Đã xác định thủ phạm, nhưng vẫn phải cảnh giác về ẩn họa môi trường.
Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)
Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế làm hải sản chết đồng loạt, bất thường. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá chết hàng loạt, cá đánh bắt ngoài khơi xa bờ cũng không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt...gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh xã hội, gây hoang mang, lo lắng không chỉ dư luận miền Trung mà cả nước và bạn bè quốc tế cùng quan tâm.
Ban đầu, nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết được đưa ra, tập trung vào hai nhóm là tảo đỏ và độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người. Trong số các nguồn xả thải gần khu vực Vũng Áng, cái tên được nhắc đến nhiều lần là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa). Ngư dân và các nhà khoa học nghi vấn hệ thống xả thải ngầm không đảm bảo và nhiều phụ phẩm độc hại của Formosa là nguyên nhân chính khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt.
Trong cuộc họp báo quốc tế chiều 30/6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Các cơ quan đã xác định Công ty gang thép Formosa có xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, ôxit sắt. Quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp Formosa là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường.
Sau khi nghe thông báo của Bộ Trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, niềm tin của người dân cả nước và các nhà khoa học như vỡ òa, niềm tin ở khoa học, tin ở công lý, tin ở lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là trong tháng 6 sẽ công bố kết luận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết bất thường dọc biển 4 tỉnh miền Trung đã thành sự thật.
Thông báo nêu kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua. Như vậy, nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua đã được xác định là do Công ty gang thép Formosa xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, ôxit sắt. Công ty Formosa Hà tĩnh cũng thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển thời gian vừa qua và đã cam kết bồi thường cho người dân xử lý phục hồi môi trường và khắc phục triệt để các tồn tại của hệ thống xử lý nước thải, công nghệ sản xuất để đảm bảo chất lượng xả thải theo yêu cầu, không để tái diễn tình trạng vừa qua..
Niềm tin của người dân đã được khảng định qua sự đồng thuận, nhất trí với kết luận nguyên nhân gây cá chết và cách giải quyết sự cố môi trường vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ, ngành, nhà khoa học..
Qua sự cố môi trường ở Formosa Hà Tĩnh, cũng cần có kiểm điểm và rút kinh nghiệm nghiêm túc trong các cơ quan quản lý môi trường và chính quyền các cấp và cũng không thể chủ quan Formosa Hà Tĩnh sẽ hết vi phạm. Chúng ta đều biết, Formosa là nhà máy luyện gang thép, nên phải dùng than mỡ để luyện coke cho lò cao. Nhu cầu than mỡ hàng năm phải nhập khẩu là 3,623 triệu tấn để luyện ra 2,52 triệu tấn coke (theo Thuyết minh tổng hợp). Ngoài ra, hàng năm Formosa phải sử dụng khoảng 0,642 triệu tấn dolomit; 1,442 triệu tấn đá vôi, và 1,296 triệu tấn than cám. Quy trình luyện coke thải ra rất nhiều độc tố vì than mỡ dùng để luyện coke thường có chứa các chất rất độc hại và nguy hiểm, như: sulphure (≈ 0,3%) chlorine (≈0,03%), phosphorous (≈0,001%); và arsenic (≈0,004%).
Như vậy, Chỉ riêng 3 loại chất cực độc (là chlorine, phosphorous, và arsenic) chứa trong than mỡ đã khoảng 0,035%. Với lượng tiêu dùng 3,623 triệu tấn/năm, chỉ riêng khâu luyện coke sẽ thải ra môi trường dưới mọi hình thức ít nhất 1.268 tấn/năm chất cực độc nói trên. Đáng lưu ý, những loại than dùng để luyện coke được Formosa đã nhập về VN đều là những loại than rẻ tiền. Thay vì nhập khẩu than mỡ, Formosa đã nhập khẩu than bitum vào VN để luyện coke. Cụ thể, năm 2014, Formosa đã nhập khẩu 960.466 tấn than bitum từ Indonesia với giá bình quân gần 84 U$/tấn và năm 2015, Formosa đã nhập khẩu 87.923 tấn than bitum từ Canada để luyện coke với giá bình quân 82 U$/tấn. Các thành phần độc tố nói trên trong các loại than bitum rẻ tiền này chắc chắn còn cao hơn nhiều so với trong than mỡ đắt tiền (khoảng 200 U$/tấn).
Nhà máy luyện coke của Formosa theo thiết kế có công suất 2,86 triệu tấn/năm. Như vậy, cũng theo thiết kế, lượng khí lò coke (COG) hàng năm lên tới 1,4 tỷ Nm3 (trong điều kiện bình thường) và thải ra khoảng 1,1 triệu tấn xỉ/năm. Ngoài than luyện coke, nhà máy này còn phải sử dụng 1.906 tấn dầu rửa/năm....Như vậy, nguy cơ tiềm ẩn về môi trường ở Formosa Hà Tĩnh vẫn có thể sảy ra bất cứ lúc nào, nếu các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp lơ là, chủ quan.
TS. Trần Duy Khanh
* Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC
Ý kiến của bạn