Toàn cảnh Diễn đàn.
Vấn đề Khởi nghiệp và việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh đã trở thành chủ đề được đề cập nhiều trong các cuộc nghị sự của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cơ quan, Bộ, Ban ngành. Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai.
Trong thời gian qua, nhiều chính sách mới được ban hành nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp và các doanh nghiệp. Cụ thể, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 đã hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Phần lớn các doanh nghiệp mới khởi nghiệp phải huy động vốn từ tiết kiệm của bản thân, gia đình, đồng nghĩa với việc đa số các doanh nghiệp trẻ đều không có được sự bệ đỡ vững chắc để khởi nghiệp. Trong khi đó, cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có nhiều doanh nghiệp đi tiên phong trong việc đỡ đầu, hỗ trợ đầu tư. Đây được xem là một kênh đầu tư mới cho cộng đồng khởi nghiệp.
Tham dự Diễn đàn về phía các cơ quan quản lý có: PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Hoàng Xuân Hòa – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ; Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Về phía khách mời là các chuyên gia, diễn giả, đại diện cho các đơn vị - doanh nghiệp có: Ông Nguyễn Văn Mỹ - Cố vấn cao cấp chương trình Khởi nghiệp Quốc gia; Ông Nguyễn Hữu Đoan - Chủ tịch DNNVV tỉnh Hải Dương; Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp SCSI; Ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội Hóa chất Nông nghiệp TP Hà Nội Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Vietnam, – Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp; Ông Bùi Minh Lực- Chủ tịch CLB CEO Hà Nội – TGĐ Tập đoàn Hòa Bình Minh; Bà Thạch Lê Anh – Giám đốc Vietnam Silicon Valley; Ông Nguyễn Trung Dũng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội – BK Holdings; Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp – Chủ tịch LP Group; Ông Trần Trí Dũng – Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ; Ông Nguyễn Quốc Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Nông thôn Trung ương đoàn TNCS HCM; Ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Kankyo Việt Nam, Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp, Chuyên gia đổi mới sáng tạo; Ông Bùi Mạnh Ly – Chủ tịch HĐQT Cty CP Nông nghiệp Việt Thương.
Về phía Ban Tổ chức có: Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Đặc biệt, chương trình còn có sự tham dự của hơn 200 khách mời đến từ Thành Đoàn Hà Nội, các tỉnh đoànBắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai,…; Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp, Câu lạc bộ CEO Hà Nội, các Doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các thầy cô giáo đại diện cho Ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng và sinh viên Học viện Nông nghiệp, Học viện Ngân hàng, Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Đại Nam, Đại học Tây Bắc, Cao đẳng Thương mại – Du lịch, các bạn thanh niên cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đã mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây cũng là cuộc Cách mạng mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức, mà nếu các DN không đổi mới sẽ không bắt kịp xu hướng.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ
Thứ trưởng cho biết, cuộc Cách mạng Công nghiệp 3.0 đã ra đời hàng loạt DN khởi nghiệp trên thế giới và như FB, Alibaba,… Đây cũng là thời kỳ bắt đầu xuất hiện các thung lũng Silicon ở Mỹ - nơi ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu thế giới tạo ra bước phát triển đột phá cho nước Mỹ. Nhưng Việt Nam lúc bấy giờ chưa biết đến cuộc cách mạng công nghệ này. Chúng ta chưa hề có 1 sự chuẩn bị nào chính vì thế nền kinh tế Việt Nam hay các doanh nghiệp Việt Nam bị tụt hậu xa và mất một thời gian dài nữa mới có thể hoàn thiện cuộc cách mạng công nghiệp 3.0.
“Vậy nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tối giảm khoảng cách với nền kinh tế và công nghệ thế giới bằng việc xây dựng, phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo biết vận dụng, áp dụng các công nghệ mới, mô hình mới, ý tưởng mới vào trong phát triển sản phẩm, sản xuất, kinh doanh của mình” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo đang được các bạn trẻ đón nhận và triển khai sôi động, tích cực trên cả nước. Rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã ra đời. Ngoài sự thành công của một số doanh nghiệp điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ khoảng những năm đầu 2000) như Vinagames, VC Corporation (hay Vatgia), và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKN) thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ khoảng những năm 2010)…thì thế hệ thứ ba là thế hệ doanh nghiệp nổi bật trong 2-3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục,nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử,giải trí, truyền thông.
Đặc biệt, trong năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, hoạt động của các DNKN Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD.
Tuy nhiên để nhân rộng quy mô và phát triển hơn nữa số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo Thứ trưởng cần phải xây dựng môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Việt Nam được đánh giá là nơi rất có tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sang tạo (ĐMST). Hiện tại, các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã đầy đủ và đang hỗ trợ tích cực cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Thực tiễn cho thấy, về hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp ĐMST có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho DNKN đang hoạt động tại Việt Nam. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tích cực. Hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp ĐMST cũng rất năng động với khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ DNKN như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP). Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi.
“Có thể thấy, trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã có đầy đủ các thành phần cho sự phát triển, với các DN khởi nghiệp chất lượng tốt, quỹ đầu tư mạo hiểm có uy tín, các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp với số lượng và chất lượng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng của hệ sinh thái” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như xây dựng hoàn chỉnh mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp cần sự vào cuộc không chỉ của chính phủ, các tổ chức khởi nghiệp mà còn cần đến rất nhiều từ nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những doanh nghiệp đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm, đầu tư vốn cho những doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Thêm vào đó công tác thông tin, tuyên truyền cũng rất quan trọng để cung cấp kiến thức, thông tin, tạo lập “văn hóa khởi nghiệp”. Tỷ lệ thành công ở khởi nghiệp tuy thấp nhưng chúng ta phải biết “chấp nhận thất bại”, qua thất bại mới đến thành công. Tư duy đó cần đưa vào lớp trẻ, vào những người mới khởi nghiệp.
“Điều quan trọng nữa trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các Vùng miền với trọng tâm là các Vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các trường Đại học trong cả nước. Thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Vùng và cả nước” – Thứ trưởng nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, trong 2 năm qua các hoạt động khởi nghiệp ở nước ta đã có nhiều khởi sắc. Điều này thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng môi trường thuận lợi, nhằm tạo làn sóng khởi nghiệp cùng tinh thần doanh nhân mạnh mẽ trong xã hội.
TS. Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội
Cũng trong hai năm qua, nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các bạn trẻ muốn kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao đã được ban hành.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" ngày 18/5/2016. Đặc biệt, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành ngày 12/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Gần đây nhất, tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đề án còn tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Với việc quán triệt tinh thần của các chính sách và Luật mới nhằm hỗ trợ khởi nghiệp được ban hành, tại Diễn đàn Khởi nghiệp hôm nay, ông Thắng đề nghị các diễn giả tập trung thảo luận vào một số vấn đề cụ thể như: Xây dựng các chính sách và thể chế để hoàn thiện các thành phần cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp; chính sách thu hút và phát triển các quỹ đầu tư của Nhà nước và tư nhân, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam để hỗ trợ khởi nghiệp; liên kết các vườn ươm và tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp; vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đối với các hoạt động đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp.
“Những kiến nghị, đề xuất của các quý vị và các bạn tại Diễn đàn không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho các bạn trẻ khởi nghiệp đốt cháy được ngọn lửa đam mê kinh doanh, mà còn góp phần hoàn thiện hơn các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp” – ông Thắng khẳng định.
NHẬN DIỆN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP
Phiên thảo luận đầu tiên do ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối.
Đại diện Viện nghiên cứu đào tạo Doanh nhân
Tham gia thảo luận gồm: Ông Hoàng Xuân Hòa – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế TW; Bà Thạch Lê Anh – Giám đốc Vietnam Silicon Valley; TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội –BK Holdings; Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp –Chủ tịch LP Group; Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Bộ Kế hoạch Đầu tư; Ông Trần Trí Dũng – Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, phiên thảo luận với chủ đề "Nhận diện hệ sinh thái khởi nghiệp" sẽ xoay quanh 3 vấn đề cơ bản chính.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ nhất, chính là những vấn đề liên quan đến chính sách, vấn đề xây dựng hệ sinh thái, thu hút vốn tư nhân, sự hỗ trợ của nhà nước thì như thế nào…
Thứ hai, là câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo, gắn với đổi mới sáng tạo, tỏng bối cảnh hiện nay, bối cảnh về hội nhập quốc tế, đổi mới về công nghệ thì cần gì để tạo nên bứt phá cho nền kinh tế. Vấn đề này cũng liên quan đến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, chính là những chủ thể trung gian giúp khởi nghiệp trở thành khởi nghiệp sáng tạo mang tầm quốc tế đặc biệt là các vườn ươm, các tổ chức, các trường đại học, các chuyên gia… các chủ thể này sẽ có vai trò như thế nào? Trong đó mối quan hệ liên kết là vô cùng quan trọng, tại sao lại cần phải liên kết trong phạm vi quốc gia…
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai đề án 544 trong đó có 3 vấn đề quan trọng.
Một là, hoàn thiện thể chế, tọa điều kiện cho môi trường đầu tư, môi trường khởi nghiệp.
Hai là, chúng tôi cũng đề xuất bộ KHĐT đưa vào và xây dựng và hoàn thiện quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là những quy định nâng cao năng lực cho người hỗ trợ khởi nghiệp, bên cạnh đấy hỗ trợ nâng cao kiến thức kĩ năng cho nhà đầu tư.
Điều thứ ba là tạo ra văn hóa ủng hộ và hỗ trợ khởi nghiệp, từ sinh viên, học sinh cho đến các tầng lớp phải có văn hóa không sợ thất bại, dám đứng lên từ thất bại thì mới có thể thành công được. Chúng tôi đang tiến hành nhiều hỗ trợ thông qua các công ty truyền thông.
Theo bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Bộ Kế hoạch Đầu tư, khung pháp lý về hệ sinh thái doanh nghiệp của Việt Nam bao gồm các văn bản pháp lý, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định 56 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tất cả đều nhằm tạo ra hệ sinh thái Doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Bà Hồng cũng cho biết khung pháp lý hỗ trợ cho DN từ Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Quỹ hỗ trợ DNNVV tiếp cận các quỹ bảo lãnh, ngân hàng uỷ thác … để thông qua đó hỗ trợ nguồn vốn cho DN. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho DN khởi nghiệp sáng tạo về vấn đề thuế và kế toán, về mặt bằng sản xuất. Luật cũng đưa ra mô hình mới là hình thành các cơ sở làm việc chung giá rất ưu đãi cho đối tượng DN khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, hỗ trợ về mặt tư vấn thị trường, tư vấn pháp lý.
Với riêng với DN khởi nghiệp sáng tạo Luật hỗ trợ DNNVV cũng có chương quy định hỗ trợ riêng, bà Hồng cũng cho biết, Quỹ hỗ trợ DNNVV cũng được giao thêm huy động các nguồn vốn huy động từ trong và ngoài nước để tài trợ cho DN khởi nghiệp sáng tạo.
“Hiện các bộ ngành đang xây dựng 4 nghị định hỗ trợ DNNVV này và hy vọng sẽ cho ra đời cùng với việc thi hành của Luật hỗ trợ DNNVV” – bà Hồng cho biết.
Có mặt tại phiên thảo luận, ông Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2016 – 2017 chưa bao giờ thấy phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ ở nước ta đến như vậy. Ông Hòa cho rằng, điểm xuất phát đầu tiên là từ nhận thức.
Ông Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương.
Chúng ta cần hiểu về khởi nghiệp như thế nào? Theo ông Hòa, khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vị thế của kinh tế tư nhân (KTTN) trong thời kỳ mới.
"Trong Nghị quyết này chúng tôi đề cập đến rất nhiều việc hỗ trợ DN tư nhân là các DNVVN để nhà nước đưa ra những hỗ trợ.
Mục tiêu của Nghị quyết này là cố gắng đến 2020 có khoảng 1 triệu DN khởi nghiệp. Tức trong 3 năm nữa phải cố gắng có được 500 nghìn DN khởi nghiệp mới thực hiện được mục tiêu đặt ra. Còn 3 năm nữa, nguồn lực DN này ở đâu? Chúng tôi đang kỳ vọng ở chính các bạn đang ngồi đây.
Quân bài nằm ở trong tay các bạn, thế hệ sinh viên trẻ, doanh nhân trẻ với ý chí, khát vọng lớn hãy sáng tạo và tận dụng môi trường này để làm giàu cho bản thân, cho gia đình, và xã hội. Chính các bạn tạo dựng được 500 DN, để thực hiện đc ước mơ, khát vọng của các doanh nhân Việt". - ông Hòa nói.
Bà Thạch Lê Anh - Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Chủ nhiệm đề án Thung lũng Silicon Việt Nam cho biết, để Startup có thể phát triển thì vấn đề đầu tư, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng.
Nói đến đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp là nói đến mối quan hệ giữa: Startup: Doanh nghiệp sáng tạo, có khả năng tăng trưởng đột biến; Accelerator: Tổ chức thúc đẩy kết hợp đầu tư vốn gieo mầm; Và Đầu tư mạo hiểm: Nhà đầu tư Thiên thần và Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bà Thạch Lê Anh -Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Chủ nhiệm đề án Thung lũng Silicon Việt Nam.
Thông qua việc thực hiện đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam – Vietnam Silicon Valley (gọi tắt là VSV) trong 05 năm (2013 – 2017), cả 3 cấu phần này đã có những bước phát triển nhất định góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi động tại Việt Nam.
Xét trên khía cạnh phân biệt Startup hay sự giống và khác nhau giữa Startup và SME thì startup tận dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh, theo định nghĩa Startup là một tập hợp của các nguồn lực tạm thời (nhân lực, tiền, thời gian...) để đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới và nhanh chóng xây dựng thành một tổ chức/doanh nghiệp đạt quy mô, đồng thời có khả năng lặp lại hay nhân rộng tại các thị trường khác nhau.
Startup có nhiều ưu điểm như: Mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những người có tri thức cao; Tạo nhiều lựa chọn khác nhau cho giới trẻ sau khi tốt nghiệp đại học; Sử dụng lao động địa phương để phục vụ cho khách hàng toàn cầu do khả năng nhân rộng của mô hình kinh doanh.
Startup sẽ nhận được vốn đầu tư và có cơ hội bứt phá nhanh chóng hơn SME gấp nhiều lần.SME truyền thống thường bắt đầu là một công ty gia đình sở hữu từ 70% đến 100%, không muốn mất cổ phần và quyền kiểm soát, mang tính cục bộ, địa phương và gắn liền với lợi thế về địa lý nên thị trường và khách hàng đã được xác định và hữu hạn.
Các vị khách mời tham dự Diễn đàn.
Về Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam thì Thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup như: Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)... Nguồn vốn đầu tư cho startup của các Quỹ kể trên là tương đối lớn nhưng startup Việt Nam lại không đủ khả năng đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn đầu tư của các quỹ này.
Về Các kênh huy động vốn truyền thống: Chúng ta có thể điểm lại một số kênh truyền thống mà các công ty có thể tận dụng để kêu gọi vốn: như Người thân và gia đình; Ngân hàng; Quỹ đầu tư mạo hiểm; Sàn chứng khoán; Các quỹ của nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ.
Mặc dù có các kênh huy động vốn như trên nhưng Startup thường chỉ có thể gọi được vốn từ Nhà đầu tư thiên thần và Quỹ đầu tư mạo hiểm và Các quỹ đầu tư vốn giai đoạn đầu, ngoại trừ lợi nhuận khi bán cổ phần thì số tiền quản lý quỹ là rất bé và thường không đủ để tạo quy mô xây dựng đội ngũ quản lý quỹ. Đây cũng là 2 nguyên nhân chính làm cho Startup Việt Nam không có cơ hội phát triển.
Để giải quyết những khó khăn kể trên, và để thu hút nguồn vốn đầu tư tạo đà cho việc xây dựng thị trường vốn Đầu tư mạo hiểm, Đề án VSV đã nỗ lực thí điểm mô hình đầu tư vốn gieo mầm kết hợp huấn luyện tập trung được gọi là Tổ chức Thúc đẩy kinh doanh - Accelerator, mô hình đã được minh chứng thành công vang dội ở Mỹ và các quốc gia tiên tiến khác như Singapore, Hàn Quốc...
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ Chính phủ các nước, bà Lê Anh cho biết, trong tất cả các quốc gia có hệ sinh thái Startup đặc biệt phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ... đều có sự tham gia của Chính phủ và không chỉ với vai trò chính sách mà dưới vai trò nhà đầu tư cho Quỹ.
Do dó, việc đầu tư vào con người và các hoạt động của nhóm người đó nhằm khảo sát đánh giá thị trường, thử nghiệm sản phẩm và có thể cả công nghệ mới... Thực chất đây là khoản chi phí mà chưa chắc đã đem lại được doanh thu hay lợi nhuận.
Để thử nghiệm mô hình về Đầu tư mạo hiểm, nhóm chuyên gia VSV đã liên tục, tuyển chọn và đầu tư vốn gieo mầm, đến nay đã đầu tư 50 nhóm, 30 trong số đó đang hoạt động tốt và 16 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo.
Bà Lê Anh cũng đưa ra đề xuất, đầu tiên là nhân rộng mô hình Tổ chức Thúc đẩy kinh doanh như Vietnam Silicon Valley Accelertor (VSVA).
Thứ hai là nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời qua đó thu hút khối tư nhân cùng đầu tư Startup.
Thứ ba, về chính sách Thuế thì giảm 30% đến 50% thuế nếu đầu tư vào giai đoạn gieo mầm cho Statup; Không tính thuế trên lãi thu được của những khoản đầu tư Thiên thần kéo dài trên 3 năm; Khoản lỗ từ đầu tư Thiên thần có thể được bù đắp từ các khoản thuế; Đồng thời, thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm bởi hiệp hội còn là cầu nối giữa những nhà đầu tư tư nhân với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, giúp cho việc lựa chọn đơn vị quản lý danh mục đầu tư được chuẩn xác hơn.
Cuối cùng chính là vinh danh nhà đầu tư Thiên thần.
TS. Nguyễn Trung Dũng – TGĐ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội –BK Holdings cho biết, các starup của chúng ta đang trong giai đoạn “bơi lội hố tử thần” – giai đoạn rất khó khăn. Nếu như khi nói tới khởi nghiệp rất nhiều người nói tới việc khó khăn về vốn thì ông Dũng lại cho rằng vấn đề đầu tư từ đâu.
TS. Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội –BK Holdings
“Chúng ta không thể bắt chước bất kể mô hình nào trên thế giới mà chỉ là sự học hỏi. Bởi hạt giống của chúng ta không giống như bất kể mô hình nào trên thế giới. Ví dụ như ở Israel thì đa số các starup đều là các kỹ sư đã có kinh nghiệm ít nhất là 5 năm đi làm nên khi họ khởi nghiệp sự thành công cao hơn rất nhiều. Trong khi các starup ở Việt Nam lại hầu hết là các sinh viên nên tỷ lệ thất bại là khá cao” – ông Dũng nói.
Do đó, ông Dũng cho rằng cần có tính liên kết trong chu trình từ ươm tạo tới khi khởi nghiệp và đề án 844 đã đi trúng đích. “Việc giáo dục từ cấp lãnh đạo về đổi mới sáng tạo, tới starup và kể cả các nhà đầu tư thiên thần là điều cần thiết” – ông nhấn mạnh – “Khi có đầy đủ hạt giống tốt và những nhà lãnh đạo tốt thì việc gọi vốn kể cả trong nước và ngoài nước sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Ông Trần Trí Dũng – Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program, SwissEP) cho biết, nhìn vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và so sánh với thế giới thì đều giống nhau, ở Việt Nam có hết. Vấn đề là chúng ta liên kết và vận hành với nhau như thế nào cho hiệu quả. Và việc này mất cả một quá trình, trong đó xây dựng niềm tin của các start up với đơn vị hỗ trợ, các nhà đầu tư nước ngoài là quá trình mất thời gian, rất lâu. Đổi mới sáng tạo là kết quả của một khoảnh khắc nhưng để đi đến khoảnh khắc này có khi mất hàng chục năm.
Ông Trần Trí Dũng – Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program, SwissEP).
Có một vấn đề, khi phát triển hệ sinh thái, mọi người đang có tư tuy là làm hết tất cả của một hệ sinh thái. Đây là điều cực kỳ khó, chúng ta cố gắng chỉ tập trung vào việc chúng ta làm được tốt nhất thôi. Đối với các đơn vị chúng ta chia ra từng mảng. Như hoạt động khởi nghiệp chỉ tập trung vào vườm ươm, các bạn sinh viên tập trung vào các khoá học. Đến lúc đầu tư chỉ đầu tư vào các bạn tiềm năng nhất.
"Là đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp tôi cũng mong muốn các cơ quan bộ ngành có những tác động cổ vũ chung cho hệ sinh thái nhưng cũng cần chọn lọc. Chúng ta cần những câu chuyện thành công ở Việt Nam" - ông Dũng nói.
Vậy làm thế nào để làm thế nào có thể chọn lọc được các đơn vị tổ chức hoạt động tốt, ông Dũng đề xuất: Cố gắng xây dựng hệ thống đo lường các chỉ số, đánh giá tác động, đánh giá các start up ra ngoài xã hội đạt đợc kết quả như thế nào sau các chương trình hỗ trợ ,và có tiêu chí chung để so sánh, đối chiếu xem ai đang làm gì, lĩnh vực nào nổi trội…
"Chúng ta đang có hoạt động khởi nghiệp theo phong trào nhưng chúng tôi lại không hề lo sợ. Bởi chúng ta phải có một lượng vừa đủ thì mới có chất được. Không nên coi khởi nghiệp chỉ là cuộc chơi của các bạn trẻ mà còn có nhiều lứa tuổi. Mọi người rất gắn bó, cùng nhau làm việc chứ không cạnh tranh". - ông Dũng nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp –Chủ tịch LP Group cho biết, hiện nay, việc đầu tư vào startup đang “tràn đầy”, đặc biệt khi năm 2017 đã có bước đột phá về chính sách. Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động...đã tạo được nhiều cơ chế. Tôi tin tưởng từ sự biến đổi về lượng sẽ có sự chuyển biến về chất.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp –Chủ tịch LP Group
Cụ thể, Luật hỗ trợ DNNVV có đối tượng hỗ trợ thứ hai là startup, điều này thể hiện chúng ta đã có sự thành công nhất định. Nhưng vướng mắc là câu chuyện khi chúng ta đang nói về hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta đã có mô hình, đã khởi động các mô hình, nhưng còn hiệu ra sao vẫn là câu chuyện cần bàn. Nếu trong trường hợp Bộ KH&CN lên tiếng ủng hộ cho Fintech, những các ngân hàng không đồng lòng, thì sẽ tạo “nút thắt” lại. Trong trường hợp thuế giảm từ 17% xuống 14% cho đối tượng startup, thì 3% là không quá lớn, không phải là câu chuyện có ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp.
Như vậy, khi chúng ta đã có chính sách rồi thì câu chuyện thực thi phải cao lên. Giả sử Bộ KH&ĐT trải thảm cho doanh nghiệp, nhưng tồn tại rào cản về thuế thì con đường đó cũng không thông suốt và hiệu quả không tức thì. Ví dụ câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào starup nhưng khi vào đầu tư qua ngân hàng việt nam đồng hoặc là thành lập doanh nghiệp để có thể bơm vốn cho startup thì cần có sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng.
Do đó, chúng tôi kiến nghị 5 giải pháp về thực thi chính sách:
Thứ nhất, tiếp tục và nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn Luật hỗ trợ DNNVV, để luật đi vào đời sống. Thời gian qua, tiến trình để ban hành thông tư đó, Bộ KH&ĐT đã liên tục vận động các Bộ ban ngành, nếu nó được nâng lên thành thông tư liên tịch thì việc thực thi sẽ nhanh chóng hơn.
Thứ hai, cần thực thi chính sách trong tính thống nhất. Các cơ quan cùng tạo điều kiện chứ không phải một bên trải thảm một bên lại tạo rào cản. Ví dụ công nghệ tài chính Fintech của Bộ Tài chính hỗ trợ thì ngân hàng cần hỗ trợ như thế.
Thứ ba,đầu tư mạo hiểm cần là nguồn cơ, cần tạo cơ hội cho startup phát triển. Bởi quỹ đàu tư mạo hiểm đầu tư và xuống tiền rất nhanh.
Thứ tư, trao và khuyến khích cho các địa phương cơ chế chủ động trong hỗ trợ startup, như Đà Nẵng và Đồng Tháp làm.
Thứ năm, cơ chế vốn và tín dụng cần thông thoáng, để cho tư nhân hoá làm, thì sự phát triển của DNNVV và những quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần sẽ có cơ hội hỗ trợ startup.
Ý kiến của bạn