Doanh nghiệp thứ 10 của VN vào danh sách

Mới đây, Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã trao giấy chứng nhận thành viên chính thức mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu (GFTN) cho Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu (DNTN Bảo Châu).

Theo WWT, mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu là sáng kiến của tổ chức này từ năm 2005, mục đích nhằm góp phần chấm dứt tình trạng khai thác gỗ trái phép và cải thiện công tác quản lý các khu rừng có giá trị đang bị đe dọa.

Việc kết nạp chính thức DNTN Bảo Châu trở thành thành viên mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu nhằm thúc đẩy các mối liên kết kinh doanh giữa các công ty cam kết đạt được và hỗ trợ hoạt động lâm nghiệp có trách nhiệm, theo hướng bền vững.

Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu sẽ đưa ra các điều kiện thị trường nhằm giúp bảo tồn rừng trong khi vẫn cung cấp các lợi ích kinh tế, xã hội cho các doanh nghiệp và những người phụ thuộc vào rừng.

Đối với thành viên thương mại, mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu Việt Nam sẽ hỗ trợ thông qua các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về các quy định mới của thị trường như EUTR, FLEGT (đối với thị trường châu Âu), LACEY ACT (đối với thị trường Mỹ)… kết nối thị trường mua và người bán, các dịch vụ tư vấn về các vấn đề kỹ thuật trong việc tìm mua nguyên liệu có chứng chỉ và giúp phản hồi khách hàng các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu được chứng chỉ.

DNTN Bảo Châu đang quản lý hơn 2.000ha rừng trồng tại Phú Yên. Với sự tham gia mạng lưới này, DNTN Bảo Châu sẽ đưa diện tích rừng quản lý theo hướng bền vững do mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu hỗ trợ tăng lên gần 3.900ha, phấn đấu đến năm 2020 nâng lên khoảng 5.000ha theo quy hoạch phát triển rừng của tỉnh.

"Giấy thông hành" đặc biệt

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) hiện kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam còn chiếm một tỷ trọng quá nhỏ bé so với giá trị tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới đạt khoảng 467,7 tỉ đô la Mỹ/năm. 

Điểm mấu chốt vẫn là ở chỗ các sản phẩm có giá trị cao, hướng tới các thị trường khó tính luôn đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, trong khi các DN trong nước chưa gây dựng được uy tín đối với thị trường này. Việc có chứng chỉ FSC, COC… hay gia nhập các tổ chức như GFTN là điểm cộng cho uy tín của các DN Việt Nam.

GFTN là Mạng lưới lâm sản toàn cầu, thuộc WWF, có số lượng thành viên lên đến hơn 300 DN, thuộc các quốc gia trên toàn thế giới. Đến nay ở nước ta có 10 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm nghiệp được kết nạp trở thành thành viên chính thức của mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia có nền công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới, với kim ngạch đạt 7,3 tỷ USD năm 2016. Dự đoán, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017 sẽ đạt khoảng 8 tỉ đô la Mỹ.

Để đạt được mục tiêu này, các DN Việt Nam phải không ngững thay đổi sản phẩm và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, một trong các hướng đi đó là sản xuất đồ với lượng đặt hàng đều đặn và giá trị sản phẩm cao đang được các DN ưu tiên. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng này cũng đồng nghĩa với việc DN phải chịu nhiều sự kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc gỗ, nguyên phụ liệu,… Nếu không có các chứng chỉ, hay sự kiểm tra, công nhận của các tổ chức quốc tế, DN khó lòng có thể tiếp cận với các thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu.

Các báo cáo đánh giá của GFTN đối với một DN là tấm giấy thông hành đặc biệt cho các DN tiếp cận với những thị trường khó tính nhất như Mỹ và châu Âu. Sau 5 năm là thành viên của GFTN, DN phải cam kết ngừng sử dụng hoàn toàn gỗ không rõ nguồn gốc, không ai có thể đảm bảo điều này nếu DN không phải là thành viên của GFTN.

Một vấn đề nữa đó là hiện nay, diện tích rừng đạt chứng chỉ bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Việt Nam chỉ là 230.000ha, trong khi đó những thị trường có giá trị cao luôn đòi hỏi sản phẩm sử dụng gỗ có trách nhiệm. Vì vậy, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 4.5 triệu m3 nguyên liệu gỗ để làm hàng xuất khẩu. Điều này khiến Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào các quốc gia xuất khẩu gỗ khác, không tận dụng được nguồn gỗ nội địa và mất đi những giá trị gia tăng trong sản xuất và chế biến.

Ông Lê Thiện Đức, Quản lý Chương trình Rừng của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Thông qua dự án Quản lý rừng bền vững và Thương mại Lâm sản có trách nhiệm, WWF sẽ có nhiều hoạt động để thúc đẩy nhu cầu của thị trường nội địa đối với mặt hàng lâm sản có chứng chỉ bền vững. Đối tượng của chúng tôi chính là người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của họ đối với mặt hàng có trách nhiệm này, qua đó tạo ảnh hưởng lên các doanh nghiệp chế biến gỗ và các chuỗi bán hàng đồ gỗ để họ đưa mặt hàng này tới gần người tiêu dùng nội địa hơn.”

WWF-Việt Nam, thông qua Mạng lưới Thương mại Lâm sản Toàn cầu (GFTN), trong nhiều năm nay đã có các hoạt động thúc đẩy chế biến, thương mai gỗ có trách nhiệm, đồng thời hỗ trợ các chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững đạt chứng nhận FSC. Các thành viên tham gia GFTN đều cam kết sau 5 năm tham gia chương trình sẽ đạt được chứng nhận sử dụng nguyên liệu có chứng chỉ cho chuỗi cung và quản lý rừng có trách nhiệm.