Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ: Thời gian qua, vấn đề lớn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp là tình trạng giải cứu nông sản. Trước đây có giải cứu dưa hấu, đường, hành tỏi và mới đây là xu hào, củ cải…
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Nga -Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ: Thời gian qua, vấn đề lớn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp là tình trạng giải cứu nông sản. Trước đây có giải cứu dưa hấu, đường, hành tỏi và mới đây là xu hào, củ cải…
Các Bộ hiến kế
“Thực trạng giải cứu này đã diễn ra nhiều năm. Đề nghị ba Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, NN&PTTN cho biết đâu là giải pháp dước góc độ khoa học công nghệ để khắc phục tình trạng giải cứu nông sản”, bà Nga nói.
Trả lời về chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, trước đây chỉ có một chương trình quốc gia có nêu nhiệm vụ nghiên cứu giải cứu nông sản. Nhận thức chế biến nông sản là khâu quan trọng, thời gian qua, không chỉ trong chương trình quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng một số DN, hỗ trợ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ được nêu rõ trong Nghị định thư với các nước để chuyển giao công nghệ chế biến…
Các giải pháp đặt ra khá đồng bộ. “Khâu chế biến được đặt ra như thế nào? Chúng tôi xác định mấu chốt là thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ”,Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói. Xung quanh vấn đề giải cứu nông sản, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện nay sức sản xuất của tất cả ngành hàng nông sản rất lớn. Hai khâu yếu hơn cả được xác định là chế biến và tổ chức thị trường. Hiện, Bộ NN&PTNT đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đi sâu vào hai mảng đang yếu nêu trên. Lấy ví dụ điển hình trong trường hợp ngành rau quả, Bộ trưởng Cường cho chia sẻ, trong năm nay, có 8 nhà máy chế biến rau quả được khởi công, khánh thành.
Ngày 4/4 tới, nhà máy chế biến đầu tiên được khành thành tại Long An với quy mô 20-25 sản phẩm. Tiếp đến là các nhà máy chế biến tại Tây Ninh, Đồng Tháp, Gia Lai… “Từng nhóm ngành hàng phải xác định rõ đầu là điểm yếu nhất để tập trung giải quyết. Với nền sản xuất 8,6 triệu hộ như hiện nay, một năm không thể làm hết các ngành hàng. Tuy nhiên, lộ trình là phải đi đúng hướng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Góp thêm quan điểm vào câu chuyện giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tổ chức tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập. Ngành nông nghiệp cần tổ chức tái cơ cấu lại trên cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu chứ không thể đơn lẻ. Nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất lớn, cơ hội tiếp cận thị trường lớn khi Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Giải cứu” đã thành lệ?
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hàng nông sản Việt có thể tiếp cận được thị trường vì các vấn đề như rào cản kỹ thuật dựng lên. Khi đó, công nghệ đóng vai trò then chốt trong giải quyết vướng mắc. Sự phối hợp giữa ba Bộ: Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT và Công Thương phải bắt đầu trong cả xây dựng mô hình chuỗi, đi từ mô hình tổ chức sản xuất đến thị trường, mở cửa thị trường, làm sao để hàng hóa đáp ứng được yêu cầu, vượt qua hàng rào kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm…
"Trong câu chuyện này, DN đóng vai trò then chốt. Ba bộ phải đưa ra khung chính sách làm sao để DN sử dụng được công nghệ và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giúp người nông dân tham gia được vào các chuỗi giá trị”,Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong chuyến thăm Australia và New Zealand mới đây, Bộ trưởng đã chứng kiến nhiều mô hình sản xuất, đang bàn để phối hợp ba bộ xây dựng chuỗi sản xuất theo mô hình sản xuất hữu cơ, sạch, có sự tham gia đầu mối của DN.
Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm, vấn đề giải cứu nông sản đã thành lệ gây khó khăn cho bà con nông dân nhiều năm qua. “Tôi từng hỏi nhiều hộ nông dân của các xã, huyện xung quanh Hà Nội và nhận được câu trả lời, chưa bao giờ có bất kỳ cán bộ xã, huyện, tỉnh nào đến nói với nông dân trồng cái gì và không nên trồng cái gì. Tôi mong muốn Chính phủ có quyết tâm giúp bà con nông dân giải quyết vấn đề này”, ông Cương nói.
Ý kiến của bạn