Sinh viên sẽ kiến tạo chương trình cử nhân ĐH Fulbright Việt Nam
TĐO - Theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường ĐH Fulbright VN (FUV), chương trình cử nhân của trường này (dự kiến nhận hồ sơ vào tháng 4/2018) sẽ có cách tuyển sinh, giảng dạy hết sức khác biệt đối với các trường tại VN.
Không tuyển sinh bằng điểm thi quốc gia
Ngay sau khi công bố vốn tài trợ 15,5 triệu USD từ Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Mỹ và Vụ Văn hóa giáo dục (Bộ Ngoại giao Mỹ), Trường ĐH Fulbright cũng bắt đầu tuyển sinh chương trình thạc sĩ. Liên quan đến chương trình đào tạo cử nhân, bà Đàm Bích Thủy cho biết, song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, Trường ĐH Fulbright đang có hàng loạt công việc được tiến hành để chuẩn bị cho chương trình cử nhân trong năm sau.
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường ĐH Fulbright VN (FUV)
Chẳng hạn chương trình tiếng Anh, tuyển giáo viên để sẵn sàng giảng dạy trong năm sau, chuẩn bị phương pháp tuyển sinh, giáo trình… Hiện tại, trường đã đăng tuyển giáo viên trên khắp thế giới được khoảng nửa năm. Có rất nhiều hồ sơ của giảng viên khắp nơi gửi về, trong đó có cả những người đang là giảng viên của một số trường nổi tiếng như Stanford, MIT… Bên cạnh đó, cách tuyển sinh như thế nào đang được trường bàn thảo khá kỹ.
Bà Đinh Vũ Trang Ngân, Giám đốc chương trình cử nhân của FUV, cho biết trường sẽ không tuyển sinh theo điểm thi THPT quốc gia. Lý do là đội ngũ lãnh đạo của trường cho rằng điểm số của một kỳ thi không nói lên được nhiều khả năng của một con người. Thay vào đó, một số yếu tố sẽ được xem xét.
Ứng viên có thể gửi hồ sơ thông tin cơ bản, có kèm cả những thành tích tự hào, hoạt động ngoại khóa… Bên cạnh đó là bài luận theo hình thức biểu đạt cá nhân, hoặc trả lời các câu hỏi của trường, gửi một tác phẩm là năng khiếu của mình. Cũng có thể sẽ có phỏng vấn hoặc hình thức tương tác nào đó đối với ứng viên. Tuy nhiên, việc phỏng vấn này cũng đang được cân nhắc không giống cách phỏng vấn 1 – 1 thông thường mà là phỏng vấn theo nhóm.
Điểm học ở các lớp THPT cũng được cân nhắc nhưng chỉ là thông tin mang tính tham khảo. Đặc biệt hơn, theo bà Ngân, trường có thể cử người đến tận nơi tìm hiểu thí sinh. Quan điểm tuyển sinh của FUV chính là tìm mọi cách tìm hiểu con người chứ không phải con số. Vì vậy, trường sẽ tìm mọi cách có được những sinh viên đam mê, khao khát, có tinh thần cộng đồng.
Theo bà Đàm Bích Thủy, việc tuyển sinh của FUV sẽ chủ yếu dành cho hai đối tượng, giống như các trường ĐH phi lợi nhuận trên thế giới. Một là dành cho những học sinh mà bố mẹ có khả năng chi trả mức học phí cao.
Hai là dành cho những học sinh không có điều kiện nhưng có tài năng. Vì vậy, việc tuyển sinh sẽ không quan tâm đến điều kiện kinh tế. Những người được giao nhiệm vụ tuyển sinh cũng sẽ được cảnh báo không hỏi về điều kiện kinh tế trong những buổi tiếp xúc ban đầu để tránh việc ưu tiên cho học sinh có điều kiện vào học.
Bà Thủy cũng cho biết trường đang tiếp tục huy động thêm nhiều nguồn tài trợ từ bên ngoài, sau đó sẽ cân nhắc về học phí và học bổng cho sinh viên. Tài trợ bên ngoài càng nhiều thì học bổng sẽ càng được trao nhiều và có thêm học sinh khó khăn có cơ hội đến học.
Đại sứ Mỹ tại VN - Ted Osius - trao các khoản tài trợ cho bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường ĐH FUlbright VN
Sinh viên đồng kiến tạo cùng giảng viên
Theo chia sẻ của bà Đàm Bích Thủy, nơi này đang kỳ vọng chương trình học cử nhân sẽ có nhiều điểm đột phá và khác biệt. Không chỉ khác với các trường ĐH ở VN mà cũng khác với nhiều trường ở nước ngoài. Một điểm mới là cách dạy trên cơ sở đa ngành. Giáo viên sẽ không chuyên dạy một môn học mà một vấn đề sẽ được tiếp cận từ góc độ nhiều ngành khác nhau. Chẳng hạn, để giảng dạy làm sao cho một con thuyền chạy, giáo viên sẽ dạy về toán học, vật lý, nguyên tắc khí động lực, khí tượng học…
Sinh viên cũng không còn học theo kiểu hôm nay học môn này, hôm sau qua lớp khác học môn khác. Không học theo kiểu phân chia ngành học rõ ràng nữa mà là liên ngành. “Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dạy như vậy. Có những giảng viên chuyên dạy từng môn cụ thể thì rất tốt, nhưng dạy theo phương pháp mới, nhất là ở thời điểm công nghệ phát triển, thì không thể dạy như cũ được nữa. Vì vậy, một môn học có thể lên đến 3 – 4 giảng viên cùng dạy. Vì vậy, việc tuyển giáo viên, xây dựng chương trình, tuyển sinh đầu vào sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng vô cùng thú vị.
Trường cố gắng thiết kế chương trình tiếp cận càng gần càng tốt đối với những gì đang xảy ra trên thế giới” – bà Thủy nói. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất trong chương trình học của trường này sẽ là việc sinh viên trở thành người “đồng kiến tạo”. Cụ thể là chương trình, phương pháp giảng dạy của trường sẽ không cố định. Trường không tuyển giáo viên dạy theo kiểu giảng đi giảng lại như thông thường. Thay vào đó, mỗi một bài học, sinh viên có thể góp ý cho giảng viên thêm những vấn đề mà mình cảm thấy cần thiết..
Nếu đúng, bữa học sau giảng viên phải chỉnh lại phương pháp dạy. Từ cách góp ý này, giảng viên có thể biết trong bài giảng hôm qua có gì chưa làm học sinh hứng thú. Hoặc khi hết môn học, qua nhận xét của sinh viên, giảng viên sẽ điều chỉnh ngay nội dung chương trình. Thậm chí, nếu sinh viên cho rằng nội dung chương trình có nhiều phần chỉ cần học qua mạng, giảng viên cũng có thể thay đổi, dùng phương tiện kỹ thuật khác để thay thế. Điều này dẫn đến sự tương tác hai chiều và thông tin truyền cho sinh viên sẽ không bất biến.
Bà Đinh Vũ Trang Ngân cũng chia sẻ: “Tinh thần chương trình cử nhân của trường sẽ là mô hình mà kể cả ở Mỹ cũng rất mới. Dù xây dựng dựa trên nền tảng giáo dục khai phóng nhưng vì xây dựng tại VN nên còn phải có đặc điểm phù hợp môi trường hoạt động và tính cách ở VN. Việc cấp bằng, ra làm công ty nào không phải là mục tiêu duy nhất và quan trọng nhất. Thay vào đó là việc trải nghiệm, lớn lên và trưởng thành, tương tác cộng đồng của sinh viên trong quá trình học.
Vì không phải xây dựng sản phẩm cuối cùng nên việc trải nghiệm rất quan trọng. FUV muốn thay đổi vị thế của sinh viên từ bị động sang chủ động. Họ sẽ có khả năng và quyền lực để cùng kiến tạo chương trình. Ngoài ra, người cùng kiến tạo sẽ là doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nơi tiếp nhận sinh viên. Họ sẽ có ý kiến về cách đào tạo làm sao cho phù hợp với công việc và trường sẽ lắng nghe, thay đổi. Nền tảng học thuật vẫn là căn bản nhưng trên đó là ứng dụng những trải nghiệm đó vào cuộc sống hiện tại. Mà cuộc sống luôn thay đổi nên với các bạn trẻ có nhân sinh quan, quan điểm khác với thế hệ trước, cách tốt nhất là cùng nhau để xây dựng trải nghiệm này”.
Cũng theo đó, sẽ có ba mảng chính được đào tạo trong chương trình cử nhân của FUV: khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật ứng dụng.
Ý kiến của bạn