Cần một cách nhìn nhận mới về đề án “Quốc gia khởi nghiệp”
Nếu đặt mục tiêu trung bình mỗi năm từ 2016 - 2020 Việt Nam sẽ có thêm gần 100.000 doanh nghiệp (DN) thì những chuyện như để số lượng DN giải thể và ngưng hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2016 lên đến 20.000 DN là điều không thể chấp nhận được.
Một trong những thời điểm được người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chờ đợi nhất trong năm 2016 là mốc 1/7 - thời điểm theo luật Đầu tư sẽ có khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh trái phép bị gỡ bỏ. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong quá trình cải cách nền kinh tế, với mục tiêu là đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp (DN) theo nội dung của đề án “Quốc gia khởi nghiệp”.
Xét về khía cạnh truyền thông, đề án “Quốc gia khởi nghiệp” có thể xem như một slogan thành công, khi nó đem lại nhiều hứng khởi cho người dân và các DN khi được đích thân Nhà nước và Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh và nhất là khởi nghiệp tại Việt Nam tốt nhất có thể. Nhưng để biến câu slogan thành một kế hoạch thực sự có khả năng thực hiện lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Liệu, có phải đã đến lúc Việt Nam cần một cách nhìn nhận mới về đề án “Quốc gia khởi nghiệp”?
Có rất nhiều điều để nói về đề án “Quốc gia khởi nghiệp” đầy tham vọng mà Chính phủ triển khai cách đây ít tháng. Về cơ bản, đó chắc chắn là một tín hiệu vui, khi lần đầu tiên Chính phủ triển khai một kế hoạch thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là khuyến khích khởi nghiệp một cách quy mô như vậy.
Nhưng vui đến mức độ nào lại tùy thuộc vào cách nhìn nhận. Xét trên khía cạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đề án “Quốc gia khởi nghiệp” có thể xem là một liều thuốc tăng lực quan trọng và cần thiết với cộng đồng DN Việt Nam. Với mục tiêu đề ra là Việt Nam đến năm 2020 có khoảng 1 triệu DN (từ mức 530.000 - 560.000 DN hiện nay) đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhưng với mục tiêu từ 2016 đến 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm gần 100.000 DN thì những chuyện như để số lượng DN giải thể và ngưng hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2016 lên đến 20.000 DN là không thể chấp nhận được và không thể tiếp tục tái diễn. Nếu Chính phủ thực sự nghiêm túc thực hiện đề án “Quốc gia khởi nghiệp”, có thể tin rằng số lượng các DN giải thể và ngưng hoạt động hàng tháng sẽ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh nhất có thể, những mục tiêu mà đề án “Quốc gia khởi nghiệp” đặt ra chưa hẳn đã là tốt nhất. Đúng là hiện số lượng DN trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khá thấp (trên 500.000 DN) và cần phải gia tăng số lượng như mục tiêu mà đề án; nhưng sức mạnh của một nền kinh tế lại có xu hướng phụ thuộc vào chất lượng các DN hơn là về số lượng.
Như câu chuyện như chỉ một mình tập đoàn Samsung đã đóng góp tới gần 20% GDP cho Hàn Quốc một năm là ví dụ điển hình cho việc chất lượng các DN có thể tác động tới sức mạnh nền kinh tế quốc gia lớn như thế nào. Vì thế, nếu đặt mục tiêu cao nhất là thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển nhanh nhất có thể, vấn đề tạo điều kiện thúc đẩy cho các DN đang hoạt động lớn mạnh hơn về quy mô có lẽ quan trọng hơn là chạy theo việc gia tăng DN về số lượng.
Hơn nữa, nếu so sánh với các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới thì số lượng trên 500.000 DN của Việt Nam cũng không hẳn là nhỏ đến mức cần thiết phải gia tăng số lượng bằng mọi cách.
Một ví dụ điển hình là nước Anh, quốc gia có nền kinh tế phát triển số 5 thế giới. Theo số liệu thống kê chính thức của nước Anh, quốc gia này hiện có khoảng 5,4 triệu DN trên dân số khoảng 65 triệu người, tức là cứ khoảng 12 người dân thì có một DN. Tương tự là ở Mỹ, tổng cộng Mỹ đang có khoảng 28,7 triệu DN trên dân số khoảng 315 triệu người, tức là cứ khoảng 11 người dân thì có một DN. Còn tại Việt Nam hiện có khoảng trên 500.000 DN với dân số khoảng 90 triệu người, nghĩa gần 200 người thì có 1 DN, tỷ lệ khá chênh lệch so với Anh và Mỹ.
Tuy nhiên, sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ người dân/DN đó chủ yếu là do sự khác biệt về cách tính toán. Vì trong tổng số 5,4 triệu DN ở nước Anh đã có tới 4,1 triệu DN thuộc diện DN không tuyển dụng, theo cách nói của Việt Nam là hộ kinh doanh cá thể và theo cách tính của Việt Nam thì không xếp vào diện được coi là DN. Nói cách khác, nếu tính theo cách của Việt Nam, Anh chỉ có khoảng 1,3 triệu DN tức chỉ hơn Việt Nam khoảng 2,5 lần mà thôi. Tương tự là Mỹ, nếu trừ đi số DN thuộc diện hộ kinh doanh cá thể, thì trong tổng số 28,7 triệu DN thì cũng có tới 23 triệu DN là thuộc diện hộ kinh doanh cá thể. Và nếu tính theo chuẩn Việt Nam thì Mỹ cũng chỉ có khoảng 5,7 triệu DN mà thôi. Việc nền kinh tế số một thế giới có số DN gấp khoảng 10 lần so với một nước có thu nhập trung bình như Việt Nam là điều dễ hiểu.
Còn nếu tính theo chuẩn quốc tế tức là xếp loại hình hộ kinh doanh cá thể thành DN như Anh và Mỹ vẫn làm, Việt Nam ngoài con số trên 500.000 DN còn có thêm khoảng gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể nữa. Tính tổng cộng Việt Nam sẽ có khoảng gần 5,5 triệu DN, xét trên dân số 90 triệu người thì sẽ có tỷ lệ. Trong đó, Việt Nam cứ 16 - 17 người là lại có một DN, tỷ lệ này cũng gần với tỷ lệ 12/1 ở Anh và 11/1 ở Mỹ.
Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là số lượng DN ở Việt Nam không hề ít hơn so với ở Anh hay Mỹ xét theo tỷ lệ dân số. Và chúng ta cũng không nhất thiết phải tìm cách gia tăng số lượng DN lên cao nhất có thể như ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, không khó để nhận ra rằng, chất lượng và quy mô của các DN mới là yếu tố nền tảng để tạo nên sức mạnh nền kinh tế quốc gia. Ngoài câu chuyện một mình Samsung đóng góp tới 20% GDP hàng năm cho Hàn Quốc, hay các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sony hay Toyota, số 5,7 triệu DN ở Mỹ cũng chiếm tới 96% tổng doanh thu (trong khi 23 triệu DN không tuyển dụng chỉ tạo ra 4% mà thôi). Ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, mức đóng góp cho ngân sách của một mình tổng công ty Sabeco năm 2015 cũng đã lớn hơn mức của thành phố được xem là lớn thứ ba của đất nước là Đà Nẵng.
Vì thế, rõ ràng ở thời điểm hiện tại, việc tìm cách nâng cao quy mô và chất lượng hoạt động của các DN có sẵn quan trọng hơn nhiều so với việc tìm cách gia tăng số lượng DN lên cao nhất như mục tiêu của đề án “Quốc gia khởi nghiệp”. Bởi trong tổng số trên 500.000 DN hiện nay ở Việt Nam, có đến 96% là thuộc diện DN nhỏ và siêu nhỏ, có mức tác động thấp tới sức mạnh kinh tế quốc gia. Nếu tìm cách gia tăng số lượng DN bằng mọi giá và quên đi việc tìm cách đẩy mạnh quy mô và chất lượng hoạt động, thì dù Việt Nam có gấp đôi số DN vào năm 2020 thì cái chúng ta có được cũng chỉ là tăng gấp đôi số lượng DN thuộc diện quy mô nhỏ và siêu nhỏ mà thôi.
Hơn nữa, dễ dàng nhận ra rằng 5 năm (từ 2016 đến 2020) là khoảng thời gian quá ngắn để các DN mới thành lập có hiệu quả thực tế. Trung bình một DN mới thành lập cần 2 - 3 năm, thậm chí là 4 - 5 năm mới có thể bắt đầu hoạt động ổn định. So về giá trị thực tế, như tuyển dụng lao động hay đóng thuế cho Nhà nước thì các DN có sẵn vẫn cao hơn nhiều. Vì thế việc thúc đẩy và nâng cao quy mô và chất lượng hoạt động của các DN có sẵn sẽ đem lại hiệu quả thực tế cao hơn rất nhiều so với việc đặt trọng tâm vào việc thành lập các DN mới.
Dĩ nhiên, khởi nghiệp là một yếu tố rất quan trọng với một nền kinh tế, nhưng có lẽ chúng ta nên xem đề án “Quốc gia khởi nghiệp” như một nỗ lực tạo hứng khởi và kích thích các DN và người dân đầu tư và kinh doanh mạnh mẽ hơn, hơn là chỉ chăm chăm vào yếu tố khởi nghiệp.
Theo Một Thế Giới
Ý kiến của bạn