Cách quản lý tài chính cá nhân
Nếu thu nhập chỉ đủ sống, bạn nên chia tiền vào 6 tài khoản. Nếu thu nhập cao, hãy dành 50% cho tiêu dùng, 50% cho đầu tư.
Dưới đây là bài viết của chuyên gia đào tạo Marketing Nguyễn Vĩnh Cường, tập hợp lại những công thức quản lý tài chính cá nhân đã thành công trên thế giới:
Cách 1: Khi thu nhập thấp, chỉ đủ hoặc vẫn còn thiếu tiền cho các nhu cầu hằng ngày, hãy quản lý tiền theo "Công thức 6 cái lọ" của T.Harv Eker:
Tài khoản 1: Đầu tư - 10% thu nhập
Tài khoản này chỉ dùng để đầu tư, tuyệt đối không tiêu. Mục đích là để tiền đẻ ra tiền. Đầu tư coin, chứng khoán... thì lấy tiền ở đây, có ít thì đầu tư ít, chứ không phải cắm sổ đỏ, vay tín dụng để đầu tư.
Tài khoản 2: Tiêu dùng hằng ngày - 55% thu nhập
Dùng cho tất cả các khoản chi tiêu để duy trì cuộc sống hằng ngày của bạn: thuê nhà, đổ xăng, bỉm, sữa, thịt cá... Nếu nhu cầu chi tiêu vượt quá khả năng tài chính thì hoặc là cắt giảm nhu cầu, hoặc là tìm cách kiếm thêm tiền, tuyệt đối không được chuyển tiền từ các khoản khác qua.
Tài khoản 3: Tiêu dùng dài hạn - 10% thu nhập
Mua đồ đắt tiền như iPhone, nhà, xe, cho con đi du học... dùng tiền ở đây. Muốn mua cái iPhone 20 triệu thì phải kiếm được 200 triệu hãy mua.
Tài khoản 4: Học - 10% thu nhập
Nhiều người cho rằng học xong phổ thông, học xong đại học là dừng. Đây là một quan niệm rất sai lầm. Học là một phần của sự nghiệp và chúng ta có thể học cả đời.
Tài khoản 5: Hưởng thụ - 10% thu nhập
Chúng ta từng lớn lên bằng trừng phạt: Điểm kém bị phạt, làm gì sai bị phạt, thất bại bị phạt. Tổng các lần bị phạt kiến tạo nên con người chúng ta.
Chúng ta làm vì sợ bị phạt, lớn thì sợ bị chê cười... khiến chúng ta lết trên con đường sự nghiệp. Nhiều người sau này không còn bị ai trừng phạt nữa thì họ tự trừng phạt họ khi gặp thất bại: tự đau khổ, tự than vãn.
Năm mới, hãy đổi mới tư duy, thay vì chỉ lo phạt, ta hãy tự thưởng cho mình 10% thu nhập để ăn chơi, làm đẹp, đi du lịch, xem phim mỗi tháng. Ngược với tài khoản 1, khoản này phải tiêu hết vào cuối mỗi tháng.
Tài khoản 6: Cho đi - 5%
Thấy mình có ý nghĩa với người khác là một nhu cầu cực lớn của con người. Chúng ta thường trải qua cảm giác chán nản, lạc lối, mất phương hướng... vì thấy mình vô dụng.
Dùng 5% này để cho đi, không nhất thiết là từ thiện mà có thể là mua quà cho bạn bè, anh chị em, nhân viên, đồng nghiệp... để tự thấy mình có ý nghĩa với những người xung quanh. Lúc nào buồn, hãy tặng quà mọi người, nếu không có tiền, có thể giúp đỡ người khác... để thấy mình sống có ý nghĩa, từ đó niềm vui sống trở lại.
Quy tắc của công thức này là "chia tiền hằng ngày". Không có tiền để chia thì chia các số 0 để thấy xấu hổ, để tự vấn rằng hôm nay mình đã làm gì để phải chia các số 0 thế này. Xấu hổ rồi thì ngày mai sẽ không lười nữa mà sẽ tập trung vào kiếm tiền.
Cách 2: Nếu thu nhập cao, tiền có dấu hiệu dư thừa so với nhu cầu hằng ngày, bạn có thể áp dụng cách quản lý tài chính của Tony Robbins, chia thu nhập làm 2 phần cho tiêu dùng và đầu tư.
50% thu nhập sử dụng cho hoạt động tiêu dùng gồm tiêu dùng hàng ngày, tiêu dùng dài hạn, học, hưởng thụ, cho đi như công thức 6 cái lọ bên trên, chỉ trừ đi một lọ đầu tư.
50% thu nhập còn lại dành để đầu tư, con số này lại chia tiếp thành 3 khoản:
- 30% đầu tiên - Đầu tư mạo hiểm: Coin, lướt sóng chứng khoán... các phi vụ một vốn 10 lời thì dùng khoản này, mất thì thôi, không ảnh hưởng đến cuộc sống của ai.
- 30% tiếp theo - Đầu tư kinh doanh: Mở công ty, góp vốn, nhập hàng, buôn bán... dùng khoản này. Đầu tư kiểu này có rủi ro nhưng thấp.
- 40% còn lại - Đầu tư dài hạn: Mua đất, chứng khoán bluechip, mua vàng cất giữ... Khoản đầu tư này lợi nhuận cực thấp nhưng không bao giờ mất, có thể coi đây là của để dành.
http://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến của bạn