Nhà 67 – Di tích lịch sử đặc biệt
Tại Phủ Chủ tịch, nằm khiêm tốn sau Nhà sàn là ngôi nhà một tầng mái bằng phủ lớp ve xanh nhạt có tên gọi Nhà 67 – ngôi nhà được xây dựng theo chỉ thị của Bộ Chính trị để làm nơi ở và làm việc cho Bác Hồ trong hoàn cảnh Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt.
Ngày 30/6, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “50 năm Di tích Nhà 67 trong Khu di tích Phủ Chủ tịch” với sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhân chứng lịch sử và cán bộ khoa học của Khu di tích.
TS. Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích là người trực tiếp bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm và ngay sau khi Bác mất, ông cũng là một trong những chiến sĩ công an ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Bác. Ông kể, vào năm 1967, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, đánh phá ngày càng ác liệt. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị địch bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, để bảo đảm an toàn cho Bác, Bộ Chính trị đã nhiều lần đề nghị làm một ngôi nhà nhỏ có thể tránh được bom bi, mảnh đạn làm nơi ở cho Bác nhưng Bác không đồng ý.
Nhân một chuyến Bác sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng khi máy bay Mỹ bắn phá bất ngờ.
Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng. Ngôi nhà với tường dày hơn 60 cm, trần nhà dày hơn 1 m đều được làm bằng bê tông cốt thép, bảo đảm chắc chắn, kiên cố nhưng vẫn thoáng mát, tiện lợi cho sinh hoạt.
Tuy nhiên, Bác không nhận ngôi nhà cho riêng mình mà quyết định sử dụng Nhà 67 làm nơi họp Bộ Chính trị và nơi làm việc với các đồng chí trong Trung ương cũng như các cán bộ phụ trách đầu ngành để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại Nhà 67, nhiều tài liệu quan trọng đã ra đời. Đó là cuốn “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được Bác viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (năm 1969); “Điều lệ tóm tắt của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” được Bác góp ý và sửa chữa; “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon” nêu quyết tâm đánh và thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước…
Nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế cũng được Bác tiếp và làm việc trong Nhà 67 như Trung ương Cục miền Nam, Quân khu V, Bộ Điện và Than, Tổng Công đoàn Việt Nam… Bác tiếp và trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Báo Granma - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba, Macta Rohat, nhà báo Pháp Charles Fourniau.
Do sức khỏe của Bác ngày càng yếu, các bác sĩ đề nghị Người không nên di chuyển lên xuống nhà sàn nữa mà ở hẳn trong Nhà 67 để chữa bệnh. Bác đã đồng ý với đề nghị này và từ ngày 18/8/1969, Người ở hẳn tại Nhà 67.
Từ ngày 25/8/1969, diễn biến sức khỏe của Bác xấu đi nhiều nên Bộ Chính trị quyết định Nhà 67 trở thành nơi điều trị bệnh cho Người.
Các đồng chí trong Bộ Chính trị, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành, các chuyên gia nước ngoài cùng nhiều thiết bị y tế hiện đại nhất lúc đó đã được tập trung tại đây để chăm sóc và chữa bệnh cho Bác.
Tuy nằm trên giường bệnh nhưng Người vẫn làm việc. Hằng ngày, Bác vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo tình hình, công việc ở cả hai miền. Người vẫn đọc sách báo, bản tin, gửi điện mừng, tặng thưởng huân chương, huy hiệu cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và chiến đấu.
Trước tình hình lũ lụt ở miền Bắc và Hà Nội, Bác kiên quyết không sơ tán theo đề nghị của Trung ương, Người ở lại Thủ đô, mong muốn được gặp nhân dân trong lễ Quốc khánh, đồng thời nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất.
Nằm trên giường bệnh, lúc tỉnh, Bác vẫn căn dặn Thủ tướng Phạm Văn Đồng cố gắng chuẩn bị tốt để Bác ra dự lễ mừng Quốc khánh với cán bộ và đồng bào mươi phút. Nhưng rồi tuổi cao, sức yếu, Bác đã mất vào lúc 9h47' ngày 2/9/1969.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà 67 tuy được làm riêng cho Bác nhưng Người chỉ trọn vẹn ở đó hơn 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Ông Công cho biết gần 100 tài liệu, hiện vật đang được bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn gợi lại những ngày sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vấn đề Người quan tâm trong những ngày cuối đời như: Hai tấm bản đồ chiến sự, những tập sách báo, tài liệu còn lại trên bàn làm việc Người đang đọc dở, nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người… cho chúng ta cảm nhận sâu sắc những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của nhân dân, về tình yêu sâu nặng, tha thiết của Người đối với nhân dân, đất nước.
Từ Nhà 67, Bác thanh thản đi vào “thế giới người hiền”. Ngôi Nhà sàn đơn sơ từ đó đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ lưu dấu một người con vĩ đại của dân tộc, một chốn thiêng liêng để mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tìm về tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn