Ưu đãi thuế quan đặc biệt cho doanh nghiệp Việt Nam và Lào
Mức ưu đãi thuế quan sẽ tăng kim ngạch thương mại biên giới, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Lào.
“Các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Lào dành ưu đãi đặc thù cho thương mại biên giới giữa hai bên, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều trong thời gian tới”, thông tin này được đưa ra tại “Hội nghị phổ biến Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào 2015” do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Lào tổ chức ngày 5/8 tại Hà Nội.
Bộ Công Thương cho biết, tháng 3/2015, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thương mại song phương để thay thế Hiệp định năm 1998. Tháng 6/2015, hai nước tiếp tục ký Hiệp định Thương mại biên giới, dành cho nhau các ưu đãi đặc biệt.
Hội nghị phổ biến Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào
Khi áp dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào vào thực tiễn, nhiều loại hàng hóa được tiếp cận với mức ưu đãi thuế quan giảm bằng 0% hoặc bằng một nửa (50%) với trên 95% các dòng thuế hàng hóa so với mức thuế trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong khi đó, với Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, các doanh nghiệp hai nước cũng sẽ được hưởng các ưu đãi riêng có đặc biệt.
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, thị trường Lào phù hợp với ngành nghề doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Các doanh nghiệp đã hợp tác và xuất khẩu sang Lào mặt hàng tiêu dùng như may mặc, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, điện, đồ gia dụng.
“Những hiệp định song phương ký giữa 2 nước rất có lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp bám vào đó để thực hiện. Với Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào 2015, khi doanh nghiệp chuyển hàng qua biên giới, việc thông quan rất thuận tiện với nhiều dòng hàng thuế suất bằng 0%”, bà Thùy cho biết.
Thời gian qua, kim ngạch thương mại Việt Nam và Lào liên tục tăng trưởng, đạt mức tăng bình quân 25,8%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương có chiều hướng giảm. Năm 2015 đạt 1,123 tỷ USD, giảm 12,6% so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ đạt 433,3 triệu USD, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương và tăng kim ngạch thương mại 2 nước trong thời gian tới.
Trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành với nhiều cơ hội và thách thức, nếu các doanh nghiệp hai nước nắm bắt được những lợi thế mà hai hiệp định này mang lại sẽ góp phần tăng cường hoạt động thương mại song phương đồng thời sẽ giúp cho cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước trở nên đa dạng hơn.
“Hai Hiệp định này giúp cho định hình cấu trúc thương mại và đầu tư hợp tác song phương 2 nước thời gian tới. Ví dụ trong Hiệp định thương mại song phương trong đó tích hợp thỏa thuận ưu đãi thương mại trước đây ký kết 2011 và mỗi năm gia hạn 1 lần. Nay có cơ chế ổn định hơn. Hiệp định Thương mại biên giới có ưu đãi cho lĩnh vực đầu tư vào các tỉnh giáp biên giới 2 nước. Doanh nghiệp tận dụng tốt điều khoản trong hiệp định thì còn hỗ trợ nhau trong khai thác tốt hơn nữa cơ hội trong ASEAN”, ông Hải cho biết.
Ông Thongsavanh Phomvihane, Đại sứ Cộng hòa DCND Lào tại Việt Nam khẳng định, Bộ Công Thương Lào luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp hai nước để khai thác tốt tiềm năng và cơ hội sẵn có, qua đó giúp nâng cao hoạt động thương mại và đầu tư song phương ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Để góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Lào, hai bên đã đưa ra một số giải pháp trong đó có phối hợp nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển thương mại Việt Nam - Lào giai đoạn 10 năm tới; nhanh chóng cụ thể hóa và tăng cường phổ biến các văn kiện quan trọng đối với quan hệ thương mại song phương đã ký giữa hai nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.
Theo VOV
Ý kiến của bạn