Thực ra, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp lớn đã hợp tác từ rất sớm và chuyên sâu với trường học. Đơn cử như câu chuyện hợp tác giữa công ty IBM với phòng thí nghiệm Zurich năm 1956, Trung tâm “Binnig and Rohrer Nanotechnology” năm 2011, thu được nhiều kết quả rất quan trọng.

p/Rạng Đông và ĐH Bách khoa Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện từ năm 2010. Ảnh: S.T

Rạng Đông và ĐH Bách khoa Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện từ năm 2010. Ảnh: S.T

Còn tại Việt Nam, hợp tác doanh nghiệp - nhà trường mới chủ yếu trong việc cung cấp nhân lực và kết quả chưa khi nào được như kỳ vọng. Con số hơn 200.000 cử nhân thất nhiệp năm 2017 là một ví dụ, hay hơn 70% sinh viên ra trường làm trái ngành nghề là một ví dụ khác, trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu lao động.

Nhưng không phải không có những câu chuyện hợp tác thành công. Việc hợp tác giữa Đại học Bách Khoa Hà Nội và Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng được xem là mối quan hệ điển hình. Với hai phòng thí nghiệm chung (01 đặt tại Công ty, 01 đặt tại Trường) đã góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc của công ty.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng - TGĐ Công ty Rạng Đông chia sẻ: “Trong bối cảnh vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng đang trở nên cấp thiết, Chính phủ ra quyết định về việc loại bỏ đèn sợi đối trên 60W, Công ty đã tìm đến với các nhà khoa học từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu để đặt hàng nghiên cứu sản phẩm thay thế. Đến nay, đèn compact Rạng Đông không chỉ đứng vững trên thị trường mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới”.

Ngày nay, những hiểu biết công nghệ, kỹ năng tư duy, sáng tạo, khả năng thích nghi được hình thành từ thực tế tại doanh nghiệp quan trọng hơn nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên biệt trước đây. Mô hình Học kỳ OJT (On the Job Training – Thực tập tại doanh nghiệp kéo dài 4 tháng ngay sau kỳ học thứ tư) của Đại học FPT là một ví dụ điển hình giúp trường đạt tỉ lệ 98% sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp.

Đã đến lúc phải khởi tạo lại mối quan hệ doanh nghiệp và nhà trường để có thể phát huy tối đa thế mạnh khi mà CMCN 4.0 đã “gõ cửa” từng doanh nghiệp, nhà trường. Bởi vậy, cùng với hợp tác nghiên cứu và ứng dụng, quá trình lưu chuyển nhân sự hai chiều cũng được thúc đẩy. Thực hiện bằng hợp đồng lao động giữa giảng viên, sinh viên với doanh nghiệp và hợp đồng thỉnh giảng giữa cán bộ quản lý doanh nghiệp với nhà trường. Điều này vừa làm phong phú nguồn nhân sự vừa là cơ hội xây dựng quan hệ, chia sẻ kinh nghiệm cả hàn lâm và thực tế…

Bởi lẽ, hợp tác doanh nghiệp - nhà trường không chỉ góp phần đảm bảo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đẩy mạnh quá trình sản xuất tri thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp và nhà trường cần chủ động làm mới mình và làm mới mối quan hệ gắn kết với nhau.