Nước Nga sẽ ra sao thời Putin 4.0?
Chuyên gia Nga lý giải vì sao phương Tây "không thích" Putin, đề cập tới người kế nhiệm của Tổng thống 4.0.
LTS: Nước Nga sẽ có những ưu tiên gì trong nhiệm kỳ thứ tư của Vladimir Putin, vị Tổng thống 4.0 sẽ chọn người kế nhiệm như thế nào và vì sao giới lãnh đạo Phương Tây "không thích" Putin… Nhiều vấn đề về tương lai nước Nga được chuyên gia nghiên cứu chính trị nổi tiếng của Nga Gevorg Mirzayan, TS khoa học chính trị, PGS Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga phân tích qua bài trả lời phỏng vấn độc quyền cho Trí thức trẻ với nhà báo Igor Britov.
Bài phỏng vấn được thực hiện ngay sau khi đương kim Tổng thống Vladimir Putin giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử.
Nhiều lĩnh vực ở Nga, kể cả kinh tế, chưa thật sự tốt. Nhưng các kế hoạch của ông Vladimir Putin rất đồ sộ. Chẳng hạn, ông đã tuyên bố Nga phải đứng vững trong nhóm 5 nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Liệu có thể thực hiện mục tiêu đó bằng cách nào? Theo TS, trong thời gian tới chính sách kinh tế của Nga sẽ có những thay đổi như thế nào?
TS Gevorg Mirzayan: Quan hệ giữa Nga và Phương Tây đang căng thẳng, nước Nga muốn vươn lên, giành thế thắng trong cuộc đọ sức này thì không những phải có những hệ thống vũ khí mới mà trước hết phải nhờ vào khả năng kinh tế của quốc gia. Do đó, cải cách kinh tế là hết sức cần thiết. Nga có hai "liều thuốc" thúc đẩy phát triển kinh tế - đó là tăng đầu tư và tăng thu nhập của người dân để kích cầu.
Căn cứ các bài phát biểu trước bầu cử và bản Thông điệp liên bang của Putin, có thể tin rằng kinh tế sẽ được tự do hóa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chẳng hạn, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh phải bảo đảm điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Một trọng tâm nữa là phát triển công nghệ. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên tiến bộ công nghệ, ai nắm bắt được thành tựu công nghệ hiện đại thì sẽ giành phần thắng.
Trong tiến trình vận động tranh cử có nhiều cam kết được đưa ra liên quan lĩnh vực xã hội: Trong 6 năm tới sẽ giảm mức nghèo khổ xuống còn một nửa, đến năm 2030 tăng tuổi thọ trung bình lên trên 80, kinh phí cho y tế tăng gấp đôi v.v… Theo TS, Nga sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện những cam kết đó?
TS Gevorg Mirzayan: Đó là một trong những vấn đề chủ yếu. Theo tôi hiểu thì ông Putin vẫn chưa đưa ra câu trả lời đối với vấn đề đó. Tôi cho rằng Tổng thống Nga hy vọng có được nguồn kinh phí nhờ tự do hóa nền kinh tế. Cùng với đó, tự do hóa sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đấy khuyến khích người dân đầu tư những khoản tiền tích lũy nhàn rỗi của mình vào hoạt động sản xuất thực. Đối với các phương hướng chính sách xã hội, tôi cho rằng điều cơ bản là thu hút được thế hệ trẻ tham gia đời sống của quốc gia. Giới trẻ chính là khối cử tri có thái độ phản kháng mạnh nhất, nếu ta nhìn tới năm 2024, khi sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo, thì giới trẻ hiện nay sẽ là bộ phận cử tri có vai trò quyết định. Do đó, cần phải tạo mọi điều kiện cho những người trẻ hòa nhập vào mọi tiến trình của đất nước.
Để giải bài toán nguồn kinh phí, liệu ông Putin có thực hiện những biện pháp kinh tế - xã hội không được lòng dân hay không, chẳng hạn, nâng độ tuổi nghỉ hưu? Được biết, hiện ở Nga tuổi nghỉ hưu vào loại thấp nhất thế giới. Nữ 55, nam 60 tuổi là nghỉ.
TS Gevorg Mirzayan: Tôi nghĩ là có thể có những biện pháp như vậy. Nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, lẽ ra đã nên thông qua quyết định đó từ lâu rồi. Biện pháp đó sẽ giúp cải cách nhà nước Nga một cách hiệu quả. Tại các nước phát triển người ta quy định trần nghỉ hưu rất cao: Ở Nhật Bản, không phần biệt nam nữ, nghỉ hưu ở tuổi 70, còn người Đức thì 67 tuổi nghỉ hưu.
Về quốc phòng, những gì mà Tổng thống Putin tuyên bố trong Thông điệp liên bang ngày 1/3 đã đủ để bảo đảm an ninh cho đất nước hay chưa? Tôi muốn nhắc lại là ông Putin đã đề cập tới những loại vũ khí hiện đại mới, thậm chí chưa hề có ở nước nào cả… Hay Nga buộc phải gia tăng chi phí quốc phòng - điều mà phe đối lập đã ra sức chỉ trích Putin trong tiến trình tranh cử vừa qua?
TS Gevorg Mirzayan: Để duy trì thế cân bằng chiến lược với các nước Phương Tây thì thế là đủ rồi. Bởi vì các loại vũ khí tối tân của Nga có khả năng xuyên qua các hệ thống phòng thủ chống tên lửa, do đó thế cân bằng chiến lược không bị đe dọa.
Nhưng có những cuộc xung đột khu vực mà quân đội Nga đang can dự, chẳng hạn, ở Syria. Tại đây cần có vũ khí công nghệ cao quy mô cục bộ. Ngoài ra, bên cạnh Nga là Ukraine, ở đây dường như nội chiến đang gia tăng. Nga phải luôn sẵn sàng với khả năng có những hành động khiêu khích từ phía Ukraine. Ở khu vực Trung Á tình hình cũng không ổn định, nếu có biến thì trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thế (ODKB – về an ninh tập thể gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tadjikistan) Nga sẽ phải đứng ra hóa giải tình hình. Afganistan vẫn đang nóng, có thể có không ít nguy cơ đối với Nga xuất phát từ đây. Để triển khai chính sách đối ngoại có kết quả và bảo đảm an ninh cho mình thì nước Nga cần phải có lực lượng vũ trang mạnh. Song, chi phí quân sự không được chiếm một tỷ lệ như ở Triều Tiên hoặc như Liên Xô trước đây.
Nữ đại diện đầy tai tiếng của giới showbiz, Ksenia Sobchak từ cuối năm ngoái bất ngờ bước lên vũ đài chính trị Nga và có ý đồ nắm lấy vai trò thủ lĩnh phe đối lập. Liệu MC truyền hình này có "thọ lâu" trên sân khấu chính trị hay không? Và một vấn đề rộng hơn: Giai đoạn tới đây lực lượng đối lập Nga sẽ như thế nào?
TS Gevorg Mirzayan: Tôi cho rằng Sobchak sẽ không trụ được lâu trên vũ đài chính trị. Bởi không hề có uy tín, kinh nghiệm và kỹ năng để tập hợp lực lượng đối lập Nga.
Bà Ksenia Sobchak. Ảnh: Reuters
Ở Nga có nhiều người không hài lòng về Putin, nhưng đa số ủng hộ ông. Vấn đề của đối lập Nga là không có thủ lĩnh. Những nguyện vọng, những ý tưởng của bộ phận trong xã hội không hài lòng về chính quyền của Tổng thống Putin không được thể hiện ở một thủ lĩnh ôn hòa, có thể chấp nhận được của phe đối lập. Hiện ở Nga phe đối lập hoặc là "trong hệ thống", tức là tiệm cận với chính quyền, liên kết với chính quyền, hoặc là "ngoài hệ thống" thì rất cực đoan mà bất kỳ một cử tri tỉnh táo nào cũng không muốn bỏ phiếu ủng hộ.
Trong chiến dịch bầu cử vừa qua Phương Tây đã gây áp lực rất mạnh lên nước Nga. Liệu rồi đây sức ép đó có giảm đi?
TS Gevorg Mirzayan: Sẽ giảm đi phần nào, bởi vì cho đến ngày bầu cử thì mục tiêu chính của chiến dịch gây áp lực là để chứng minh cuộc bầu cử thiếu cơ sở pháp lý vững chắc và Putin là nhà lãnh đạo không thể hợp tác. Tới đây sức ép sẽ giảm đi phần nào nhưng không chấm dứt. Suốt 6 năm tới, tức là trong nhiệm kỳ mới của ông Putin, phương Tây sẽ tiếp tục gây sức ép.
Vì sao phương Tây không thích Putin? Nhà lãnh đạo Nga khiến các nhà lãnh đạo phương Tây khó chịu ở điểm nào?
TS Gevorg Mirzayan: Giới tinh hoa, giới lãnh đạo cấp cao phương Tây cảm thấy Putin không phải là "người của mình". Giới tinh hoa phương Tây được giáo dục, đào tạo theo những quy chuẩn khác so với Nga. Tôi có thể gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia phương Tây là những người "vô hình". Còn đặc trưng của nước Nga là nhà lãnh đạo quốc gia phải có những phẩm chất của một lãnh tụ, thủ lĩnh, phải nổi bật và có sức hấp dẫn quần chúng. Phương Tây cảm thấy không hiểu được Putin, thậm chí coi Putin là mẫu nhà lãnh đạo "đã cũ". Nhưng điều đáng nói là ngay ở các nước phương Tây thời gian gần đây cử tri rất ủng hộ những nhà lãnh đạo có sức hấp dẫn quần chúng, thậm chí là những chính khách độc đoán, có khả năng xốc vác công việc và xử lý mọi vấn đề rất quyết đoán. Tại một số nước những chính khách như thế đã lên nắm quyền và uy tín của họ ngày càng tăng lên. Điều đó khiến cho giới tinh hoa hiện nay ở các nước phương Tây lo sợ, họ cho rằng những chính khách đó học tập được nhiều điều ở Vladimir Putin và trở thành những đối thủ rất mạnh đối với họ. Ngoài ra, ông Putin không hòa nhập vào khuôn khổ sự đồng thuận theo kiểu phương Tây – kiểu thuận, ngả theo một cách chung chung. Ông Putin luôn có chính kiến riêng, mạnh mẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền đất nước trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây là những người chủ xướng toàn cầu hóa. Khi phương Tây hiểu rằng Putin không có ý định làm những gì mà Mỹ và Liên minh Châu Âu đòi hỏi thì họ không hài lòng, tức giận.
Phương Tây cũng tìm cách gây sức ép với Nga thông qua thể thao, điều này đã bộc lộ rất rõ qua Đại hội Olympic mùa Đông PyeongChang. Vừa qua, ở Luân Đôn đã có những lời hô hào chuyển World Cup 2018 từ Nga sang nơi khác và có thể tổ chức trong năm 2019. Theo ông, World Cup có diễn ra ở Nga như kế hoạch hay không, liệu các đối thủ của nước Nga có làm mọi việc để thay đổi sự kiện thể thao quan trọng đó?
TS Gevorg Mirzayan: Tôi tin World Cup 2018 vẫn tổ chức ở Nga.
Chính sách đối ngoại của Nga ở hướng Đông sắp tới có thay đổi gì không?
TS Gevorg Mirzayan: Nga sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Nhưng tôi rất mong là song song với Trung Quốc thì Moskva cũng sẽ phát triển quan hệ với những nước khác ở Đông Á. Trước hết là Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Nhưng những nước này có những vấn đề nhất định trong quan hệ với Trung Quốc nên Nga cũng khó thực hiện một chính sách đối ngoại cân bằng ở hướng Đông. Mặc dù vậy, Nga cần phải triển khai chính sách đối ngoại tích cực hơn nữa ở Đông Á nói chung chứ không chỉ tập trung vào Trung Quốc. Đành rằng ở đây nhiều vấn đề không lệ thuộc vào Nga. Nhiều nước trong khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản. Nga sẵn sàng ký kết Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, giải quyết các vấn đề lãnh thổ theo những điều kiện thực tế nhưng việc Nhật Bản lệ thuộc vào Mỹ vẫn cản trở tiến trình này.
Theo Hiến pháp Nga hiện hành, ông Putin không thể ra tranh cử một lần nữa. Liệu ông có sửa đổi hiến pháp để có thêm một nhiệm kỳ Tổng thống hay không?
TS Gevorg Mirzayan: Chắc chắn không. Putin đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Ông có thái độ rất cẩn trọng đối với đạo luật cơ bản của Nhà nước, không có ý định sửa đổi cho phù hợp ý muốn của mình.
Tiến sĩ đã thấy Putin lựa chọn người kế nhiệm mình hay chưa?
TS Gevorg Mirzayan: Cũng đã thấp thoáng một số nhân vật, nhưng hiện tại cũng chỉ thoáng thoáng, tương đối thôi. Tôi muốn nói đến các Thống đốc trẻ. Những năm gần đây Putin tích cực trẻ hóa nhân sự nhà nước. Tôi cho rằng bản thân ông chưa xác định ai sẽ là người kế nhiệm mình. Còn nhiều thời gian để xem những người trẻ được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng thể hiện mình như thế nào, đạt được những thành tích gì. Phía trước còn 6 năm, còn thời gian để đánh giá, thử thách, lựa chọn.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn