Một cuộc nghiên cứu với các nhà điều hành thế giới đã nêu bật những thiếu sót về văn hóa số: sợ rủi ro; khó khăn trong việc cấu trúc doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh chóng của khách hàng.
Khi lo ngại rủi ro, sẽ dẫn đến đầu tư dưới mức cần thiết cho những cơ hội, đáp ứng chậm chạp trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Khi không có sự hiểu biết thống nhất về khách hàng, công ty thường không phân biệt được đâu là thị trường tốt nhất khi kỹ thuật số mở rộng sự lựa chọn của khách hàng, cũng không xác định được hành động đáp ứng của doanh nghiệp. Những tín hiệu quan trọng của thị trường bị doanh nghiệp bỏ lỡ hoặc phản ứng quá chậm.
Có thể thay đổi văn hóa doanh nghiệp không? Liệu sự thay đổi văn hóa có xuất hiện khi nhà quản lý cập nhật chiến lược hoặc cải tiến các quy trình? Theo các nhà nghiên cứu, những nhà quản lý thường chờ đợi đến khi có sự thay đổi cơ bản văn hóa doanh nghiệp. Như vậy là rất chậm chạp trong khi thời đại kỹ thuật số đang thay đổi nhanh, thúc đẩy cạnh tranh và làm mờ ranh giới giữa các ngành. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.
Các nhà quản lý phải chủ động trong việc xây dựng, định hình các tiêu chí đo lường văn hóa doanh nghiệp. Sự thay đổi trong hoạt động sẽ làm mức độ kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Cần lường trước và có chiến thuật để sẵn sàng vượt qua những phản ứng chống lại sự thay đổi.
Việc phân quyền sẽ hoạt động tốt nếu có quy tắc, thông tin thông suốt, nhân viên có kỹ năng, có đầu óc thích ứng. Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo cấp cao có trách nhiệm thúc đẩy các hành động táo bạo và quyết đoán để doanh nghiệp có thể xoay chuyển nhanh chóng. Những động thái như vậy đòi hỏi phải có sự chấp nhận rủi ro.
Thời đại kỹ thuật số buộc doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhiều hơn, đồng thời cung cấp cho họ những phương tiện tốt hơn để liên tục tăng lượng thông tin cho khách hàng. Các doanh nghiệp hiểu được người tiêu dùng một cách tốt nhất như Amazon, Apple đã nhanh chóng đáp ứng các mong đợi từ phía khách hàng để tùy chỉnh các sản phẩm và dịch vụ một cách liền mạch, dễ dàng cung cấp cho khách hàng các thông tin cần thiết. Doanh nghiệp có văn hóa tập trung vào khách hàng là yêu cầu sống còn trong thời đại 4.0. Khi tiếp cận khách hàng gần gũi hơn sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi nhanh.
Kết nối dữ liệu đúng với các quyết định đúng có thể giúp tích hợp sự hiểu biết chung về nhu cầu khách hàng vào văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy, củng cố sự tập trung vào khách hàng. Sự tận tâm với khách hàng, tập trung vào mở rộng khách hàng vượt ra ngoài việc tiếp thị và thiết kế sản phẩm dịch vụ để trở thành yếu tố văn hóa thống nhất thúc đẩy mọi quyết định cốt lõi trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm sẽ dẫn dắt các chiến lược làm mới thường xuyên với các chỉ dẫn đáng tin cậy. Bởi nó có thể dự đoán các mô hình mới trong hành vi của khách hàng và giúp điều chỉnh các tương tác có liên quan với họ bằng cách tích hợp các dữ liệu động.
Một cách để đạt sự hiểu biết tốt hơn với định hướng của doanh nghiệp là luân chuyển cấp quản lý. Cách thức luân chuyển có thể được thực hiện ở các cấp độ khác nhau trong doanh nghiệp và giúp tạo sự hiểu biết nhất quán giữa các đơn vị kinh doanh khác nhau. Đồng thời, nó giúp tạo ra các mối quan hệ giữa các nhân sự trong các phòng ban, chi nhánh khác nhau.
Sự thay đổi đang diễn ra nhanh chóng và từ những nơi không thể dự đoán trước. Nhà lãnh đạo cung cấp cho nhân viên càng nhiều thông tin, phân quyền hợp lý thì càng đưa ra được các quyết định đúng đắn, kịp thời. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần lọai bỏ những rào cản khiến nhân viên không cộng tác được với nhau, cắt giảm hoặc loại bỏ những thủ tục hành chính quan liêu.
Thay đổi văn hóa trong các doanh nghiệp sẽ luôn chậm chạp và phức tạp hơn những thay đổi công nghệ. Các nhà lãnh đạo cần có lập trường tiên phong về văn hóa. Doanh nghiệp sẽ đạt được sự năng động khi văn hóa doanh nghiệp hoạt động tốt.
Ý kiến của bạn