Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, hiện tượng này đã diễn ra từ khá lâu, nhưng có 2 vấn đề lớn xảy ra trong 2 năm gần đây từ việc DN gỗ Trung Quốc tràn sang Việt Nam. Thứ nhất, từ 2015 Trung Quốc đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc. Thứ hai, Trung Quốc cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Trong khi mỗi năm thị trường này tiêu thụ khoảng 200 triệu/m3 gỗ, việc này đã dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu gỗ và họ phải đi “càn quét” các nước xung quanh.

- Điều này ảnh hưởng như thế nào đến DN chế biến gỗ Việt Nam, thưa ông?

Điều này dẫn đến việc thời gian qua Việt Nam nhập nguyên liệu gỗ rất khó khăn. Việt Nam mua ở đâu thì Trung Quốc cũng tranh mua ở đấy.

  VIFORES đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạm thời ngừng xuất khẩu một số loại gỗ, nhưng chưa có kết quả.

Ngoài việc chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, còn có hiện tượng DN gỗ Trung Quốc áp dụng biện pháp tạm nhập hàng hóa ở Việt Nam và tái xuất để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm xuất khẩu đi nước khác, trong đó có Mỹ.

- Được biết, Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này?

Cuối năm 2016 Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) đã phối hợp với các hiệp hội gỗ trong cả nước như Bình Định, Bình Dương, TP HCM… tổ chức gặp gỡ với hơn 150 DN để cùng nhau phản ánh tình hình DN Trung Quốc sang mua vét gỗ của Việt Nam từ gỗ rừng trồng đến gỗ cao su với tinh thần rất “quyết liệt”, giá nào cũng mua, gỗ gì cũng lấy. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạm thời ngừng xuất khẩu các loại gỗ này. Nhưng đến giờ phút này Bộ Nông nghiệp mới chỉ đang trình lên Chính phủ và kết quả như thế nào thì vẫn chưa biết. Phản ứng của Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề này quá chậm.

Sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của DN chế biến gỗ Trung Quốc diễn ra nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại nếu Việt Nam là thành viên của TPP. Nhưng trước thông tin Mỹ không tham gia vào TPP, thì một số DN chế biến gỗ Trung Quốc vẫn dịch chuyển đầu tư sản xuất sang Việt Nam.

- Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

Việc kêu gọi DN FDI vào lĩnh vực gỗ, chúng tôi có kiến nghị với Chính phủ 3 vấn đề, nhưng đến nay vẫn chưa được giải đáp. Thứ nhất, phải đánh giá lại FDI vào Việt Nam hiện nay như thế nào. Bởi chúng ta đã ưu đãi rất nhiều cho các DN FDI, trong khi không ưu đãi nhiều cho các DN trong nước. Những năm trước đây chúng ta kêu gọi và ưu đãi cho FDI là đúng đắn, nhưng đến bây giờ cần phải xem lại ưu và nhược từ những chính đó có tác động tích cực hay tiêu cực không. Lo ngại lớn nhất từ các DN FDI là họ tự cho mình quyền được trở thành những “ốc đảo”, rất khó tiếp cận. Mục đích chúng ta mời gọi FDI vào là để được tiếp cận vốn, thị trường, công nghệ… nhưng thực tế lại không làm được điều này.

Thứ hai, phải yêu cầu DN FDI có sự liên kết với DN Việt Nam. Thứ ba, cần đánh giá và chỉ cho phép DN FDI vào đầu tư mà Việt Nam cũng được hưởng lợi ích, không làm ảnh hưởng cũng như gây khó khăn cho DN trong nước. Nếu DN FDI Trung Quốc vào nhiều thì việc thu mua nguyên liệu của DN trong nước còn khó khăn hơn gấp bội. Vì họ “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, trong khi DN của chúng ta quá nhỏ bé, khả năng cạnh tranh với họ là điều khó khăn.

- Giới phân tích nhận định, việc các DN gỗ Trung Quốc “càn quét” như thế, rất có thể khiến các DN Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá nếu xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Mỹ tăng quá nhanh ?

Điều này rất có thể xảy ra. Vì từ năm 2000 trở về trước, Mỹ đã xử lý rất nhiều vụ bán phá giá với hàng hóa Trung Quốc, nhưng Việt Nam thì rất ít. Nhưng bây giờ dòng chảy FDI Trung Quốc vào Việt Nam quá nhiều thì đây có thể là nguy cơ cao, vì hiện nay vẫn chưa biết quy mô nhà nước cho phép DN FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với công suất bao nhiêu m3/năm. Nếu tỉ trọng quá lớn và áp đảo DN gỗ Việt Nam thì nguy cơ Việt Nam bị kiện bán phá giá là điều khó tránh khỏi.

- Xin cảm ơn ông!