Màn "lấn sân" táo bạo
Giữa tháng 8/2017, Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã CK: DGW) chính thức ra mắt sản phẩm thực phẩm chức năng đầu tiên, đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc “lấn sân” vào ngành hàng chăm sóc sức khoẻ.
Dù chân ướt chân ráo tham gia ngành hàng mới nhưng Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt cho biết, biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn cuối năm ước tính khoảng 65%, cao gấp 10 lần hoạt động kinh doanh chủ lực hiện nay là phân phối máy tính xách tay.
Chia sẻ về lý do tham gia ngành hàng này, ông Việt cho biết, thị trường dược phẩm của Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng mức độ phân mảnh tương đối cao, nhiều sản phẩm chất lượng tốt nhưng không thể đến tay người tiêu dùng do khả năng phát triển thị trường của các hãng dược phẩm còn yếu. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ trên thu nhập bình quân cao nhất khu vực Đông Nam Á, khoảng 5,8%.
Digiworld nhắm đến phân khúc khách hàng mục tiêu là tầng lớp trung lưu. Đây là đối tượng sẽ tăng từ 12 triệu người trong năm 2015 lên 33 triệu người trong năm 2020, tạo nên quy mô thị trường khoảng 24 tỷ USD.
Tham vọng lớn là vậy nhưng chính doanh số của hoạt động kinh doanh chính của Digiworld - phân phối thiết bị điện tử - lại đang có xu hướng đi xuống kể từ năm 2015, sau khi Microsoft Nokia thay đổi chiến lược kinh doanh chuyển từ phần cứng sang phần mềm. Cho đến 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Digiworld tiếp tục giảm lần lượt 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
"Cuộc chiến" khốc liệt
Dự kiến ngành hàng chăm sóc sức khoẻ đóng góp khoảng 80 tỷ đồng vào tổng doanh thu năm nay và cán mốc 1.000 tỷ đồng trong hai năm tới.
Theo con số mà Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ) đưa ra vào năm giữa năm 2016 rằng tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 33 triệu người, tương đương 1/3 dân số đất nước trong khoảng thời gian từ 2014 – 2020.
Khi thu nhập được cải thiện thì nhận thức về sức khỏe ngày càng cao, dân gian vốn có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đây chính là cơ hội cho thị trường thực phẩm chức năng phát triển.
Theo báo cáo thị trường sản phẩm thực phẩm chức năng toàn cầu, thị trường thực phẩm chức năng năm 2016 đạt 195 tỷ USD và được dự báo sẽ đạt mức 340 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng 74,3%. Tỷ lệ tăng trưởng kép giai đoạn 2016 – 2024 của thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu ước đạt 7,2% và cho riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt 7,6%.
Ở thị trường Việt Nam, thực phẩm đã phát triển rất nhanh khi năm 2000 mới có 63 sản phẩm và 13 cơ sở sản xuất kinh doanh thì tới nay đã có 3.600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, với 57% sản phẩm sản xuất trong nước và hơn 90% nhà thuốc đang bán thực phẩm chức năng.
Dường như nhận thức được điều này, các doanh nghiệp dược phẩm lớn đều có định hướng mở rộng hơn nữa ngành hàng đầy tiềm năng này.
Đơn cử, CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) trong nhiều năm trước mảng dược phẩm luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng doanh thu với trên 80% tuy nhiên 2 năm gần đây thì dần nhường bớt chỗ cho mảng kinh doanh thực phẩm chức năng và lĩnh vực kinh doanh khác. Trong năm 2016, Công ty ghi nhận tỷ trọng doanh thu từ dược phẩm giảm từ 68,9% xuống 65,6% nhưng doanh thu mảng thực phẩm chức năng lại tăng mạnh từ 6,3% lên 10,2%. Danh mục sản phẩm DHG đăng ký cũng giảm về dược phẩm và tăng mạnh về thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, trong đó, dược phẩm giảm từ 234 xuống 220 số đăng ký và thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm tăng từ 45 lên 67 số đăng ký.
Theo chiến lược và kế hoạch phát triển sản phẩm đến năm 2020, DHG đặt mục tiêu nhóm thực phẩm và dược mỹ phẩm sẽ chiếm khoảng 12% trong tổng doanh thu thuần.
Trong khi đó, CTCP Traphaco (HOSE: TRA) không thể hiện rõ mảng thực phẩm chức năng đóng góp thế nào trong kết quả kinh doanh, song trong chiến lược năm 2017, Công ty cho biết tiếp tục triển khai phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng của Natural Factors – Canada. Các sản phẩm mà Công ty cung cấp như dưỡng tâm an thần Trasleepy, bổ sung Calci từ Tảo biển đỏ Seacan, cốm vi sinh…
Một số nhà đầu tư cho rằng, thị trường dược phẩm là "mảnh đất hoang dã" chưa được khai khác nhiều nên ngày càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào. Nếu không tính đến hoạt động sản xuất thì hoạt động phân phối dược phẩm đang được “quản lý chặt mà không chặt”, nhất là với nhóm thực phẩm chức năng nên người tiêu dùng chủ yếu lựa chọn dựa trên lòng tin vào thương hiệu.
Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kế hoạch mở rộng ngành hàng chăm sóc sức khoẻ trong giai đoạn đầu sẽ khiến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng vọt, trong khi doanh thu ghi nhận không đáng kể. Dù một số chi phí như kho bãi, vận tải… được tiết kiệm, nhưng công ty phải đầu tư khoản tiền lớn cho việc xây dựng đội ngũ trình dược viên chuyên biệt.
Vốn là nhà phân phối và cung cấp dịch vụ phát triển thị trường có kinh nghiệm 2 thập kỷ qua nhưng lĩnh vực chủ yếu của Digiworld là lĩnh vực công nghệ. "Lấn sân" sang thực phẩm chức năng, Digiworld liệu có tận dụng được thế mạnh để chiến thắng hay sẽ bị nhấn chìm bởi cuộc chiến khốc liệt trong "mê cung" thực phẩm chức năng?
Ý kiến của bạn