Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng cam kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU
Ngày 26/8, Sở Công Thương Hà Nội và Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn "Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Hà Nội trong điều kiện Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU".
Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước và DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của thành phố nắm bắt được cơ hội, thách thức khi Việt Nam tham gia FTA Việt Nam - EU; thông tin về cam kết thuế và quy tắc xuất xứ tại Hiệp định; đề xuất giải pháp hỗ trợ DN có định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội cho biết, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định Thương mại như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU...
Trong giai đoạn tới, hàng hóa của EU khi vào Việt Nam sẽ rẻ hơn do không phải chịu thuế nhập khẩu; đồng thời EU có thể dễ dàng thành lập DN 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam ở các lĩnh vực Việt Nam chưa có thế mạnh, như: Logistic, cảng biển, hàng tiêu dùng. Với kinh nghiệm quản lý, chất lượng vượt trội, các DN EU có cơ hội lấn át DN Việt nội.
Theo Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Quản lý kinh tế trung ương) Trần Toàn Thắng, FTA có thể đặt ra những yêu cầu chặt chẽ hơn trong vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Với một số ngành là thế mạnh xuất khẩu của mình, EU sẽ đòi hỏi cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, trước hết là loại bỏ các hình thức trợ giá từ phía Chính phủ Việt Nam.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như da giày, thuỷ sản sẽ bị tác động nhiều nếu Việt Nam Không kiên quyết bảo vệ. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hoá. Muốn xuất khẩu sang EU, các DN Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ... khiến DN nhỏ và vừa của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực hạn chế.
Theo Hà Nội Mới
Ý kiến của bạn