Ước vọng ở tuổi 60 của doanh nhân Đặng Văn Thành
Ba năm nữa, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công tròn 60 tuổi. Cũng khi ấy, ước vọng san bằng giá đường với Thái Lan và cạnh tranh sòng phẳng cùng các quốc gia khác có thể thành hiện thực.
Đá mòn mà tình có mòn đâu
Ông Đặng Văn Thành là một doanh nhân bản lĩnh, không ai phủ nhận điều đó.
Là người là có “máu” kinh doanh từ nhỏ, dù mọi thành viên khác trong gia đình đều không như vậy, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mới hơn 20 tuổi, ông Thành đã mở cơ sở sản xuất, kinh doanh cồn, mật rỉ... Đến nay, ông đã gây dựng nên một tập đoàn với 38 năm tuổi, tổng tài sản 39.200 tỷ đồng, hơn 10.000 cán bộ, nhân viên trong 5 lĩnh vực: nông nghiệp, bất động sản, giáo dục, du lịch và năng lượng.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công. Ảnh: Lê Toàn |
Năm 1991, ông Thành cùng một số người thành lập Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank). Chỉ 4 năm sau đó, ông trở thành Chủ tịch Sacombank ở tuổi 35. Ông cũng là người mở chi nhánh ngân hàng TMCP đầu tiên của Việt Nam tại Lào, Campuchia trong hai năm liên tiếp, 2008 và 2009.
Cùng với đó, một nước cờ lớn trong sự nghiệp của ông Đặng Văn Thành còn bắt nguồn từ việc mua lại 68,52% cổ phần tại Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh vào năm 2006. Việc này đã đưa ông thẳng tiến đến ghế Chủ tịch của công ty này. Có thể gọi đây là bước ngoặt, bởi lẽ, từ việc thâu tóm này, ông Đặng Văn Thành đã vạch ra một lộ trình mua bán - sáp nhập (M&A) bền bỉ trong ngành mía đường. Để tháng 10/2017, Tổng công ty lớn nhất ngành mía đường Việt Nam sẽ hình thành với doanh thu hàng năm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Đúng là vận may chỉ đến với những người biết hoạch định, còn vận rủi đến hết sức bất ngờ.
Vào thời điểm ông Thành mất quyền cổ đông chi phối Sacombank năm 2012, ngân hàng này có tổng tài sản hơn 140.000 tỷ đồng, 432 chi nhánh và điểm giao dịch. Sẽ không hay ho gì nếu mãi nhắc về quá khứ, nhưng từ sự việc này, thước đo bản lĩnh của ông Đặng Văn Thành càng thể hiện rõ.
Sau biến cố này, ông Thành trở nên kín tiếng, việc kinh doanh đều do vợ ông là bà Huỳnh Bích Ngọc và các con điều hành. Ở Thành Thành Công khi ấy vẫn có nhiều nhà điều hành nhiều tài năng, nhưng gia đình chính là "hậu phương", là điểm tựa đáng tin cậy, góp phần không nhỏ cho sự trở lại hai năm gần đây của ông Thành.
“Dù khó khăn đến mấy thì người doanh nhân vẫn phải đứng lên và đi tiếp, chứ không được cho phép mình kiệt sức hay dừng lại”, ông Đặng Văn Thành thổ lộ tại một diễn đàn.
Ông cũng xuất hiện nhiều hơn tại các sự kiện, nơi có hàng trăm người sẵn sàng nghe ông nói để học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp từ ông. Tại các buổi họp mặt thân mật, ông thích ngâm nga câu hát “Đá mòn mà tình có mòn đâu” trong bài hát “Thương hoài ngàn năm”. Ông bảo, thích bài hát này bởi con người sống ở đời phải có cái tình, chính cái tình sẽ là sợi dây liên kết những tấm lòng, những con người với nhau, cùng vượt qua khó khăn để tiến bước.
Có chứng kiến những hình ảnh ấy mới thấy, bản lĩnh của một doanh nhân càng thể hiện khi gặp biến cố và cách họ đã vượt qua.
Ngày trở lại
Thách thức lớn nhất, doanh nhân nào cũng phải đối mặt là phải luôn làm mới bản thân. Đặc biệt, với trường hợp của ông Đặng Văn Thành, sau khi con thuyền Sacombank tròng trành.
Khi trở lại thương trường, ông Thành lại tìm sức bật cho mình là nông nghiệp, cụ thể là mía đường. Kế hoạch M&A bền bỉ suốt 10 năm qua đã đi đến kết quả ấn tượng, quy mô của Thành Thành Công đã vượt biên giới khi chi 1.330 tỷ đồng để mua lại hoàn toàn mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. “Những gì Tập đoàn chưa làm được trong ngành mía đường tại Việt Nam sẽ áp dụng tại nhà máy và vùng nguyên liệu tại Lào”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, cách để ép mía ra vàng của Thành Thành Công là dung hòa mọi lợi ích của các bên tham gia. “Chúng tôi phải thực hiện chương trình nông dân có lời, nhà máy có lãi. Chúng tôi coi các hộ đầu tư là đối tác, là khách hàng để phục vụ. Mối quan hệ này hài hòa lợi ích giữa hai bên”, ông chia sẻ bên lề Hội nghị mía đường mà Tập đoàn vừa tổ chức.
Ba mắt xích quan trọng trong ngành lõi này của Thành Thành Công là đầu vào (cây mía), tổ chức sản xuất (công nghệ), thị trường (sản phẩm). Cách duy nhất để có thể cạnh tranh với các thương hiệu khác trong ngành, theo ông Thành, là giảm giá thành tối đa. Muốn thế, phải cơ giới hóa, tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất.
Nắm trong tay 40.000 ha vùng nguyên liệu trong và ngoài nước, ông Thành dự tính, mức độ cơ giới hóa sẽ đạt 100% trong 3 năm tới. Máy móc sẽ thu hoạch thay cho sức lao động, đồng thời tiết giảm chi phí vận chuyển. Thành Thành Công đã đầu tư máy cày lớn trên 200 mã lực, cày sâu 5 - 6 tấc, giúp phát huy dinh dưỡng từ đất, giúp cây mía sinh trưởng tốt, rễ bám sâu chống đổ ngã. Cùng với đó, Tập đoàn có phương pháp bón phân phù hợp yêu cầu theo từng giai đoạn sinh trưởng. Phương thức tưới mía đang áp dụng với các mô hình liên kết cùng 3.000 hộ nông dân tại các nông trường đưa năng suất tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với cách làm truyền thống. Áp dụng công nghệ tại vùng nguyên liệu giúp Thành Thành Công tăng năng suất từ 15 - 20%, trong khi chi phí sản xuất giảm 20%.
Ngoài ra, Thành Thành Công còn xây dựng và vận hành chương trình FRM để phân tích, chọn giống mía phù hợp với từng vùng đất, liều lượng phân bón cũng như cách tưới và theo dõi sản lượng đường để hệ thống báo cáo và xử lý kịp thời.
Ông Thành còn tiết lộ, trong năm nay, Tập đoàn sẽ thành lập Viện Nghiên cứu giống mía đường quy mô nhất Việt Nam.
Lần trở lại này của ông Thành không chỉ có mía đường, mà còn thêm lĩnh vực năng lượng tái tạo, ngành mà Thành Thành Công đã chú ý từ lâu. Đầu năm nay, Thành Thành Công tuyên bố sẽ bỏ ra 1 tỷ USD cho phát triển năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang chi phối, vận hành 19 nhà máy điện, 7 nhà máy điện sinh khối (đầu vào là bã mía), chiếm đến 63% công suất nhiệt điện của các nhà máy đường tại Việt Nam.
Nếu theo đúng kế hoạch của Thành Thành Công, từ quý IV/2017, dự án điện mặt trời đầu tiên sẽ được khởi công và 20 dự án khác trải dài tại các khu vực đã được chọn lựa sẽ nhanh chóng xuất hiện.
Ông Đặng Văn Thành cho biết, ông có niềm tin mạnh mẽ với năng lượng tái tạo như cách mà Tập đoàn đã gầy dựng với mía đường bấy lâu nay.
“Đã là doanh nhân thì việc đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì có thể hỗ trợ cho cán cân thương mại quốc gia là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nên khi làm gì, tôi cũng đam mê. Bí quyết của tôi là phải giữ được 3 yếu tố sau thì doanh nghiệp sẽ phát triển. Đó là quản trị phải minh bạch, kiểm soát có trách nhiệm và điều hành phải chuyên nghiệp”, Chủ tịch Thành Thành Công chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn