Tạo nền tảng cơ bản cho hợp tác Việt – Lào
Bốn thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 39, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào. Đây là những nền tảng cơ bản để hợp tác hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào Lào 408 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,7 tỷ USD |
Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã cùng chủ trì cuộc họp chính thức lần thứ 39, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, diễn ra giữa tuần này.
Gọi đoàn cấp cao Chính phủ Lào là đoàn cấp cao đầu tiên “xông đất” năm mới Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu khai mạc phiên họp đã nhấn mạnh về mối quan hệ “có một không hai trên thế giới” giữa Việt Nam và Lào, đồng thời khẳng định, kỳ họp sẽ tạo ra động lực mới đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Động lực ấy, trước tiên, đến từ 4 văn kiện được ký kết trong khuôn khổ kỳ họp. Đó là Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2017; Biên bản Kỳ họp lần thứ 39, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; Kế hoạch hợp tác năm 2017 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; Biên bản thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh đầu tư Dự án xây dựng đường dây tải điện 500 kV Lào - Việt Nam.
“Với phương châm hành động và kiến tạo phát triển, sau Kỳ họp này, Chính phủ Việt Nam sẽ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các đối tác Lào triển khai ngay và thực hiện có hiệu quả các cam kết tại Kỳ họp”, Thủ tướng nêu rõ và khẳng định rằng, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh tại thị trường của Lào.
Số liệu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thongloun Sisoulith, hiện doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào Lào 408 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,7 tỷ USD. Trong năm qua, đã có thêm một số dự án được đưa vào vận hành, khai thác, như Thủy điện Xecaman 1, Khách sạn Mường Thanh - Viêng Chăn…
“Đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục được đẩy mạnh và đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhắc đến việc một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào còn chậm triển khai, phần do một số doanh nghiệp Việt Nam năng lực tài chính còn hạn chế, nhưng cũng còn có những chậm trễ liên quan đến quá trình xem xét kế hoạch đầu tư từ phía Lào.
Rất nhiều ý kiến thẳng thắn đã được hai bên trao đổi, đề xuất tại Kỳ họp để quan hệ hợp tác Việt - Lào, đặc biệt là hợp tác về kinh tế được đẩy mạnh. Nói như Thủ tướng Thongloun Sisoulith, đó là “chúng ta hãy mở lòng với nhau”.
Cũng bởi thế, những khúc mắc trong hợp tác đầu tư các dự án sân bay của Hoàng Anh Gia Lai, dự án Thủy điện Xecaman 3, hay dự án muối mỏ Kali đã được hai bên thảo luận và đề xuất hướng giải quyết dứt điểm. Các kế hoạch hợp tác đầu tư khai thác cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, hay đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, đường ống dẫn dầu từ Hòn La đi Khăm Muộn… cũng đã được thảo luận.
“Các dự án hợp tác này phải được thực hiện hiệu quả, chất lượng cao trong năm 2017 đầy ý nghĩa này - năm đánh dấu 55 năm quan hệ ngoại giao Việt - Lào và cũng là năm Hữu nghị Việt Nam. Chúng ta cũng cần tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả 4 văn kiện đã được ký kết”, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhấn mạnh.
Theo thỏa thuận đã ký, hai bên sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các tuyên bố chung và các thỏa thuận cấp nhà nước, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh…
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn