Thủ tướng mong muốn Kiên Giang tự cân đối ngân sách vào năm 2020
(Chinhphu.vn) – Nhắc lại cuộc gọi điện cho lãnh đạo tỉnh cách đây 3 năm khi tỉnh gặp hạn mặn nặng nề 100 năm chưa diễn ra, Thủ tướng đánh giá cao Kiên Giang đã giải quyết tốt vấn đề này và tin rằng, với sự quyết tâm, tỉnh có khả năng tự cân đối được ngân sách từ năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều nay, 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Kiên Giang, gặp mặt lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thảo luận các biện pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội, giải quyết các kiến nghị cụ thể.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng, Kiên Giang là vùng đất phên dậu phía tây nam của Tổ quốc, nằm ven vịnh Thái Lan, tọa lạc ngay giao điểm lưu thông quốc tế rất thuận lợi, có điều kiện tự nhiên, địa hình phong phú, phong cảnh đẹp bậc nhất của đất nước ta.
Đây là vùng đất có truyền thống anh hùng, địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử cách mạng, nơi nghĩa quân của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực xưa kia đã chiến đấu chống thực dân Pháp đến hơi thở cuối cùng với câu nói nổi tiếng: “Khi nào Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang luôn anh dũng, kiên cường, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, cùng miền Nam và cả nước làm nên những chiến công vĩ đại của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng phía tây nam của Tổ quốc.
Bước vào công cuộc đổi mới, mặc dù ở xa các trung tâm kinh tế, đô thị lớn và có điểm xuất phát thấp, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân Kiên Giang đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về địa lý, tự nhiên đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào và đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là trong 10 năm trở lại đây, diện mạo tỉnh Kiên Giang đã đổi thay vượt bậc. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân 7,13%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm xã hội (GDRP) của tỉnh nằm trong tốp các địa phương đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiên Giang có sản lượng lương thực đứng đầu cả nước với gần 4,3 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt hơn 815.000 tấn/năm. Du lịch là thế mạnh với nhiều lợi thế về cảnh đẹp tự nhiên, bãi biển, đảo, rừng, phong phú, đa dạng và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng, đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc, thu hút bình quân hơn 4 triệu lượt du khách/năm, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước.
Đặc biệt, những bức xúc của nhân dân được quan tâm giải quyết. “Tôi còn nhớ, năm 2016, năm hạn mặn nặng nề mà trong vòng 100 năm chưa từng diễn ra ở mảnh đất này, người dân thành phố Rạch Giá thiếu nước nghiêm trọng”, Thủ tướng cho biết, ông đã điện cho Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị cố gắng giải quyết nước uống cho người dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư, đã nghiên cứu phương án chủ động và đến nay, nếu có hạn trở lại, Kiên Giang, đặc biệt là TP. Rạch Giá, giải quyết tốt nước cho người dân.
Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội, môi trường được đặt biệt quan tâm, đạt kết quả tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Kiên Giang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Là tỉnh có địa hình đa dạng, xuất phát điểm thấp, lại chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhưng dường như thử thách càng lớn thì phẩm chất, khí phách, tài hoa, bản sắc của người dân Nam Bộ nói chung, Kiên Giang nói riêng càng trở nên nổi bật, Thủ tướng chia sẻ.
“Tự hào về những thành tích xuất sắc đã đạt được, tôi đề nghị tỉnh Kiên Giang cũng như các bộ, ngành, địa phương trong cả nước không được chủ quan mà phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thời gian tới”. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, quy mô GDP của tỉnh còn nhỏ. Nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh chưa khơi dậy, phát huy hiệu quả để thực sự trở thành lợi thế so sánh trong phát triển. Tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu “tận diệt” vẫn còn xảy ra, nhất là trong khai thác hải sản. Trong khi đó những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng... tác động, ảnh hưởng lớn đến cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Mặc dù thu ngân sách tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng Kiên Giang vẫn là tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, sớm xử lý, giải quyết hiệu quả, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan chức năng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tạo thuận lợi cho tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức, vững bước xây dựng Kiên Giang xanh, sạch, đẹp, người dân có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng dẫn câu thơ trong bài “Lúa sạ miền Nam” của nhà thơ người Rạch Giá Trương Khương Trinh: “Người xưa bảo đây là vùng đất phước. Đất oai hùng toàn nhân kiệt địa linh” với mong muốn Kiên Giang trở thành một tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có khả năng tự cân đối được ngân sách từ năm 2020.
Thủ tướng trao cờ Tổ quốc và túi thiết bị y tế đi biển cho 12 ngư dân trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng đã trao cờ Tổ quốc và túi thiết bị y tế đi biển cho 12 ngư dân trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do báo Người Lao động phát động. Theo đó, chương trình sẽ trao 10.000 lá cờ và túi thiết bị y tế cho các ngư dân Kiên Giang.
Cũng trong chuyến công tác tại Kiên Giang, Thủ tướng đã gặp mặt lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thảo luận các biện pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội, giải quyết các kiến nghị cụ thể.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Kiên Giang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo tỉnh có tinh thần dám nghĩ, dám làm và lưu ý tỉnh cần tập trung chỉ đạo một số lĩnh vực để “ra tấm, ra món”. Cần quan tâm thúc đẩy những mô hình phát triển mới như phát triển đô thị, năng lượng tái tạo. Cho rằng trong tương lai gần, du lịch chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Kiên Giang tiếp tục phát triển lĩnh vực này, không chỉ ở Phú Quốc mà cả Rạch Giá.
Cần làm tốt công tác quy hoạch và lập quy hoạch, chú ý đào tạo nguồn nhân lực để chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ hơn. Cần làm tốt an sinh xã hội, giảm nghèo.
Thủ tướng cũng nhắc lãnh đạo tỉnh đôn đốc, thúc đẩy để nguồn vốn thu hút từ Hội nghị xúc tiến đầu tư sáng nay sớm được đưa vào triển khai.
Lãnh đạo tỉnh cần có khát vọng đưa Kiên Giang tiến lên, phát triển nhanh, bền vững.
Cùng ngày, Thủ tướng đã đến dâng hương tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực.
http://baochinhphu.vn/
Ý kiến của bạn