Lộc trời
Nằm bên bờ sông Bé, hơn 20 năm qua, nghề nuôi hươu, nai lấy lộc nhung của nông dân ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã mang đến cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Trong cái nắng chói chang của mùa Xuân phương Nam, các gia đình ở đây đều vào vụ cắt lộc nhung khi giá đang cao.
Dẫn chúng tôi ra khu chuồng đóng bằng gỗ cao su, nơi nuôi nhốt 20 con hươu, ông Võ Văn Bàn, ngụ ở ấp 3 vui vẻ cho biết: "Nhà tôi bắt đầu nuôi hươu cách đây 8 năm. Tất cả hươu đực đều có sừng và mỗi năm thường rụng một lần nên việc cắt nhung (sừng non) không ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình sinh trưởng của con vật. Hươu hay nai đực 14 tháng tuổi đã cho nhung, một năm có thể cắt nhung hai lần, vào dịp đầu năm và khoảng cuối Thu, nhưng theo những người nuôi hươu, nai ở Hiếu Liêm thì sản lượng chủ yếu là đợt cắt vào những ngày mùa Xuân, còn dịp tháng 7 tháng 8 nhung nhỏ lại ngắn. Thông thường, nếu con hươu nặng khoảng 60 - 70kg thì có thể cho 1,2 - 1,5kg lộc trong một lần cắt".
Ông Bàn cho biết thêm: "Hiện nay, giá của nhung hươu tươi được khách mua tận chuồng 17 - 25 triệu đồng/kg. Sở dĩ có sự chênh lệnh lớn về giá là tùy vào độ già non của lộc. Riêng loại lộc được bảo quản trong ngăn lạnh nhưng chưa sơ chế có giá khoảng 12 triệu đồng/kg.
Còn nhung nai thì giá mềm hơn, khoảng 8 - 10 triệu đồng/kg loại vừa mới cắt, loại ướp lạnh trên dưới 5 triệu đồng/kg. Do thị trường xuất hiện nhung giả, kém chất lượng nên nhiều khách hàng đã tìm tới tận chuồng, sau khi thỏa thuận giá thì mới cắt lộc. Như vậy vừa làm hài lòng người mua mà nông dân cũng vui bởi giá cao, lại giữ được uy tín, đảm bảo thương hiệu gia đình".
Là người nuôi nai lấy nhung lâu năm, anh Mạnh - chủ của 30 con nai ở Hiếu Liêm tâm sự: "Mặc dù chất lượng thấp hơn so với nhung hươu nhưng nhung nai lại có trọng lượng lớn hơn. Mỗi năm, một con nai đực có thể cho khoảng 4 - 5kg lộc. Cá biệt, nếu chăm sóc tốt, nhiều con cho tới 6 - 7kg một năm. Hươu, nai có thể cho nhung đến 20 năm. Thịt nai có giá trị cao hơn thịt hươu, rất được thị trường ưa chuộng. Như chuồng nai nhà tôi, con đực được nuôi để lấy nhung còn con cái sau khi sinh vài lứa có thể bán để làm thịt".
Đúng như nghĩa của từ "lộc", trong quá trình sinh trưởng, những chiếc sừng của hươu hay nai đực cứ nhú dần, đến kích cỡ thích hợp thì người nuôi cắt bán, là nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ nông dân ở đây.
Nhung hươu, nhung nai là sản vật quý hiếm, như một món quà tặng của thiên nhiên, có giá trị cao, ngoài công dụng bồi bổ cơ thể, còn chữa được nhiều loại bệnh, là một trong bốn thứ thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ...
Từng là vùng "đất chết" giữa chiến khu D của miền Đông Nam bộ trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn, nay Hiếu Liêm là vùng đất nông nghiệp trù phú. Mảnh đất nhỏ bé bên bờ sông Bé này được cho là thích hợp để phát triển nghề nuôi hươu, nai vì khí hậu, địa hình, lại sẵn những loại thực vật mà trong hoang dã, hai loài vật này thường ăn. Đến nay, sau khoảng hơn 20 năm được con người nuôi nấng, nhân giống, đàn hươu, nai đã phát triển không ngừng trên vùng đất này.
Không phải những người nuôi hươu, nai đều cắt được lộc mà phải do một tốp thợ lành nghề đảm nhiệm. Ở vùng đất Hiếu Liêm này, người làm được việc đó không nhiều bởi khi bị đè ra lấy lộc, con vật vùng vẫy rất mạnh và chảy nhiều máu.
Ông Lắm - một trong những người thợ chuyên cắt lộc ở Hiếu Liêm cho biết: "Cứ dịp sau Tết Nguyên đán hằng năm, nhiều khách hàng ở dưới Biên Hòa, TP.HCM tìm lên đây để mua nhung nên ngày nào tôi cũng chạy từ sáng tới tối mà chưa hết việc. Do việc cắt nhung cần sự khéo léo, chính xác nên cả vùng Hiếu Liêm này chỉ có tôi và vài người nữa làm được. Ngoài dụng cụ là con dao thật sắc thì kỹ thuật cắt và cách cầm máu vết thương cho con vật là hết sức quan trọng. Cầm máu phải bằng một số loại lá rừng được sơ chế, đắp vào vết thương để đảm bảo sức khỏe và sự tái tạo lộc cho lần cắt tiếp theo. Hiện nay giá lộc đang cao nên cắt mỗi cặp nhung chúng tôi được trả công 120 ngàn đồng".
Về kỹ thuật nuôi hươu, nai, ông Nguyễn Đình Bình - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm chia sẻ: "Nghề nuôi hươu, nai ở địa phương này bắt nguồn từ một vài nông dân ở vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh di cư vào đây. Nhận thấy nơi đây là vùng bán sơn địa, có thảm thực vật phong phú, phù hợp với loài hươu, nai nên họ về quê mua con giống vào nuôi, dần dà lên tới trên 600 con do hàng trăm hộ nuôi. Xuất phát là loài động vật sinh sống trong tự nhiên nên sức đề kháng, khả năng sinh trưởng của hươu, nai rất tốt, khá dễ nuôi, tỷ lệ sống cao. Ngoài việc lấy lộc, bán thịt, hiện nay nhiều gia đình ở đây chủ yếu bán hươu, nai giống cho nông dân ở vùng Trảng Bom, Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Châu Đức, Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi được hai năm tuổi, hươu, nai cái bắt đầu sinh sản, mỗi lần chỉ một con. Hiện nay giá bán con đực 2 tháng tuổi khoảng 3,5 triệu đồng, con cái thì 2 triệu đồng".
Dù chưa thể so sánh về số lượng với "vương quốc" hươu, nai ở Hương Sơn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhưng hầu hết lượng lộc nhung ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nguồn gốc từ vùng Hiếu Liêm này. Dự kiến, số lượng hai con vật hiền lành này tại Hiếu Liêm sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu thị trường và điều kiện nuôi nhốt thuận lợi.
Có thể nói, cùng với nghề làm vườn, nghề nuôi hươu, nai không chỉ mang lại nguồn thu quan trọng cho người dân địa phương mà gần đây, nó đã là một thương hiệu của vùng đất bán sơn địa nằm đầu nguồn thủy điện Trị An này. Đặc biệt, một số hộ nông dân ở Hiếu Liêm bắt đầu xin cấp phép để nuôi, nhân giống loài hươu sao - một loại hươu có chất lượng nhung cực tốt, giá cao.
Ý kiến của bạn