Khám phá thế giới qua 12 món mì tuyệt tác: Từ phở Việt đến saimin Hawaii
Theo đánh giá của chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới CNTraveler, phở Việt Nam là 1 trong 12 món mì ngon nhất hành tinh.
Theo đánh giá của chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới CNTraveler, phở Việt Nam là 1 trong 12 món mì ngon nhất hành tinh.
Phở, Việt Nam
Phở là món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt, giống như món mì pasta đối với người Ý. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương xì xụp ngon lành món phở hàng ngày, hàng giờ...
Phở được làm bằng mì gạo, thịt bò hoặc thịt gà, chan nước lèo ninh từ xương, nêm một loạt các gia vị gồm gừng, hoa hồi, và hạt mùi. Thú vị nhất là phần bày biện của đầu bếp sẽ biến hóa nó thành một tác phẩm ẩm thực đặc trưng, mang đậm dấu ấn riêng biệt. Nước mắm, tương đen, húng quế, rau mùi, bạc hà, hành lá, ớt, giá đỗ, chanh tươi... được ăn kèm món này.
Thực khách có thể thưởng thức phở tại bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam, nhưng tuyệt nhất là ở các quán xá/nhà hàng địa phương có chỗ ngồi ngoài vỉa hè.
Địa chỉ gợi ý: Đến Phở Bình ở TP. HCM, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức cả phở truyền thống lẫn các loại được biến tấu ngon miệng.
Mì dao cắt, Trung Quốc
Cách làm mì dao cắt quả là một nghệ thuật trình diễn thú vị, khi đầu bếp cầm vắt bột phía trên một nồi nước sôi rồi cắt mì trực tiếp bằng một con dao. Sợi mì ngắn, tròn và dai, được dùng khô/chan nước cùng các nguyên liệu khác như thịt lợn, đậu đen...
Địa chỉ gợi ý: tỉnh Sơn Tây hoặc Thủ đô Bắc Kinh.
Mì hoành thánh, Hong Kong
Món ăn có nguồn gốc Quảng Đông này được làm từ mì trứng, chan nước dùng nóng cùng vài viên bánh bao hoành thánh, có thể điểm xuyết một ít rau, bên trên phủ tôm hoặc thịt lợn. Một bát thường khá nhỏ để mì không quá chín và hút nước.
Địa chỉ gợi ý: 2 nhà hàng đạt sao Michelin Ho Hung Kee và Meen & Rice.
Bún trộn của người Shan (Shan noodles), Myanmar
Có nguồn gốc từ tiểu bang Shan ở miền Đông Myanmar, món bún trộn của người Shan ít được biết đến, nhưng hoàn toàn xứng đáng để bạn cất công thưởng thức. Chúng là đặc sản địa phương vì được chế biến từ nhiều loại gạo nếp chỉ có ở đây, ăn kèm với rau và thịt gà/heo, dạng khô hoặc nước.
Địa chỉ gợi ý: chợ Bogyoke ở thành phố Yangon hoặc chợ 999 Shan.
Mì xào mee goreng, Indonesia, Malaysia và Singapore
Một bát mee goreng truyền thống gồm mì trứng xào với tỏi, hành tây, bắp cải, trứng, cà chua, thịt và đựng trong tô lớn. Ngoài ra, còn có một số phiên bản khác chế biến với đậu nành, hẹ tây, ớt, rau cải, tôm, thịt bò hay gà tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
Địa chỉ gợi ý: thưởng thức mee goreng truyền thống ở warung (nhà hàng hoặc quán cà phê chuyên bán đồ ăn địa phương – Indonesia) hoặc mamak (quầy ăn uống) – Malaysia.
Trong khi đó, tại Chopsuey Cafe ở Singapore, bạn sẽ được phục vụ món này với cua tươi/tôm hùm hảo hạng.
Bún cà-ri laksa, Malaysia/Singapore
Một trong những điều hấp dẫn nhất của laksa là màu cam đậm không thể nhầm lẫn. Món bún cà-ri này sử dụng mì gạo, nước cốt dừa, sốt me (asem laska) ngon tuyệt khi ăn cùng với tôm. Chúng có thể được phục vụ trên khắp Malaysia, Indonesia, và Singapore.
Địa chỉ gợi ý: nhà hàng 328 Katong Laksa hoặc chợ Tiong Bahru ở Singapore.
Pad Thái, Thái Lan
Pad Thái đã trở thành một cái tên vang danh khắp thế giới, và sẽ "đúng điệu" hơn bao giờ hết nếu bạn cảm nhận sức hút của nó trên đường phố Thủ đô Bangkok tại đất nước chùa vàng.
Món phở xào chua ngọt này gồm mì gạo chiên, trứng, đậu hũ, bột me, nước mắm, đường thốt nốt, tôm khô, tỏi, hẹ tây, thịt gà, thêm dậy mùi – trọn vị với nướt cốt chanh tươi, đậu phộng giã nhỏ, rau mùi, giá đỗ và ớt bột.
Địa chỉ gợi ý: xe bán rong trên đường Khao San hoặc nhà hàng Thip Samai, Bangkok.
Ramen, Nhật Bản
Ngày nay, mì ramen đã từ xứ sở hoa anh đào lan sang nhiều nhà hàng châu Á. Ramen truyền thống bao gồm lúa mì với nước tương, thêm thịt heo, tiếp theo là cá và dưa chua, rau bina. Ngoài ra, còn có vô số biến thể thơm ngon – bắt mắt khác.
Địa chỉ gợi ý: Nhà hàng Kagari, Ginza, Thủ đô Tokyo.
Bibim guksu, Hàn Quốc
Bibim guksu được làm từ bột mì (gần giống với sợi phở Việt Nam) đun sôi trong nước và sau đó lập tức rửa lại bằng nước lạnh, hòa trộn với hỗn hợp bột ớt đỏ rực, gochujang (một loại gia vị cay Hàn Quốc), hành tây, hành xanh, trái lê, tỏi, hạt tiêu, dấm, muối, nước tương, đường, bột mù tạt, vừng, trang trí với dưa chuột thái lát, dầu vừng, trứng luộc, rau diếp thái mảnh, bắp cải/kim chi củ cải.
Kết quả là, một bát cay, chua, ngọt vừa miệng sẽ đánh thức hoàn toàn mọi giác quan của thực khách.
Địa chỉ gợi ý: khu Myeongdong ở Thủ đô Seoul.
Mì ash reshteh, Iran
Mì ash reshteh đầy đặn và ấm nóng thích hợp dùng trong mùa đông. Món ăn gồm có sợi mì reshteh, nước sữa khask cùng một loạt các loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe như: rau bina, đậu lăng, đậu xanh, bột nghệ, mùi tây...
Người dân quan niệm những sợi mì sẽ mang lại điềm may nên hay ăn nó vào dịp trước Tết.
Mì tallarin saltado, Peru
Tallarin saltado là món mì xào với các thành phần gồm cà chua, hành tây, tỏi, gừng, hành lá, rau mùi và thịt bò. Món ăn này được biết đến nhờ đầu bếp nổi tiếng người Peru Gaston Acurio. Thậm chí, ông còn mở nhà hàng Chifa riêng của mình – Madam Tusan ở Milaflores, Lima.
Saimin, Hawaii
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, saimin lại được phát triển và hoàn thiện ở Hawaii theo dòng người nhập cư Nhật Bản và Trung Quốc trong những năm 1.800.
Loại mì bằng bột mì pha trứng này ăn kèm với canh dashi (bột bằng cá ngừ vằn/tôm) trộn hành lá, cải ngọt non (baby bok choy), chả cá kamaboko, xá xíu, thịt hộp (nhất là SPAM) hay linguiça (xúc xích thịt bò của Bồ Đào Nha), và nori (tảo biển khô), cũng như nhiều thành phần khác. Ngoài ra, saimen còn có thể thêm gyoza (loại bánh Nhật mang tạo hình giống sủi cảo) và mì hoành thánh Trung Quốc vào những ngày lễ đặc biệt.
Saimin được cho là rất phổ biến trong thời kỳ thuộc địa như một món ăn nhanh và từ đó phát triển thành bữa chính ở Hawaii. Thực tế, nó "gây tiếng vang" đến mức cửa hàng McDonalds ở Hawaii đã phải bổ sung saimin vào thực đơn của mình.
Địa chỉ gợi ý: nhà hàng Jane’s Fountain ở Honolulu.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn