Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS 2018. Ảnh Quốc Tuấn

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS 2018. Ảnh Quốc Tuấn

Đó là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tại Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS 2018 được tổ chức sáng ngày 30/3 tại Hà Nội. 

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, hiện nay GMS vẫn nằm trong nhóm phát triển ở mức thấp hơn so với ASEAN, châu Á và thế giới về GDP bình quân đầu người, cơ sở hạ tầng, công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực,... Đối mặt với những yêu cầu mới về phát triển, cơ hội và thách thức là rất lớn đối với GMS.

"Mặc dù vậy, với điều kiện địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên và nhân lực dồi dào, cải cách và hội nhập sâu rộng nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có những lợi thế so sánh trong nông nghiệp và du lịch", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Do đó, Chủ tịch VCCI cho biết, các động lực kinh tế GMS trong những năm tới sẽ là khởi nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Đồng thời, TS. Vũ Tiến Lộc cũng hoan nghênh sáng kiến của Campuchia để thành lập Mạng lưới các Doanh nhân trẻ GMS và đề xuất thành lập Mạng lưới Doanh nhân Nữ GMS, và Mạng lưới Khởi nghiệp GMS.

Chủ tịch VCCI nhận định, các mạng lưới các doanh nghiệp này sẽ nhân rộng những nỗ lực của GMS trong hội nhập và phát triển, cùng với nhiều sáng kiến và chương trình khác nhau để thúc đẩy sự kết nối trong khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đào tạo nhân lực, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS, hiện nay các nước GMS đang bước vào thập niên thứ ba của sự hợp tác với cam kết mạnh mẽ hơn đối với các mục tiêu chung trong kết nối, cộng đồng và tính cạnh tranh.

Các Chính phủ GMS đã có nhiều hành động khuyến khích các đối tác phát triển và khu vực tư nhân đáp ứng các yêu cầu tài chính trong GMS, và GMS-BC đại diện cho sự tham gia của khu vực tư nhân để đóng góp vào sự vươn lên của GMS.

Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp trong GMS phải đối mặt với những cơ hội và thách thức lớn hơn từ việc hội nhập kinh tế sâu rộng và sự nổi lên của các công nghệ mới và các mô hình kinh doanh mới, thường được gọi là "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Các hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế trong ASEAN Plus đã cắt giảm đáng kể những rào cản thương mại và tạo ra các thị trường lớn hơn và tăng cường cạnh tranh trong khu vực. Tự do hóa thương mại tăng cường sự phát triển của các công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của nền kinh tế số, tạo ra những cách cạnh tranh mới và giá trị mới cho khách hàng.

Để hỗ trợ các hoạt động của Chương trình Phát triển GMS, GMS-BC đã thành lập các nhóm làm việc dẫn đầu bởi khu vực tư nhân để thúc đẩy sự phát triển thương mại và đầu tư dọc theo các hành lang kinh tế GMS. Các hoạt động tập trung vào tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải xuyên biên giới thông qua hoạt động của Hiệp hội Vận tải Hàng hoá GMS (GMS-FRETA); cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Khuôn khổ Đầu tư Khu vực GMS (RIF); và giải quyết các vấn đề chuẩn bị và giảm nhẹ trước và sau thiên tai cho các doanh nghiệp GMS.

Những thành tựu nổi bật đã được thực hiện trong phát triển vận tải hàng hóa và hậu cần thông qua GMS-FRETA với sự hỗ trợ của một số đối tác phát triển, đặc biệt trong việc nâng cấp tiêu chuẩn hậu cần ở các nước CMLV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) và xây dựng năng lực cho các nhà khai thác vận tải.

Theo ông Oudet Souvannavong, các doanh nghiệp ở các nước GMS cần làm việc với các chính phủ để giúp các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là các SME và MSME áp dụng các công nghệ mới, các mô hình thị trường mới và phản ứng trước các cơ hội thị trường mới để trở nên cạnh tranh và tiếp cận các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Và GMS-BC cần đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này, tiếp tục là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.