Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 1) Sức ép mục tiêu tăng trưởng
Kinh tế tăng trưởng vững chắc trong nửa đầu năm 2021, nhưng dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 4 đã gây ra tình trạng y tế khẩn cấp và làm cho viễn cảnh kinh tế mờ mịt hơn.
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề “Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai”.
Theo WB, trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc 5,6% dù khủng hoảng COVID-19 còn kéo dài. Nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng 4,65% quý I và 6,61% quý II năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, cho dù hai đợt dịch COVID-19 bùng phát buộc các cấp có thẩm quyền phải áp dụng những biện pháp hạn chế nhằm kiềm soát đại dịch. Đợt bùng phát đầu tiên rơi vào khoảng tháng 1-2 nhưng được kiểm soát tương đối nhanh chóng do số lượng ca nhiễm và tử vong được giữ ở mức tối thiểu.
Làn sóng dịch thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 4 và là đợt lây lan dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, với số ca nhiễm tăng mạnh từ dưới 3.000 ca cuối tháng 4 lên đến trên 150.000 ca vào cuối tháng 7/2021. Việc phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mạnh tay hơn khiến cho chỉ số đi lại giảm mạnh và chỉ số về mức độ nghiêm ngặt của Chính phủ tăng cao, đến cuối tháng 7 đã quay lại gần sát mức được ghi nhận trong đợt cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc vào tháng 4/2020.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng tổng gộp vững chắc của cả nền kinh tế trong nửa đầu năm 2021 che đi kết quả chưa đồng đều giữa các ngành. Động lực tăng trưởng chính là khu công nghiệp và xây dựng (đóng góp khoảng 53,2% cho tăng trưởng GDP), tiếp theo là khu dịch vụ (30,7%), và nông nghiệp (7,6%).
Tăng trưởng công nghiệp và xây dựng quay lại tốc độ trước đại dịch, bằng khoảng 8%, nhờ các hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo mở rộng. Khu vực nông nghiệp - tương đối ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch - tăng trưởng khoảng 3,85%, nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi và dịch tả lợn châu Phi đã chấm dứt. Khu vực dịch vụ vẫn đi sau, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,0%, bằng khoảng 60% tốc độ tăng trưởng ghi nhận nửa đầu năm 2019. Khu vực dịch vụ phục hồi chậm hơn một phần do nhạy cảm với các biện pháp đóng cửa trường học và hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 1-2 và tháng 4.
Hoạt động trong các ngành bán lẻ, giải trí và vận tải bị suy giảm nhiều nhất. Đóng cửa biên giới với hầu hết khách quốc tế (giảm 97,6%) cũng góp phần dẫn đến suy thoái sâu trong ngành du lịch và vận tải.
Nhìn từ góc độ chi tiêu, động lực tăng trưởng chính trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu là tiêu dùng trong nước đang phục hồi, và phần nhỏ hơn, là đầu tư tư nhân, đóng góp lần lượt ở mức 53,4% và 18,3% vào tăng trưởng GDP. Khu vực tư nhân trong nước đã thay thế cho khu vực nhà nước và khu vực kinh tế đối ngoại, hai khu vực đã đóng góp chính cho quá trình phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Chính phủ trở lại với chính sách tài khóa thắt chặt hơn vào đầu năm 2021, trong khi đóng góp của xuất khẩu ròng cho tăng trưởng giảm do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tương đối vững trong nửa đầu năm 2021, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt dịch bùng phát vào tháng 4/2021 và bởi tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp. Đợt dịch COVID-19 mới đây bắt đầu bùng phát tại miền bắc, nhưng khác với các lần trước, dịch nhanh chóng lan rộng ra phạm vi cả nước, trong đó có cả hai trung tâm đô thị lớn (TP HCM và Hà Nội), và một số khu công nghiệp, buộc Chính phủ phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Đến cuối tháng 7, hầu hết các tỉnh phía Nam, TP HCM và Hà Nội đều trong tình trạng cách ly xã hội. Do Việt Nam có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, nên khả năng dập dịch trên diện rộng cũng bị ảnh hưởng. Đến cuối tháng 7, chỉ có 5,1% dân số được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên và chỉ có 0,6% dân số được tiêm đầy đủ hai mũi. Hầu hết các quốc gia so sánh ở châu Á đều vượt Việt Nam về nỗ lực tiêm vắc-xin.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng trưởng kinh tế của quốc gia có sự tương quan chặt chẽ với cường độ của biện pháp hạn chế đi lại cũng như tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân. Phân tích gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy cứ thêm mỗi tháng cách ly, sản lượng công nghiệp trung bình có thể giảm gần 10%.
Báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu tháng 6/2021 do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy các quốc gia nằm trong nhóm tứ phân vị có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất - được đo bằng tỷ lệ phần trăm người dân được tiêm ít nhất một mũi trong nửa đầu năm 2021 – được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,8% trong năm 2021, còn những quốc gia ở nhóm tứ vị phân có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất sẽ chỉ tăng trưởng bình quân 2,5%.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp sẽ càng làm tăng nỗi đau kinh tế của Việt Nam vì Chính phủ không thể nhanh chóng nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm giúp nền kinh tế phục hồi. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao đang gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và mở cửa nền kinh tế. Một số nước còn cho phép thương gia và du khách đã tiêm vắc-xin đầy đủ được nhập cảnh, qua đó giúp hồi sinh hoạt động kinh tế, bao gồm cả việc chuyển sang xuất khẩu những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với xuất khẩu của Việt Nam. Những quốc gia đó không phải đã hoàn toàn hết COVID-19, nhưng vắc-xin tạo nền tảng vững chắc để họ kiểm soát sự lây lan của vi-rút. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh quá trình tự phát triển và sản xuất vắc-xin.
Kỳ 2: Khó khăn “đè” doanh nghiệp và người dân
Ý kiến của bạn