Chi phí không chính thức phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh
Nói đến chi phí của doanh nghiệp thì tăng là từ quen thuộc, chứ giảm là từ xa lạ...
Theo nghiên cứu của CIEM thì chi phí không chính thức rất lớn, có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật.
“Chúng tôi điều tra nhiều năm liền thì chi phí không chính thức hầu như giảm không đáng kể, mà doanh nghiệp nhỏ lại phải chi nhiều hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói tại một hội thảo về chủ đề cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 24/8.
Nhiều ý kiến tại đây nhấn mạnh, chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh, và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật.
Đủ loại chi phí
Trong phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM nói rằng giảm chi phí cho doanh nghiệp là vấn đề đầy thách thức của Việt Nam.
“Hiện tại thì chưa thể đong đếm đầy đủ, nhưng hệ quả của nó rất lớn, nền kinh tế có chi phí cao thì rất khó cạnh tranh”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Trình bày nghiên cứu của CIEM về chủ đề hội thảo, ông Đặng Quang Vinh - Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - đã chỉ ra nhiều chi phí tuân thủ pháp luật bất hợp lý làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, từ khi khởi sự doanh nghiệp.
“Chi phí tuân thủ pháp luật trong nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện rất bất hợp lý”, ông Vinh nói và nêu lại con số gần 2.000 điều kiện kinh doanh đang được cơ quan này đề nghị bãi bỏ.
Về chi phí vốn, ông Vinh lưu ý yếu tố lãi suất cho vay cao khiến doanh nghiệp kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khu vực tư nhân khó khăn trong tiếp cận vốn vay chính thức.
“Nợ xấu chưa được giải quyết một cách căn bản, ngân hàng thương mại vẫn phải tiêu tốn cho dự phòng”, ông Vinh nêu nguyên nhân.
Thách thức với doanh nghiệp Việt còn ở chi phí lao động khi mà lương tối thiểu tăng nhanh và tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động.
Báo cáo của CIEM chỉ ra, quy định phí công đoàn (2% quỹ lương) khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng thêm phí công đoàn mặc dù không có công đoàn cơ sở-.
Nghiên cứu của CIEM cũng nêu nhiều chi phí khác đang là gánh nặng của doanh nghiệp, từ tuân thủ quy định về an toàn và chất lượng, phòng chống cháy nổ, hải quan và logicstic, thủ tục nộp thuế và hoàn thuế...
Đề cập đến vấn đề đang rất nóng liên quan đến BOT, ông Vinh phản ánh ý kiến từ doanh nghiệp là chi phí vận tải đường bộ, đặc biệt đường BOT ngày càng tăng.
Một trong những nguyên nhân được ông Vinh đề cập là quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp có dự án BOT vay vốn quá nhiều (đến 90%) và không buộc đấu thầu chọn nhà thầu thi công. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp BOT lãi 11% trên tổng dự toán đầu tư khi chưa có kết quả quyết toán và kiểm toán công trình.
“Có dự án BOT còn được thu phí trước để tạo nguồn cho giai đoạn sau”, ông Vinh nói.
Giải pháp được CIEM đề nghị là cần sửa Nghị định 15/2015/NĐ-CP, bắt buộc đấu thầu xây dựng dự án BOT, chỉ chấp nhận vốn vay tối đa 70%, vốn sở hữu phải có nguồn gốc rõ ràng.
Giảm là chuyện... lạ
Bình luận chủ đề hội thảo là vấn đề đang rất nóng, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, có doanh nhân khái quát là nói đến chi phí của doanh nghiệp thì tăng là từ quen thuộc, chứ giảm là từ xa lạ.
Nêu một loạt con số so sánh với nhiều nước trong khu vực, ông Tuấn nhìn nhận, từ chi phí vốn, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn... đều là gánh nặng của doanh nghiệp Việt.
Phí công đoàn rất nhạy cảm, đây là đặc thù của Việt Nam, chả nước nào phải đóng, chiếm đến 2% tổng quỹ lương nhưng sử dụng thế nào thì không rõ - ông Tuấn bình luận.
Về chi phí tuân thủ pháp luật, ông Tuấn nêu ví dụ rất vô lý là có cơ quan nhà nước bắt doanh nghiệp khi đến làm thủ tục phải nộp chính loại giấy tờ do chính cơ quan này ban hành.
Liên quan đến chi phí không chính thức, ông Tuấn cho rằng đây là chi phí rất phổ biến, chắc không ai liệt kê được hết.
“Chúng tôi điều tra nhiều năm liền thì chi phí không chính thức hầu như giảm không đáng kể, mà doanh nghiệp nhỏ lại phải chi nhiều hơn”, ông Tuấn cho biết.
Gánh nặng khác cũng được ông Tuấn đề cập là tiền thuê đất một số địa phương tăng đến 4- 5 lần, có doanh nghiệp phản ánh họ phải chịu tiền thuê đất tăng đến 14 lần. Như thế thì không có một kế hoạch kinh doanh nào có thể trụ được.
Góp ý về giải pháp, ông Tuấn cho rằng cần có sự rà soát chi phí từ thực tiễn chứ không phải trên chính sách, vì khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn là rất lớn.
Vị Trưởng ban Pháp chế VCCI góp ý, cần có kiểm toán xem các chi phí của doanh nghiệp đã hợp lý chưa. Trong cải cách hành chính thì cần chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, một giải pháp đột phá là có thể kết hợp thu thuế với bảo hiểm xã hội.
http://vneconomy.vn
Ý kiến của bạn