Thách thức đối với lao động Việt Nam khi tham gia ASEAN
Trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực cũng trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại khác đồng nghĩa với việc sẽ đón nhận nhiều cơ hội mới nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức lớn được đặt ra đối với lao động Việt Nam.
Cạnh tranh gay gắt
Các chuyên gia cho rằng, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi. Đầu tiên là chúng ta có một không gian thị trường lao động lớn hơn nhiều. Đặc biệt, với việc AEC được thành lập giúp thị trường lao động trong khối hoạt động sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Trong khối này, ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%).
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì khi tham gia vào thị trường ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm từ nay cho đến năm 2025. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.
Thị trường lao động sẽ trở nên sôi động hơn mang tới cho cả doanh nghiệp (DN) và người lao động những cơ hội để phát triển. Việc hội nhập quốc tế giúp Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, góp phần tạo nhiều việc làm mới trong nước cho người lao động. Đồng thời, lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, ngoại ngữ.
Bên cạnh những thuận lợi, những cơ hội nhìn thấy được từ một không gian thị trường rộng lớn là những khó khăn thách thức:
Thứ nhất, tuy lực lượng lao động của nước ta dồi dào nhưng chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Bởi vậy nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần).
Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Bên cạnh đó, do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp nên tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp. Chỉ có 40% nhân lực có trong hợp đồng quan hệ lao động, 60% là lao động tự do, không có trong các quan hệ làm việc chính thức. Chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.
Thứ hai, muốn dịch chuyển lao động thì phải có ngoại ngữ nhưng ngoại ngữ cũng là một điểm hạn chế của lao động Việt Nam. Trên thực tế, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia…
Người Việt Nam được đánh giá là cần cù, sáng tạo, nhiều sáng kiến nhưng khi năng lực không giao tiếp được, không chia sẻ được thì sáng tạo, sáng kiến cũng “ngủ yên”, không đưa được vào thực tiễn đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém và hạn chế; thị trường lao động hiện tại là thống nhất, không rào cản, nhưng thông tin thị trường lao động dường như bị chia cắt, tổ chức theo từng tỉnh, thiếu chia sẻ trong vùng, miền và cả nước; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người chủ sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nguồn nhân lực trong nước.
Thứ tư, trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số sẽ làm cho lợi thế lực lượng lao động trẻ mất dần đi theo thời gian. Một vấn đề khác là nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng biến đổi khí hậu khiến một số ngành suy giảm mạnh và lợi thế cạnh tranh.
Hội nhập, tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, càng góp phần gia tăng sự mất cân đối trong cung – cầu lao động trong nước, đặc biệt là nguồn cung về lao động có kỹ năng, trình độ cao. Trong khi nguồn cung trong nước hạn chế thì dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của nước ngoài sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao trong thị trường lao động của Việt Nam.
Chú trọng giải pháp chủ động và các biện pháp kỹ thuật
Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của gia nhập AEC, tham gia TPP và các Hiệp định thương mại khác, cũng như những cơ hội và thách thức đi kèm. Việt Nam nỗ lực để chuẩn bị hội nhập sâu rộng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đó. Trong quá trình thực thi các giải pháp để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần chú trọng thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, nước ta đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo mà một trong những tư tưởng quan trọng là lấy sự chấp nhận của thị trường lao động làm thước đo hiệu quả của giáo dục và đào tạo. Nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ đã được thể hiện trong Nghị quyết; quan trọng nhất là phải đổi mới cơ chế kế hoạch hóa đào tạo; phải nắm bằng được nhu cầu của thị trường và đấy phải là nền tảng để xây dựng kế hoạch đào tạo.
Hai là, cần tổ chức tốt hơn hệ thống thông tin thị trường lao động, cả thị trường trong nước để giới thiệu và chắp nối việc làm trong nước, giúp người lao động Việt Nam tiếp cận đến các vị trí làm việc trong nước trong thời gian ngắn nhất; phải cung cấp được cả thông tin thị trường lao động ngoài nước để giúp người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận.
Ba là, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cũng cần tổ chức lại nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác cung ứng và tuyển dụng lao động cho các DN, hạn chế tình trạng hết thời hạn tuyển dụng, các DN sẽ tuyển dụng lao động nước ngoài.
Bốn là, cần nâng cao năng lực của các trung tâm dịch vụ việc làm, ít nhất là ở chỗ đánh giá các yêu cầu của các vị trí cần tuyển, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo các yêu cầu đạt ra là thực sự cần thiết, đúng với yêu cầu của vị trí việc làm, hạn chế tình trạng DN đặt yêu cầu quá cao nhằm tuyển dụng lao động nước ngoài.
Năm là, phải tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động; làm cơ sở cho đổi mới công tác kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo, kể cả đào tạo nghề để chuẩn bị nguồn nhân lực được đào tạo, hợp lý cả về số lượng, cơ cấu và kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nói về các giải pháp kỹ thuật, ở đây là đặt ra các hàng rào kỹ thuật nhưng đặt ra các hàng rào kỹ thuật cũng cần đáp ứng cả hai mục tiêu: (i) Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn; (ii) Vẫn phải đạt được mục tiêu bảo vệ việc làm trong nước. Trong đó, cần quan tâm đến một số vấn đề đặt ra đó là: Cấp giấy phép cho lao động nước làm việc tại Việt Nam; Quản lý lao động nước ngoài làm việc lại Việt Nam sau khi được cấp phép, nhất là việc dịch chuyển vị trí và nơi làm việc; các biện pháp kỹ thuật khác...
Theo tapchitaichinh.vn
Ý kiến của bạn