Đó là chia sẻ của GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (SCCI) trong cuộc trò chuyện với BizLIVE.

Là một trong những người đầu tiên tham gia vào việc quản lý nhà nước về FDI, Giáo sư Nguyễn Mại kể: Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, ba năm đầu (1988 – 1990), FDI chưa tác động rõ rệt đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Trong ba năm đó, Việt Nam chỉ thu hút được chưa đến 1 tỷ USD vốn thực hiện, phần lớn là dự án quy mô nhỏ.

Có 3 người tham gia đầu tiên trong công cuộc mở đường cho FDI vào Việt Nam lúc bấy giờ là ông Đậu Ngọc Xuân (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư), ông Võ Đông Giang (Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm) và tôi là người thứ ba. Lúc đó chúng tôi chưa biết nhiều về FDI. Để khắc phục nhược điểm đó thì tốt nhất phải học. Sau khi “xin” được dự án đào tạo của tổ chức quốc tế UNDP, cứ đến thứ Bảy, từ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên đều ngồi học một cách nghiêm túc, cầu thị.

Đến năm 1993, ông Đậu Ngọc Xuân và tôi được giao đấu thầu dự án nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam với công suất 6,5 triệu tấn/năm. Chúng tôi lúc ấy lo lắm! Lo vì chưa có kinh nghiệm gì về lọc hoá dầu cả. SCCI đã được UNDP trợ giúp một dự án xúc tiến đầu tư, thì lãnh đạo cơ quan đã quyết định tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho SCCI và cho các Bộ, địa phương trong cả nước. Hàng trăm cán bộ đã được bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 7 – 10 ngày/1 khóa học, chuyên viên SCCI dành cả ngày thứ Bảy hàng tuần để tham gia các lớp do chuyên gia UNIDO giảng dạy. Nhờ đó, chỉ vài năm đã khắc phục được nhược điểm thiếu kiến thức trong quản lý nhà nước.

Nhắc lại câu chuyện này, tôi muốn lưu ý tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ công chức nhà nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc bồi dưỡng kiến thức, cập nhật thông tin về sự thay đổi của thế giới và trong nước để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của việc quản lý đất nước trong thế giới hiện đại.

30 NĂM – TRĂN TRỞ “ĐƯỢC” VÀ “MẤT”

Thời gian qua đã có nhiều tranh luận về tác động của FDI tới nền kinh tế. Vậy thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về những “được” và “mất” của Việt Nam sau 30 năm thu hút FDI?

Thời gian qua, có khá nhiều luồng ý kiến không mấy tích cực về FDI. Điều đáng buồn là trong số đó có những học giả, nhà kinh tế. Họ cho rằng FDI tác động không nhiều đến tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào ngân sách, làm nảy sinh một số vấn đề như chỉ có 5-6% là công nghệ hiện đại, phần lớn là công nghệ trung bình, thậm chí có một số công nghệ lạc hậu, không ít dự án FDI gây tác động xấu đến môi trường, chuyển giá, trốn thuế, làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, tranh chấp lao động.

Nhân dịp 30 năm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp các bộ ngành, địa phương để tổng kết FDI. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại một cách khách quan, công bằng, để dư luận hiểu đúng về FDI, trên cơ sở các số liệu thống kê và tình hình thực tế, chứ không thể dựa vào cảm tính được.

GS. TSKH. Nguyễn Mại.

 

Nhân dịp 30 năm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp các bộ ngành, địa phương để tổng kết FDI. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại một cách khách quan, công bằng, để dư luận hiểu đúng về FDI, trên cơ sở các số liệu thống kê và tình hình thực tế, chứ không thể dựa vào cảm tính được.

FDI cũng như các hoạt động kinh tế xã hội đều có hai mặt; mặt trái của FDI như đã đề cập ở trên không phải chỉ có ở Việt Nam, mà là tình trạng phổ biến của thế giới gắn với mặt trái của kinh tế thị trường và hiệu năng quản lý nhà nước. Lúc nào, nơi nào hiệu năng quản lý nhà nước cao thì lúc đó, nơi đó tác động tiêu cực của kinh tế thị trường nói chung và FDI nói riêng sẽ bị hạn chế. Những trường hợp điển hình về nhập khẩu thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chuyển giá, lậu thuế, đình công, lãn công đều có nguyên nhân quan trọng là buông lỏng quản lý nhà nước, thiếu hướng dẫn, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra để xử lý kịp thời những tình huống phát sinh. Không thể coi tác động tiêu cực FDI là định mệnh được.

Tôi khẳng định rằng thành tựu của đất nước trong 30 năm đổi mới và hội nhập có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế FDI: Thứ nhất, FDI đã tạo ra khoảng 22 – 25% tổng vốn đầu tư xã hội tính từ năm 1991 đến 2017 (27 năm), tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 161 tỷ USD. Năm 1996, đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định, giai đoạn 1991 - 1995 nếu không có FDI kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 5%/năm thôi, nhờ có FDI mà tăng trưởng lên đến 8,5%/năm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ hai, theo thống kê, FDI chiếm khoảng hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Những công trình lớn nhất từ dầu khí, công nghệ chế tạo, sắt thép, dầu đều là của FDI. Ở những nơi thu hút nhiều FDI như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Nguyên… thì khu vực FDI chiếm tới 70-80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đơn vị: Tỷ USD.

Cái được thứ ba là FDI tạo ra sự dịch chuyển các ngành nghề trong xã hội. Ví dụ, nếu như trước đây Bắc Ninh chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thì từ khi có Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác, đã có sự dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bắc Ninh hiện chỉ còn hơn 8% là nông nghiệp và đang trong quá trình chuyển mình từ tỉnh lên thành phố.

FDI cũng đã tạo ra công ăn việc làm cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp, qua đó góp phần hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghiệp, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam; thúc đẩy quá trình chuyển từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao.

Ngoài ra, FDI tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội. Bây giờ chúng ta có thể ngồi một chỗ và được thụ hưởng dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tiêu dùng… như ở Mỹ hay ở Pháp. Cách đây 10-15 năm làm gì có chuyện ấy!

 

Tôi thừa nhận tác động lan toả từ khu vực FDI sang các doanh nghiệp nội chưa được như kỳ vọng, nhưng nói không có là không đúng. Tôi lấy một ví dụ nhỏ, trước đây chúng ta đến nhiều khách sạn Việt Nam dù 3-4 sao nhưng thấy còn nhếch nhác. Nhưng từ khi các khách sạn có vốn nước ngoài vào Việt Nam, khách sạn Việt Nam đã buộc phải thay đổi.

Cách tiếp cận của người quản trị hay lao động cũng khác. Trước đây chúng ta hay có kiểu làm lô đầu rất tốt, còn lô sau thì kém dần, nhưng khi hợp tác với FDI thì không còn chuyện đó. Có nhiều tác động lan toả khác mà không thể định lượng được hết.

Nói doanh nghiệp FDI “chèn ép”
là quan điểm lệch lạc

Vậy theo ông, bất cập từ việc phát triển công nghiệp phụ trợ và tạo tác động lan toả đối với khu vực trong nước là do nguyên nhân gì?

Đừng ngồi điều hoà, sofa rồi than vãn tại sao ta mãi không phát triển được. Khi tổng kết 30 năm cũng cần có những thống kê làm rõ các vấn đề này để có định hướng rõ ràng hơn trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ.

GS. TSKH. Nguyễn Mại.

 

Để phát triển DN trong nước, chúng ta kỳ vọng vào chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ. Chúng ta rất muốn làm sao tác động đẩy DN Việt Nam lên tầm mới, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Thú thật, trước đây tôi cũng nằm trong số những người cho rằng FDI vào đây mà chẳng đem được tác động lan toả gì. Tuy nhiên, từ khi có câu chuyện này tôi đã bắt đầu nghĩ theo một hướng khác.

Như bạn biết, Samsung ở Bắc Ninh có 87 DN phụ trợ thì chỉ có 7 DN làm bao bì nhựa của Việt Nam thôi. Làm bao nhiêu cách rồi cũng không tăng được. Khi tìm hiểu chúng ta thấy một điều, đó là chỉ tầm 3-4 tháng Samsung lại thay một model mới. Những DN tham gia được vào chuỗi này cũng bị buộc phải thay đổi rất nhanh. Đây là một thách thức lớn đối với các DN Việt.

Đến khi Samsung vào TP.HCM làm điều hoà, tủ lạnh, tivi… thì hợp tác được hơn 200 DN Việt trong vòng có 2 năm, từ vendor cấp 1 đến cấp 2. Lúc đó mới ngỡ ra là một điều: khi đòi hỏi quá nhanh thì chúng ta khó theo, nhưng với những sản phẩm không chạy theo “mốt” trong 1 vài tháng như như tủ lạnh, điều hoà… thì DN Việt Nam có thể làm rất tốt.

DN từ câu chuyện này cũng tỉnh ngộ ra nhiều điều. Phải thấy rằng chúng ta đang ở trình độ còn chưa cao lắm, nên muốn làm công nghiệp hỗ trợ thì chúng ta phải biết những hạn chế của mình, từ đó mới biết có thể tham gia vào khâu nào trong chuỗi giá trị.

Đứng ở góc độ quản lý, Bộ Công thương phải là cơ quan hiểu rõ điều này nhất, từ đó có thể định hướng DN tham gia cho phù hợp. Sau khi tích trữ vốn liếng, kỹ năng rồi ngày càng tham gia sâu hơn.

Đừng ngồi điều hoà, sofa rồi than vãn tại sao ta mãi không phát triển được. Khi tổng kết 30 năm cũng cần có những thống kê làm rõ các vấn đề này để có định hướng rõ ràng hơn trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ.

Một số người ít lạc quan hơn còn cho rằng FDI đang chèn ép doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí có người còn đặt vấn đề “Ưu đãi Samsung tỷ đô nhưng thu thuế bà bún bò có công bằng?” để nói về những chính sách thuế? Ông nhận định như thế nào về việc này?

Hiện FDI chiếm đến 72% kim ngạch xuất khẩu, thị phần của DN trong nước chỉ có khoảng 28%. Vậy tôi sẽ bắt đầu từ con số 72% kim ngạch xuất khẩu để trả lời câu hỏi doanh nghiệp FDI có chèn ép doanh nghiệp trong nước không?

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nếu ai quan tâm đến số liệu xuất khẩu thì hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ nhận định này. Bởi, hiện nay mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng chế tạo, bao gồm hàng điện tử, điện thoại thông minh, máy tính bảng… và các mặt hàng chế tạo khác.

Như Samsung hiện nay xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, họ không chèn ép ai và cũng không ai thay thế được họ cả. Hơn nữa 35% kim ngạch xuất khẩu của Samsung là giá trị gia tăng trong nước.

Nói cách khác, nếu không có Samsung xuất khẩu 50 tỷ USD thì Việt Nam không có 50 tỷ USD này và cũng không có khoảng 17 tỷ USD xuất siêu của tập đoàn này. Dệt may da giày cũng vậy, nếu không có Nike và một số hãng nước ngoài khác thì làm gì có xuất khẩu dệt may năm nay trên 30 tỷ USD?

Tôi khẳng định, nếu chỉ doanh nghiệp dệt may trong nước gia công thì chắc chắn không thể có con số này! Cái mà người ta nói “chèn ép” hoàn toàn là quan điểm lệch lạc, chưa toàn diện.

Thứ hai, 9 tháng đầu năm 2017 chúng ta có 2 con số đáng quan tâm: khu vực FDI xuất siêu 17 tỷ USD nhưng DN trong nước nhập siêu 17,45 tỷ USD và tính chung cả nước chỉ nhập siêu 450 triệu USD. Nếu như không có 17 tỷ USD xuất siêu thì lấy đâu bù đắp nhập siêu của DN trong nước? Và không có nhập siêu thì lấy đâu máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất mà xuất khẩu hàng hoá? Như vậy, theo tôi FDI chẳng những không chèn ép mà còn hỗ trợ DN trong nước rất nhiều.

Từ năm 2005, ai nói FDI được ưu đãi nhiều hơn là không đúng. Từ năm 2005 khi có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp chung thì Nhà nước chỉ có 1 chính sách ưu đãi cho tất cả các doanh nghiệp, dự án đầu tư không phân biệt hình thức sử dụng. Một là, ưu đãi theo quy mô dự án, dù là Vingroup hay Samsung đều được hưởng ưu đãi như nhau nếu có quy mô tương đương.

Hai là, ưu đãi địa bàn đầu tư, DN mà chịu lên vùng sâu vùng xa làm dệt may thì được ưu đãi còn làm ở Hà Nội thì phải chịu thuế, dù anh là DN nội hay FDI.

Ba là, ưu đãi theo ngành và lĩnh vực. Bất kỳ DN nào đổ vốn các ngành công nghệ cao cũng được miễn thuế như nhau.

Nói “ưu đãi Samsung còn bắt bà bún bò nộp thuế” là cách nói tào lao! Samsung vào Bắc Ninh từ năm 2007, lúc đó vốn chỉ khoảng 650 triệu USD, sau đến năm 2012 tăng lên 1,5 tỷ USD. Thời điểm đó, nhiều người bắt đầu “xì xèo” chuyện Samsung chưa đóng góp gì cả nhưng được hưởng nhiều ưu ái. Lúc đó tôi nói, chúng ta phải công bằng một tý, Samsung đã lấy gì của chúng ta? Họ chỉ lấy 100ha đất của Bắc Ninh. 100 ha đất nếu nông dân đang làm thì được bao nhiêu? Nhưng với 100ha đất đó, những năm đầu Samsung nộp ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng (lúc đó chưa phải nộp thuế).

Bao nhiêu người dân Bắc Ninh đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho các nhà đầu tư như Samsung, Canon… từ thuê nhà, cắt tóc, lao động, cung ứng lương thực thực phẩm… Làm kinh tế phải phân tích số liệu chứ đừng nhận định chung chung. Đối với các nhà đầu tư FDI, nếu chúng ta không ưu đãi thì người ta đi nước khác. Chúng ta được chọn nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư cũng có quyền chọn địa điểm đầu tư. Vạ gì họ phải ở đây để chịu thiệt.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, không phải vì thế chúng ta dễ dãi trong chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư..

Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG – ĐÂU CHỈ FDI

Cũng có ý kiến cho rằng FDI không đưa vào Việt Nam công nghệ cao, phần lớn vẫn là công nghệ trung bình lạc hậu, thậm chí chỉ có 5-6% là công nghệ hiện đại… Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi không hiểu những con số đó người ta lấy ở đâu. Ai đưa ra con số thống kê 84% là công nghệ trung bình và lạc hậu, chỉ 6% là công nghệ hiện đại? Theo tôi không thể đưa ra con số thống kê về công nghệ một cách chung chung được. Cần có số liệu từng ngành, từng lĩnh vực.

Cho dù chưa thật hài lòng với kết quả chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý thông qua FDI, nhưng phải thừa nhận rằng, một số ngành công nghiệp, dịch vụ nước ta có được trình độ như hiện nay, trong đó có ngành đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, một phần quan trọng là do tác động của FDI. Do vậy, nếu nói rằng FDI không có tác động gì thì rõ ràng không khách quan.

Ví dụ như lĩnh vực dầu khí, ai đó có thể nói công nghệ khai thác thăm dò dầu khí của ta thua các nước, còn tôi thì không đồng ý. Thông qua hàng chục hợp đồng phân chia sản phẩm với những tập đoàn hàng đầu thế giới như BP, BHP, Shell, Total, Mitsubishi, PVN đã tiếp cận được công nghệ hiện đại trong thăm dò, khai thác, dịch vụ trên mặt đất và ngoài khơi, mỗi hợp đồng đều từ 2 đến 5 triệu USD để đào tạo cán bộ.

PVN không những đã có đủ năng lực quản trị và công nghệ để thăm dò, khai thác ngoài khơi của nước ta, mà còn hợp tác, đầu tư ở một số nước khác. Không có công nghệ thông qua FDI thì bao giờ được như vậy?!

Trong lĩnh vực viễn thông cũng vậy, trước đây công nghệ viễn thông của ta lạc hậu, cước phí đắt vào bậc nhất thế giới, bây giờ đã khác trước nhiều. Công nghệ 4G rồi sắp tới là 5G, Việt Nam đi rất nhanh trong ASEAN.

Trong vài năm gần đây, cũng như Samsung, một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, do đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam, đã thành lập nhiều trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển). Mặc dù hệ thống giáo dục còn nhiều nhược điểm, nhưng cán bộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, dạy nghề chỉ cần được bổ túc 3 - 6 tháng là đáp ứng được đòi hỏi về trình độ nghề nghiệp của các doanh nghiệp công nghệ, dịch vụ cao. Một tín hiệu đáng mừng là, từ các trung tâm đó, hàng vạn cán bộ khoa học và công nghệ trẻ được làm việc trong môi trường lý tưởng với thu nhập khá cao, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của đất nước.

Thu hút FDI là một kênh, chứ không phải là duy nhất về chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, không một nhà đầu tư nước ngoài nào sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, nếu điều đó không có lợi cho họ; chỉ khi nào nước nhận đầu tư có chính sách hấp dẫn và có phương thức để cán bộ khoa học, công nghệ học hỏi, tiếp thu, chuyển dần thành công nghệ của nước mình, thì mới có kết quả.

 
 

Không ít người bày tỏ lo ngại sau một loạt hiểm hoạ, sự cố về môi trường do các DN FDI gây ra?

Môi trường không phải là vấn đề chỉ riêng FDI hay riêng đối với bất kỳ DN nào, quốc gia nào mà là vấn đề cả nhân loại, vấn đề của toàn cầu.

GS. TSKH. Nguyễn Mại.

 

Thời gian qua có nhiều như sự cố môi trường rất lớn, để lại hậu quả vô cùng như Vedan “đầu độc” sông Thị Vải, sự cố Formosa làm ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung…

Nhưng sự cố môi trường phải nhìn nhận từ hai phía. Không chỉ DN nước ngoài mà DN trong nước cũng còn rất nhiều bật cập về vấn đề môi trường. Thời gian qua báo chí cũng đưa tin rất nhiều DN trong nước gây ra tác động môi trường.

Tôi nhấn mạnh, đây không phải là một vấn đề chỉ riêng FDI hay riêng đối với bất kỳ DN nào, quốc gia nào mà là vấn đề cả nhân loại, vấn đề của toàn cầu.

Đây là cuộc đấu tranh cam go giữa một bên là Nhà nước bảo vệ cho lợi ích chung của cộng đồng và một bên là lợi ích của nhà đầu tư. Do vậy, chừng nào Nhà nước giám sát còn lỏng lẻo, bất cập, thì còn xảy ra vấn đề môi trường, không chỉ FDI mà cả đối với khu vực trong nước. .

LÀM SAO ĐỂ VIỆT NAM CÓ NHIỀU
“CHÀNG RỂ” TỐT?

Ông từng nói thu hút FDI như “kén rể”. Vậy theo ông qua 30 năm nhìn lại, chúng ta cần sửa chữa những bất cập gì trong chính sách thu hút FDI để có được nhiều “chàng rể” tốt?

Theo tôi bất cập lớn nhất của chúng ta hiện nay là tốc độ thay đổi thể chế, chính sách còn chậm, chưa đáp ứng được thực tế.

Ba mươi năm thu hút FDI qua có thể phân chia làm 3 giai đoạn. Từ 1991 – 2000, có khoảng 15,2 tỷ USD vốn thực hiện. Trong giai đoạn 2001-2010, khoảng hơn 50 tỷ USD vốn thực hiện. Gộp 2 giai đoạn này (hơn 20 năm) chỉ được hơn 40% vốn thực hiện trong tổng số hơn 160 tỷ USD (30 năm). Còn lại giai đoạn 2011-2017 xấp xỉ 60% vốn thực hiện trong tổng số nói trên. Trong 7 năm gần đây có thay đổi rất cơ bản. Đáng lẽ để đón nguồn vốn khổng lồ như vậy, chúng ta cũng cần thay đổi chính sách để phù hợp, nhưng thực tế lại không được như vậy.

Bên cạnh đó, việc thu hút FDI phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh quốc tế. Trước đây không ai nghĩ Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu hút FDI nhưng giờ thì khác. Việt Nam, Indonesia là hai nước đứng đầu trong việc nhận vốn FDI chuyển ra khỏi Trung Quốc. Vậy cần làm gì để có thể tận dụng được những thay đổi này?

Tôi nhấn mạnh, việc thay đổi định hướng là rất quan trọng. Trong tổng kết 30 năm này sẽ phải có những định hướng mới để việc thu hút FDI có hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa cũng cần được đề cập. Đó là thời gian vừa qua chúng ta chấp nhận cả những dự án FDI có giá trị khoảng vài ba trăm nghìn, 1 – 2 triệu USD.

Số dự án nhỏ quá nhiều nhưng tại sao vẫn được chấp nhận. Việc thu hút FDI nhỏ như vậy là không cần thiết, những dự án quy mô nhỏ (trừ một vài lĩnh vực dịch vụ) như vậy doanh nghiệp trong nước thừa sức làm, cần gì phải thu hút FDI?

Trong 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, tổng số vốn đăng ký lên tới 300 tỷ USD nhưng số thực hiện thực chất chỉ là 160 tỷ USD? Con số này nói lên điều gì, thưa ông?

Đừng để con số thống kê ảo về FDI tồn tại trên giấy rồi gây ra ảo tưởng không có lợi.

Tôi đã nói rất nhiều về con số này. Tổng vốn đăng ký từ năm 1988 đến cuối năm 2016 là 300 tỷ USD. Cùng kỳ, vốn thực hiện chỉ đạt khoảng 160 tỷ USD. Như vậy, chênh lệch giữa vốn đăng ký với thực hiện là gần 50%.

Con số còn lại, 140 tỷ USD, phần lớn là con số ảo. Những con số này làm người ta nghĩ là chúng ta còn một lượng vốn không cần thu hút nữa thì đến 2025 vốn FDI vẫn còn rất tốt. Tôi đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư nên loại ra con số ảo này ra khỏi thống kê.

Thế giới người ta chỉ nói tới vốn thực hiện, không nói đến vốn đăng ký đâu. Nhân dịp 30 năm tổng kết, tôi cũng đề nghị nên chia con số ảo trên làm 3 loại: loại chủ đầu tư chắc chắn không còn nữa (khoảng 50-60 tỷ USD), loại thứ 2 là chủ đầu tư có vấn đề, các địa phương xem xét cân nhắc xem họ còn khó khăn không, nếu không còn khả năng nữa thì cần loại sớm (cũng vào khoảng 50 tỷ USD).

 

Như vậy, chỉ còn 40 tỷ USD nữa là còn khả năng thực hiện. Đối với con số này, giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư từng tỉnh làm việc với các chủ đầu tư để giải quyết rồi đưa vào thực hiện. Đừng để những con số thống kê này tồn tại trên giấy rồi gây ra ảo tưởng không có lợi.

Có ý kiến cho rằng hiện nay lương tối thiểu của chúng ta đang tăng nhanh hơn mức tăng của năng suất lao động. Do đó dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể bị chảy đi mất. Ông có nghĩ như vậy không? Giả sử nếu không còn hấp dẫn về chi phí nhân công giá rẻ thì chúng ta có gì hấp dẫn FDI?

Tôi ủng hộ bỏ lương tối thiểu, bởi vì chính sách lương tối thiểu không phù hợp với việc hài hòa lợi ích giữ chủ đầu tư và người lao động. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp thì mỗi lần tăng lương tối thiểu doanh nghiệp phải đóng thêm bảo hiểm xã hội và tiền nộp cho công đoàn, gây thêm khó khăn cho họ. Còn vấn đề lo ngại vì lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động làm ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài thì tôi cho rằng không có căn cứ.

Ví dụ như hiện nay Samsung đánh giá lao động Việt Nam có năng suất bằng 80% năng suất lao động của Hàn Quốc, trong khi lương họ trả cho người Việt Nam hiện nay trung bình 11 triệu đồng/tháng thì chỉ bằng 25% so với mức lương tương đương của người Hàn Quốc, do đó có lợi hơn thì họ vẫn đầu tư thôi.

Việt Nam có nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định. Chính phủ cũng liên tục khẳng định việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng nhất cho FDI. Điều này tạo sự an tâm cho nhà đầu tư, là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hấp dẫn họ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!