Hạ tầng kém, ĐBSCL khó “cất cánh”
Hạ tầng kém là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL. Ngay cả người dân cũng có xu hướng di cư đến nơi khác do không sống nổi với nông nghiệp
Hạ tầng kém là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL. Ngay cả người dân cũng có xu hướng di cư đến nơi khác do không sống nổi với nông nghiệp
Trong một hội nghị gần đây tổ chức tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2017, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp chế biến.
Khó thu hút đầu tư
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong năm 2016, vùng ĐBSCL có 171 dự án được cấp phép đầu tư với vốn đăng ký hơn 2 tỉ USD. Lũy kế đến nay, toàn vùng có 1.324 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 19 tỉ USD, chiếm 5,8% số dự án và 6% về vốn đăng ký so với cả nước. Ông Hiếu nhận định hạ tầng giao thông còn hạn chế là một trong những nguyên nhân chính khiến thu hút đầu tư trong vùng còn thấp.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2010 trung bình là 10%/năm, liên tục giảm ở các năm sau đó và đến năm 2016, xuống mức 6,9%. TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cũng nhận định tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL tụt dốc có liên quan đến cơ sở hạ tầng còn kém. “Lãnh đạo trung ương, Chính phủ đánh giá cao về nông nghiệp ĐBSCL nhưng hành động thì chậm chạp. Cầu Mỹ Thuận khánh thành vào năm 2000 thì đến 10 năm sau, ĐBSCL mới có thêm cầu Cần Thơ. Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương khai trương vào năm 2010 nhưng cho đến nay, chờ hoài không thấy triển khai cao tốc Trung Lương - Cần Thơ. Hạ tầng kém thì kinh tế khó phát triển” - ông Dũng dẫn chứng.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận hạ tầng kém, ít được quan tâm đầu tư đã kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL khiến khu vực này khó thu hút đầu tư. Điều này có thể thấy rõ khi những năm gần đây, các tỉnh Long An, Tiền Giang thu hút vốn FDI mạnh mẽ, luôn đứng vị trí đầu của cả vùng do nằm gần TP HCM, giao thông thuận lợi. Theo thống kê của VCCI Cần Thơ, trong năm 2016, tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Long An là 9%, đứng đầu toàn vùng. Trong khi đó, Cà Mau chỉ đạt 5,17% do nơi đây đường sá còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều dự án FDI.
Năm 2016, thu hút vốn FDI vào TP Cần Thơ đạt gần 200 triệu USD, mức cao nhất kể từ khi Cần Thơ trở thành TP trực thuộc trung ương (năm 2004). Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN Cần Thơ, đánh giá: “Có được kết quả trên là do hạ tầng giao thông tại Cần Thơ ngày càng tốt hơn. Từ khi cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng Tân Cảng - Cái Cui đi vào hoạt động, kết nối với nhau đã tạo nên hạ tầng đồng bộ. Qua thống kê cho thấy trong quý IV/2016 và dự kiến quý I năm nay, số doanh nghiệp (DN) đổ về TP Cần Thơ đông nhất từ trước đến nay”.
Cần cải thiện hạ tầng
Các kết quả điều tra xã hội học chỉ rõ những năm qua, ngày càng có nhiều người dân ĐBSCL dịch chuyển về vùng Đông Nam Bộ tìm kiếm việc làm. Điều này cho thấy ngành nông nghiệp - thế mạnh của vùng, không thể níu kéo họ ở lại. Cụ thể, giai đoạn 1984-1989, di cư từ ĐBSCL đến các vùng khác chỉ 92.893 người, giai đoạn 1994-1999 tăng lên 229.168 người; từ 2004-2009 là 733.003 người và từ 2009-2014 là 544.909 người. Trong khi đó, số người nhập cư ở ĐBSCL thấp hơn nhiều, giai đoạn 2009-2014 có 97.438 người.
TS Võ Hùng Dũng nhận định những tỉnh có tỉ trọng nông nghiệp lớn thì tăng trưởng kinh tế thấp, DN thành lập ít thì thường có tỉ lệ di dân cao. Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu là 3 tỉnh có tỉ lệ di cư thuần trên 10% trong nhiều năm. Trong khi đó, tỉnh Trà Vinh được xem là nơi “khỉ ho cò gáy” nhưng trong vài năm gần đây, hệ thống đường ven biển hình thành, các cầu bắc qua sông Tiền nối Trà Vinh với TP HCM nên thu hút nhiều dự án FDI quy mô lớn. Việc này đã giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương nên tỉ lệ di cư thuần ngày càng giảm. Trước kia, Trà Vinh có mức di cư thuần trung bình 4% nhưng nay có xu hướng giảm dần.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Trường ĐH Cần Thơ, quả quyết: “Hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ĐBSCL. Nó ảnh hưởng đến kinh tế, thị trường, sinh kế… trong vùng. Từ khi các cầu trên Quốc lộ 1 hình thành, đã giúp DN giảm thời gian và chi phí vận chuyển. Trong tương lai, nếu trung tâm logistics trong vùng hình thành, kết hợp với các cầu có sẵn là điều kiện cho vùng thu hút đầu tư”.
Khởi nghiệp giúp vực dậy nền kinh tế
Theo TS Võ Hùng Dũng, muốn thay đổi cấu trúc kinh tế, cần đầu tư cơ sở hạ tầng và phải dựa vào khởi nghiệp. “Trong vùng không có nhiều DN lớn, chỉ dựa vào DN vừa và nhỏ. Vì vậy, nên cổ xúy tinh thần khởi nghiệp. Chỉ có khởi nghiệp, khai thác ngành nghề và sản phẩm địa phương đang có mới thu hút giới trẻ sáng tạo, ở lại địa phương” - TS Dũng nói.
http://nld.com.vn
Ý kiến của bạn