Bí quyết biến DN từ 2 tỷ đồng lên 2 tỷ USD của ông Nguyễn Đức Tài: Đừng bao giờ coi nhân viên là kẻ bán sức lao động, mà ông chủ giở đủ chiêu trò để mua với giá rẻ mạt
“Chiến lược của tôi là giữ người tài với chi phí cao nhất” – CEO TGDĐ Nguyễn Đức Tài.
“Profit sharing” và bài học chia cá cho thủy thủ đoàn
Chia sẻ về câu chuyện đổi mới sáng tạo mà mình tự hào nhất tại Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp này – cho biết đó là một chính sách được gọi là “Chính sách ra biển lớn”, được đưa ra vào năm 2009.
Theo chính sách này, doanh nghiệp giống như một chiếc tàu đánh cá: Người chủ tàu bỏ ra nhiều triệu USD mua tàu và một đoàn thủy thủ hàng trăm người cùng ngồi lên để lèo lái con tàu.
“Các bạn hãy hình dung nó như một con tàu đánh cá của Nhật Bản lênh đênh ngoài khơi 3 tháng trời. Khi tàu cập bến với cá đầy boong tàu, cá phải chia sao cho công bằng giữa người bỏ tiền mua tàu và 100 người thủy thủ đoàn 3 tháng trời ròng rã trên biển để đánh bắt cá”, ông Tài chia sẻ tại sự kiện “Văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp” do JCI Hà Nội tổ chức.
“Chính sách ra biển lớn” của Thế giới Di động xuất phát từ sự ghi nhận đó. Bản chất của chính sách này, chính ông Nguyễn Đức Tài sau này mới biết, là “profit sharing” – chia sẻ lợi nhuận giữa nhà đầu tư và nhân viên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Predict Wind.
“Đó là nét sáng tạo mà đến tận hôm nay tôi cho rằng không có nhiều doanh nghiệp dám theo đuổi. Bởi nếu nhìn vào sự chia sẻ đó thì sẽ thấy số tiền phải chi ra rất khủng khiếp”.
“Ví như năm vừa rồi, chúng tôi phát hành cổ phiếu thưởng 5%. Với một doanh nghiệp tỷ USD thì 5% là 50 triệu USD, tương đương cả ngàn tỷ đồng, để chia sẻ với nhân viên của mình. Đó là sáng tạo quan trọng nhất tạo ra những đột phá trong công ty này”, ông Tài nhìn nhận.
Đừng để quan hệ ông chủ - nhân viên thành quan hệ người mua – kẻ bán!
Rất nhiều lần ông Tài khẳng định chiến lược của ông là giữ người tài với chi phí cao nhất.
Ông cũng hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhìn thấu vấn đề nhân sự. Khi quan hệ giữa ông chủ và nhân viên là quan hệ mua bán – một người mua sức lao động, một người bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt.
Kẻ muốn mua rẻ thật thì phải có chiêu trò, kẻ muốn bán đắt cũng phải giở chiêu trò, và doanh nghiệp đó chỉ toàn một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau.
“Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ đó thành quan hệ đồng hành. Chúng ta cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh”, ông Tài nói.
“Người lao động là những người thực sự rất nhạy cảm. Họ biết đâu là chiêu trò giữ người, đâu là tấm lòng chia sẻ. Phần lớn nhân sự chỉ chỉ cho bạn chiêu trò để giữ người, còn tấm lòng thì chẳng ai dạy được ai”.
Ông Tài cho biết sáng tạo này đã mang lại giá trị rất lớn cho Thế giới Di động, giúp công ty này tăng trưởng rất nhanh.
Và khi lợi nhuận được chia sẻ công bằng, bất kỳ ai trong công ty có ý định làm gì gây ảnh hưởng đến kết quả hay lợi nhuận thì số đông còn lại sẽ không để yên. Bởi lúc đó, không phải anh đang làm ảnh hưởng đến ông chủ nào đó mà đang làm ảnh hưởng đến tài sản của chính những người lao động trong công ty.
“Đó là lý do tại sao Thế giới Di động có được những kết quả khác thường. Điều này những doanh nghiệp khác không dám làm, bởi lợi nhuận chia sẻ ra là quá lớn, nhưng chúng tôi làm”, ông Tài nhấn mạnh.
“Nếu bạn không sẵn lòng chia sẻ, hoặc như ông chủ tàu nói Không cần, mấy ông thủy thủ lấy đủ về nuôi vợ con là được rồi, còn bao nhiêu của chủ tàu hết. Như vậy sẽ tiêu hết!”
http://cafebiz.vn
Ý kiến của bạn