Vì sao GDP quý I/2017 giảm tốc do với cùng kỳ năm 2016 và 2015
GDP quý I/2017 chỉ tăng 5,1%, so với mức tăng 5,48% và 6,12% của cùng kỳ năm 2016 và 2017.Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhận định, dù không đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đặt ra, song đây cũng là mức tăng hợp lý.
Thưa ông, năm 2016, với trên 100.100 doanh nghiệp được thành lập mới, nhiều người tin rằng đây là nền tảng để năm 2017, GDP tăng tốc, nhưng qua quý I đã thấy tăng trưởng GDP cao chỉ là kỳ vọng?
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 được kỳ vọng theo hướng tích cực hơn năm 2016. Tháng 10/2016, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế gới năm 2017 đạt 3,4%, cao hơn so mức tăng 3,1% của năm 2016. Sang đến tháng 11/2016, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay 3,3% cao hơn mức tăng 2,9% của năm 2016.
Chúng tôi đã khảo sát 10 nền kinh tế, trong quý I/2017 có 11 nước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2016, số còn lại (9 nước) tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Myanmar, Brunei và Philippines.
Còn đối với Việt Nam, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7%, nhưng các tổ chức tài chính quốc tế chỉ dự báo tăng trưởng 6,2 - 6,3%. Tuy nhiên, trong quý I chỉ tăng 5,1%, so với mức tăng 5,48% và 6,12% của cùng kỳ năm 2016 và 2017. Đúng là chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đặt ra, song đây cũng là mức tăng hợp lý, bởi những nước xung quanh chúng ta, tốc độ tăng trưởng quý 1 năm nay cũng chỉ bằng và thấp hơn năm 2016.
Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Thứ nhất, quý I/2017 công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức tăng 8,94% cùng kỳ 2016. Chủ yếu do sản xuất và chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15%) chỉ tăng 4,4% thay vì 8,6% như cùng kỳ năm 2016. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử (giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng khoảng 21% ngành chế biến, chế tạo) giảm 1% trong khi quý I/2016 tăng 11,3%, nguyên nhân chủ yếu do sản xuất của Công ty Samsung Việt Nam giảm gần 38%.
Thứ hai, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của những năm trước đây sang các ngành sản xuất kinh doanh không phải khai thác tài nguyên. Quý I/2017, khai thác dầu thô, khí tự nhiên, than đạt thấp làm tăng trưởng ngành khai khoáng chỉ bằng khoảng 90% so cùng kỳ năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016 thấp hơn năm 2015 (5,48% so với 6,12%) được lý giải là do ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Còn năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp quý I năm nay đã khởi sắc, có tác động thế nào tới GDP quý I/2017, thưa ông?
Quý I/2017, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) đạt 2,03% so cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ 2010 - 2015 và chỉ cao hơn cùng kỳ 2016 (quý I/2016 giảm 1,31%). Trong đó, ngành nông nghiệp bước đầu đã cho thấy dấu hiệu khả quan khi tăng trưởng đạt 1,38% thay cho mức giảm sâu 2,69% của cùng kỳ 2016, tuy vậy trồng trọt vẫn tăng trưởng âm 0,4%. Ngành lâm nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 5% trong khi ngành thủy sản cũng có mức tăng khá tốt so với cùng kỳ đạt 3,5%.
Khu vực I tăng trưởng vẫn thấp là do khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 còn tác động ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích gieo sạ lúa vụ mùa và vụ Đông - Xuân giảm 73.000 ha, làm giảm gần 333.000 tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp không lớn vào tốc độ tăng trưởng chung (quý I/2017 chỉ đóng góp 0,14 điểm phần trăm) nên dù khu vực này có tăng cao hơn nữa thì tốc độ tăng trưởng chung của GDP cũng không có đột biến.
Sau một thời gian đi lên, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm mạnh và theo dự báo thì giá dầu vẫn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Theo ông, giá dầu đi xuống tác động thế nào đến nền kinh tế nước ta, cả tiêu cực lẫn tích cực?
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm từ cuối năm 2014 và về đáy ở quý I/2016. Giá dầu giảm dẫn đến giá xăng dầu trong nước giảm, mà xăng dầu là chi phí trung gian của tất cả các ngành kinh tế, làm giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm giảm là cơ hội để giá hàng hóa và dịch vụ giảm.
Việt Nam đang tận dụng cơ hội này để thúc đẩy sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống dân cư. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô khai thác, tác động đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nguồn thu ngân sách từ dầu thô.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn, nhưng kể từ tháng 7/2017, Việt Nam không được vay vốn ODA ưu đãi của WB và từ tháng 7/2018 không được vay vốn ODA ưu đãi của ADB. Thưa ông, thiếu nguồn vốn vay ưu đãi tác động thế nào tới tốc độ tăng trưởng GDP và làm cách nào để huy động các nguồn vốn khác để bù đắp sự thiếu hụt này?
Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, mặc dầu đóng góp của vốn đầu đầu tư vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm trong những năm gần đây (hiện chỉ chiếm khoảng 53%), việc đầu tư bị giảm sút sẽ ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến tăng trưởng GDP.
Khi Việt Nam không được vay vốn ưu đãi của WB và từ tháng 7/2018 và không được vay vốn ưu đãi của ADB một năm sau đó, về mặt nào đó sẽ có tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, vốn vay ưu đãi chiếm tỷ trọng thấp trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, nên không được vay ưu đãi không ảnh hưởng quá nhiều đến tăng trưởng GDP nếu khai thác tốt nguồn vốn tín dụng thương mại, vốn tự có của khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Mặt khác, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã và đang chú trọng thực hiện đầu tư tập trung, trọng điểm, tránh dàn trải và nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); giảm chi phí sản xuất để bù đắp phần lãi suất ưu đãi.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn