TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022
(Chinhphu.vn) - Chiều 3/1, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ để thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và cả năm 2022.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 diễn ra cùng ngàyn dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
18:05 ngày 03/01/2023
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương tại buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trước hết, nhân dịp năm mới 2023 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Quý Mão, Bộ trưởng Trần Văn Sơn trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự họp báo lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí cùng gia đình Năm Mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Hôm nay, trong không khí phấn khởi cả nước vừa thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022. Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Hội nghị vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, cả nước đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Báo cáo và thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất: Trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn, phức tạp hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực. Nhờ đó, KTXH nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.
- Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.
Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%), Hưng Yên (13,4%), Cần Thơ (12,6%), Thanh Hóa (12,5%), Hải Phòng (12,3%), Lâm Đồng (12,1%), Vĩnh Long (11,3%), Quảng Nam (11,2%), Hà Nam (10,8%), Quảng Ninh (10,3%) và Điện Biên (10,2%). Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.
- Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.
- Các cân đối lớn được bảo đảm (Thu NSNN vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch XNK đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm, đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
- Công nghiệp phục hồi tích cực, sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nông nghiệp tăng trưởng 3,36%, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
- Thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021; du lịch phục hồi mạnh, năm 2022 có hơn 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
- Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.
- Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được thúc đẩy tiến độ. Hoàn thành 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông và một số dự án quan trọng khác.
- Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được tập trung; Chính phủ họp 09 phiên chuyên đề, cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng, dự án luật, ban hành 125 nghị định; tinh giản bộ máy bên trong, giảm khâu trung gian, giảm 17 tổng cục, 153 vụ, cục, 22 đơn vị sự nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trọng tâm là triển khai Đề án 06.
- Các lĩnh vực văn hóa được quan tâm hơn; tích cực triển khai kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Tổ chức thành công SEAGAMES 31. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh, an dân. Đến nay đã hỗ trợ trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng.
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tiềm lực quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại cần tập trung ứng phó, khắc phục, xử lý một cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023 và giai đoạn tới, trong đó nổi lên là: (1) Sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn. (2) Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch còn chậm. (3) Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. (4) Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực gặp khó khăn. (5) Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm. (6) Phản ứng chính sách của một số bộ, ngành để khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ còn chậm. (7) Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, năm 2022, mặc dù khó khăn, thách thức lớn hơn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn và toàn diện hơn năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH, qua đó đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ cả nước về những nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2022.
Cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số vấn đề mang tính định hướng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023, trong đó nêu rõ yêu cầu: (1) Cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. (2) Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. (3) Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn. (4) Quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. (5) Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. (6) Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị...
Về mục tiêu cho năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương: "Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022".
Trân trọng lĩnh hội, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng để cụ thể hóa trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KTXH năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Thực hiện kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả" với tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được; tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ để cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành và cơ quan; đồng thời nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình; bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả. Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu vươn lên; không hoang mang, dao động, bi quan nhưng cũng không chủ quan, lơ là mất cảnh giác; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng.
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:
(1) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...
(2) Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
(3) Nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 CTMTQG, giải ngân vốn đầu tư công; xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách.
(4) Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
(5) Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.
(6) Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN và phát triển kinh tế tư nhân; có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.
(7) Phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm.
(8) Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm nhân dân đón Tết Quý Mão an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, mọi người đều có tết và không ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung tháo gỡ khó khăn ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, cải cách tiền lương...
(9) Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ.
18:28 ngày 03/01/2023
PV Duy Cường (báo điện tử VTV News): Mới đây đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng, xin cho biết quan điểm về vấn đề này? Xin cho biết ý kiến về đề nghị tăng giá điện của EVN?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến câu hỏi của báo chí về đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đối với giá xăng dầu, theo Nghị định số 95/2021/NQ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, hiện nay giá xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày, vào ngày 1, 11 và 21 hằng tháng.
Theo ý kiến của người tiêu dùng, doanh nghiệp, các chuyên gia và lãnh đạo các cấp, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, trong đó có tính đến phương án điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ ngắn hơn (dưới 10 ngày) và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.
Liên quan kiến nghị của EVN, tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm, theo đó hàng quý EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân.
Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi, làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát với giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường vào giá bán lẻ điện bình quân.
Tuy nhiên, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu. Chi phí sản xuất kinh doanh điện có sự phụ thuộc cao vào các mùa trong năm là mùa mưa và mùa khô.
Vào giai đoạn mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy thủy điện (có chi phí phát điện thấp) được huy động điều độ phát nhiều, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện thấp hơn so với trong mùa khô khi phải huy động nhiều hơn các nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do nhà máy thủy điện không có đủ lượng nước để phát nhiều, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu của người dân.
Chính vì vậy, trong Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg đã quy định rất rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí nêu trên. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, lần điều chỉnh giá điện gần nhất vào ngày 20/3/2019. Như vậy, đến tháng 3/2023 sẽ là 4 năm giá điện chưa được điều chỉnh.
Ngoài ra, do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, nên việc điều hành giá điện cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ tác động. Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định rõ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.
Trong giai đoạn vừa qua, thế giới chứng kiến sự biến động khó lường của giá năng lượng, giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, một số quốc gia đã phải cắt giảm điện luân phiên. Bên cạnh đó, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng USD và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh nói chung trên toàn cầu, đã tác động mạnh làm giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, tại một số quốc gia, giá điện đã tăng gấp nhiều lần.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, số liệu thống kê cho thấy giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện bình quân 10 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 150% so với bình quân năm 2021, giá than trộn trong nước cho đến hết quý III năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng so với đầu năm khoảng hơn 50%.
Những điều này đã làm cho chi phí sản xuất và mua điện tăng cao so với dự kiến đầu năm.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường trong thời điểm hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động ở mức thấp nhất đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân khi điều chỉnh.
18:30 ngày 03/01/2023
PV Thu Hằng (báo điện tử Vietnamnet): Vừa qua Ban Bí thư có ban hành Chỉ thị về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, trong đó có có yêu cầu nghiêm cấm tặng quà Tết lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Vừa rồi, Thủ tướng cũng có Chỉ thị liên quan đến vấn đề này. Vậy xin hỏi Người phát ngôn của Chính phủ, để các Chỉ thị đi vào cuộc sống thì cần có giải pháp gì để đảm bảo cho việc tặng quà Tết mang ý nghĩa truyền thống tốt đẹp, chống những biến tướng tiêu cực?
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư có yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu" liên quan đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Xin hỏi Bộ Công an, đến thời điểm này, diễn biến 2 vụ án này như thế nào?
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Vụ Việt Á, cơ quan điều tra sẽ cố gắng phấn đấu để kết thúc điều tra trong quý I/2023.
Về con số, với Việt Á, hiện nay đã khởi tố 29 vụ với 102 bị can và vụ giải cứu là 39 bị can. Số tiền đã kê biên, phong tỏa, các bị can nộp để khắc phục hậu quả thì vụ Việt Á hiện nay là 1.670 tỷ đồng và vụ giải cứu là 80 tỷ đồng. Nhiều khả năng là sẽ còn bị can, số bị can sẽ tăng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Phải tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được giá trị của Tết truyền thống cũng như giá trị văn hóa của việc tặng quà Tết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Chỉ thị của Thủ tướng đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Chỉ thị của Ban Bí thư. Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, không tổ chức đi thăm chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định; không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công.
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường quán triệt, chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc; tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tăng cường tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Một giải pháp nữa trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ là giao cho các bộ ngành, địa phương chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trong việc đón Tết. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ, đây là nhiệm vụ trọng tâm, đặt lên hàng đầu trong công tác chuẩn bị đón Tết tại các bộ ngành, địa phương để mọi người, mọi nhà đều có Tết và không để gia đình, người dân nào không có Tết.
Ngoài ra, xét về khía cạnh văn hóa truyền thống, chúng ta thấy rằng Tết luôn có một giá trị rất thiêng liêng trong tâm thức của người dân Việt Nam và tặng quà hay biếu quà nhân dịp Tết là một truyền thống, một nét văn hóa rất tốt đẹp, qua đó thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc bề trên, cho những người cao tuổi và những người đã giúp đỡ trong cuộc sống hằng ngày. Nó thể hiện tình cảm, không đặt nặng yếu tố vật chất.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng giải pháp quan trọng là phải tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được giá trị của Tết truyền thống cũng như giá trị văn hóa của việc tặng quà Tết, qua đó người dân hiểu, nhận thức đầy đủ và thực hành cho đúng truyền thống văn hóa, truyền thống Tết, chúc Tết cũng như tặng quà Tết.
Tới đây, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả mọi người dân đều hiểu đúng và đầy đủ, thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc.
18:46 ngày 03/01/2023
Xử lý "virus Việt Á" trong lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông
PV Hoàng Thùy (báo điện tử Vnexpress): Gần đây, Công an cả nước đã liên tiếp điều tra các sai phạm trong đăng kiểm, nhất là các tỉnh ở phía nam và hàng chục người đã bị khởi tố do liên quan đến đường dây nhận tiền lót tay để bỏ qua những sai phạm, lỗi của ô tô. Xin Trung tướng Tô Ân Xô thông tin chi tiết kết quả điều tra các Trung tâm đăng kiểm này, phương thức, thủ đoạn phạm tội trong lĩnh vực này như thế nào? Bộ Công an sắp tới dự kiến mở rộng điều tra sai phạm trong đăng kiểm ra sao?
Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trung tướng Tô Ân Xô: Mấy tuần vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.
Riêng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh khám xét 12 Trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can cho các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Các Trung tâm kiểm định này bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế, các phụ tùng không đảm bảo quy chuẩn. Chẳng hạn, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận khác, chỉ nộp tiền xong là đảm bảo tiêu chuẩn. Rồi sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi các thông số kiểm định và tính chất vi phạm. Ví dụ, trong máy tính có 2 đầu đọc thì chỉ cắm 1 đầu, còn bỏ 1 đầu, như vậy xe vẫn đạt tiêu chuẩn.
Sơ bộ ước tính có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật như thế này và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, và thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới. Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai; thậm chí có giám đốc 1 Trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.
Những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân.
Chúng tôi coi những hành vi trên là những "virus Việt Á" trong lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông và Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn virus này trên phạm vi toàn quốc. Số bị can chắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
18:51 ngày 03/01/2023
PV Phùng Đô (Báo Giao thông): Năm 2022 Việt Nam tăng trưởng GDP trên 8%, con số này giúp chúng ta trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu ASEAN. Xin hỏi để có được những kết quả đạt được như vậy, trong năm vừa qua, chúng ta đã có những giải pháp gì?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khái quát một số nhóm nguyên nhân và giải pháp để đạt được kết quả tăng trưởng 8,02% trong năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Đây là câu hỏi vô cùng lớn, để có thể trả lời một cách cặn kẽ chắc cũng ngang với một báo cáo mang tính tổng kết. Vì vậy, tôi chỉ khái quát một số nhóm nguyên nhân và giải pháp để chúng ta đạt được kết quả tăng trưởng 8,02%.
Vừa qua, phục vụ cho phiên họp Chính phủ, Bộ KH&ĐT có xây dựng một báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2022 để phục vụ xây dựng Nghị quyết 01 mới của năm 2023 của Chính phủ. Trong Nghị quyết 01 năm 2022 có 12 nhóm nhiệm vụ lớn và chẻ nhỏ ra hơn 200 nhiệm vụ nhỏ, giải pháp nhỏ, cho thấy khối lượng công việc khổng lồ của các bộ, ngành, địa phương triển khai trong năm 2022 để đóng góp vào kết quả chung của cả nước.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng công tác điều hành của Chính phủ cũng rất thường xuyên liên tục và có những nghị quyết thường kỳ cũng như các nghị quyết mang tính chuyên đề, đặc biệt đối với các lĩnh vực của Bộ KH&ĐT như nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn, hay nghị quyết về giải ngân vốn đầu tư công… và hàng loạt giải pháp mang tính chuyên ngành của các bộ chủ quản cũng như của các địa phương.
Khái quát lại, thứ nhất là xuất phát từ cái đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong các lĩnh vực từ phòng chống dịch cho đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh… Từ những chủ trương đúng đắn như vậy, hệ thống cơ quan của Chính phủ cũng như cơ quan của Quốc hội đã có những quyết sách, chính sách kịp thời, hiệu quả, tác động đến các mặt của nền kinh tế để đạt được kết quả tích cực hơn. Trên cơ sở các cái quyết sách như vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm vừa qua hết sức quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả, như đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nêu về các cuộc họp của Chính phủ, các cuộc họp thường niên, thường kỳ, các cuộc họp chuyên đề, các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ...
Bên cạnh đó, một nhóm giải pháp không thể bỏ qua là công tác tổ chức, triển khai thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương. Trong năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp hết sức mạnh mẽ và đạt được kết quả rất tích cực. Nổi bật lên về công tác điều hành sản xuất kinh doanh, giá cả, chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như giải ngân vốn đầu cư công… Tất cả những mảng lớn như vậy đều có những chính sách hết sức linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ.
Cuối cùng, một nhóm giải pháp không thể không nói đến sự đồng lòng, đoàn kết, nhất trí và sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp này, có cả sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực về hỗ trợ nguồn lực và hỗ trợ tư vấn chính sách, tham mưu giúp cho Việt Nam có những quyết sách rất chính xác.
18:57 ngày 03/01/2023
PV Hiếu Công (Zing News): Hiện nay nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội rất chật vật, ngay cả ở khâu thủ tục. Xin hỏi Bộ Xây dựng có giải pháp gì để tháo gỡ cùng các địa phương tránh việc chậm trễ trong cấp giấy phép đầu tư xây dựng và trong năm tới, Bộ Xây dựng có kế hoạch xây dựng bao nhiêu căn nhà ở xã hội?
Với các doanh nghiệp bất động sản nói chung thì Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp gì để tháo gỡ về tín dụng trong năm 2023?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về "gỡ" thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Về vấn đề hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không ít doanh nghiệp có "đốc" nhưng cũng không được cấp phép xây dựng và phải chờ đợi rất lâu, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội. Qua đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Thứ nhất, sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định 100 về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định 49 cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện. Tại Nghị định 49 năm 2021, Chính phủ cũng đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Theo đó, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước.
Một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề các thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.
Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Chúng ta đã biết, hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn: Liên quan đến nhà ở xã hội, có Nghị định 100, Nghị định 49 tháo gỡ cho các địa phương cũng như các chủ đầu tư nhà ở xã hội, cho cả người mua, cho cả các tổ chức tín dụng.
Vừa qua, Chính phủ có chương trình một triệu căn nhà ở xã hội, đưa ra một số giải, có giải pháp then chốt, quyết định để chúng ta xây dựng đúng tiến độ một triệu căn nhà ở xã hội.
Xây dựng nhà ở xã hội thì quỹ đất rất quan trọng, trước đây cũng thế, bây giờ cũng thế và sau này cũng thế. Nhưng có quỹ đất rồi lại phải gắn với hạ tầng xã hội: Trường học, nhà trẻ… Vừa xong đã sửa các Nghị định, quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp thì quy hoạch phải đồng bộ, có hạ tầng. Kèm theo đó là các giải pháp như vấn đề đền bù, vấn đề lãi suất cho cả nhà đầu tư, cho cả người mua.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: NHNN vẫn xác định khuyến khích cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ - Ảnh: VGP/Nhạt Bắc
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Có 2 nguồn lực cho nhà ở xã hội. Nguồn đầu tiên từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng.
Nguồn thứ hai được xác định theo chương trình phục hồi kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với con số 15 nghìn tỷ đồng.
Như vậy từ 2 nguồn này, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay đến 9.994 tỷ, tức gần 10 tỷ; cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong 9.994 tỷ này có 3.717 tỷ thuộc chương trình phục hồi theo Nghị quyết 11 vừa qua, với số lượng khách hàng 9.527 khách hàng.
Tiếp theo là sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại cho vay nhưng có cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Phần này thì các bộ ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, một là chưa có tiền, thứ hai là chưa hoàn thiện cơ chế nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng.
Ngoài ra, có nguồn ngân hàng thương mại cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đây cũng là một trong những chủ trương nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2022 vừa qua và năm 2023 này. NHNN vẫn xác định đây là đối tượng khuyến khích cũng như chỉ đạo các NHTM tập trung cho vay.
Ý kiến của bạn