Không ít tuyến đường mới đưa vào sử dụng đã nứt toác, hay lồi lõm như bậc thang...

Không ít tuyến đường mới đưa vào sử dụng đã nứt toác, hay lồi lõm như bậc thang... Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại Nghị quyết phiên họp tháng 2/2017, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ KHĐT khẩn trương lựa chọn một số dự án đường bộ, tổ chức thi công thí điểm 1km đường làm cơ sở rà soát, điều chỉnh định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng thể hiện trong dề án hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng.

Yêu cầu trên được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến góp ý về cách thức triển khai cũng như việc tính toán suất đầu tư trong các công trình đường bộ, đường sắt của Việt Nam có nhiều bất thường.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói thẳng, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào đều thấy suất đầu tư các dự án giao thông rất cao. Tiền giải phóng mặt bằng lớn, nền đường làm cao quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng đến thủy lợi, ruộng vườn.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói rõ, dư luận rất nghi ngại về suất đầu tư Việt Nam, thậm chí còn có ý kiến suất đầu tư Việt Nam cao nhất thế giới hoặc rẻ mà hóa đắt, chất lượng kém, đường chưa xong đã hỏng.

Vấn đề này cũng từng được ĐBQH chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội. Trong đó, trung bình suất đầu tư cho 1 km cao tốc của Việt Nam rơi vào 12 triệu USD/km, có đoạn lên tới 20 triệu USD/km. Trong khi ở Trung Quốc, chi phí của họ chỉ 5 triệu USD/km; ở Mỹ và châu Âu chỉ 3 triệu USD/km.

Như vậy, chi phí cho 1 km đường cao tốc của ta cao gấp từ 2 đến 4 lần của các nước khác. Đắt, nhưng có tình trạng tỷ lệ nghịch, là chất lượng đường của ta lại không bằng của họ. Không ít tuyến đường mới đưa vào sử dụng đã nứt toác, hay lồi lõm như bậc thang...

Những chất vấn này khi đó được ông Trương Quang Nghĩa (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT) dẫn lại đề án của Bộ và khẳng định suất đầu đơn vị này trình là 9,5 triệu USD/km, rẻ hơn nhiều nước.

Ngoài ra, ông giải thích thêm, với đặc điểm ở Việt Nam, một số khu vực có mức giá rất khác nhau. Trong đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu.