của riêng mình và toàn khu vực. Rõ ràng, từng quốc gia cần phải làm tốt vai trò của chính mình", ông Htun Zaw nói.
Có thể nói, để đi tới thành công, việc hợp tác chặt chẽ và có tầm nhìn chung hướng tới tương lai đều được các đại biểu nhấn mạnh để đạt được những hiệu quả và tiến bộ vượt bậc. Lãnh đạo các nước đều có chung một thông điệp: cần có sự kết nối để cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Các nước thành viên GMS cần bắt tay nhau để trở thành một cộng đồng hài hòa và mạnh mẽ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo các nước thành viên GMS sẽ có những thông báo mạnh mẽ về tương lai, về những ưu tiên tập trung thực hiện để đưa nền kinh tế trong khu vực ngày càng phát triển.
Với nhiều điểm chung về phát triển du lịch và nông nghiệp..., các doanh nghiệp khi tham dự Diễn đàn đều mong muốn đây sẽ là cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, gồm cả các doanh nghiệp lớn lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Theo đó, tùy từng doanh nghiệp sẽ có đường lối, chiến lược sản phẩm và những kế hoạch riêng. Tuy nhiên, thách thức không phải không có và bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình", ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson cho biết.
Ý kiến của bạn