Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Qua đó, hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững.
Vẫn còn những cản trở
Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, kịp thời tham mưu cho UBND thành phố giải quyết khó khăn của DN, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại duy trì tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2015. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 7,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.029 tỷ đồng, tăng 9,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt 5.239 triệu USD, tăng 0,1%...
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương, thành phố đã, đang xây dựng 3 khu công nghệ cao, 16 khu công nghiệp (KCN) với diện tích quy hoạch gần 5.250ha. Ngoài ra, thành phố có 110 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích quy hoạch hơn 3.000ha. Tuy nhiên, thu hút đầu tư thứ phát vào các CCN, nhất là CCN làng nghề rất khó khăn bởi suất đầu tư cao, trong khi các hộ sản xuất, kinh doanh, DN khu vực này thường là quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Nguyên nhân của việc suất đầu tư cao xuất phát từ việc DN thứ phát phải tự đầu tư hệ thống điện, sau đó mới bàn giao về Ngành Điện quản lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống nước thải tập trung đang áp dụng nhiều cơ chế tài chính khác nhau khiến DN khó triển khai thực hiện.
Đơn cử, tại KCN thì DN kinh doanh hạ tầng phải chịu trách nhiệm, sau đó tính vào suất đầu tư. Còn tại CCN thì do ngân sách hỗ trợ một phần và chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng chịu trách nhiệm một phần. Hơn nữa, thủ tục đăng ký, lựa chọn chủ đầu tư có liên quan đến sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn, gây cản trở không nhỏ cho công tác thu hút đầu tư vào các KCN, CCN.
Qua nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị của DN, nhất là tại những huyện còn nhiều khó khăn như Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai… Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, mở rộng CCN, tạo điều kiện bố trí mặt bằng sản xuất cho DN tại các cụm làng nghề…
Để hoàn thiện quy hoạch phát triển KCN, CCN TP Hà Nội đến năm 2020, Sở Công Thương đã triển khai rà soát, xác định cụ thể vị trí, hiện trạng sử dụng đất, quy mô diện tích đất trên địa bàn dành cho phát triển công nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng thương mại; đồng thời, tham gia ý kiến rà soát các dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn để đề nghị đưa vào danh mục các dự án “gọi” đầu tư.
Cần chính sách khuyến khích
Năm 2016 được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với DN và công tác quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN phát triển để chủ động hội nhập quốc tế. Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Sở Công Thương đã tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, triển khai ngay từ những tháng đầu năm các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đề xuất của Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn đến năm 2020, toàn thành phố quy hoạch 119 CCN; giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội cần đầu tư đồng bộ hạ tầng, phấn đấu thu hút đầu tư lấp đầy 119 CCN đã được thành lập giai đoạn 2016 - 2020; mở rộng 4 CCN đang xây dựng; thành lập mới 18 CCN. Như vậy, đến năm 2030, ngoài các CCN đang hoạt động, thì TP Hà Nội sẽ có 137 CCN với diện tích hơn 2.000ha.
Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ, miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian đầu cho các DN đầu tư vào CCN; ngân sách thành phố hỗ trợ 100% cho đầu tư xử lý môi trường tại các KCN, CCN. Ngoài ra, đối với một số KCN, CCN được ưu tiên đầu tư trước, có thể vay vốn ODA để thực hiện các dự án ngoài hàng rào; nhà đầu tư ứng vốn làm hạ tầng sẽ được dành một phần nguồn thu công nghiệp để hoàn vốn; các nhà đầu tư nộp tiền thuê đất một lần sẽ được ưu tiên miễn, giảm…
Về chính sách đất đai, thành phố cần điều chỉnh khung giá chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho phù hợp với mặt bằng thực tế. Riêng đối với chính sách thu hút lao động, thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ giải quyết chỗ ở cho lao động tại chỗ và lao động thuê nhà dài hạn, tạo quỹ nhà cho người lao động tại KCN, CCN.
Theo Hà Nội Mới
Ý kiến của bạn