Doanh nhân Võ Thị Thu Sương, Giám đốc Công ty Ba lô Túi xách: Bài học từ giọt sữa cuối cùng
Trải qua tuổi thơ khốn khó, đi lên bằng sự ham học hỏi và khát khao làm chủ, câu chuyện thành công của doanh nhân Võ Thị Thu Sương, Giám đốc Công ty TNHH Ba lô Túi xách chứng minh rằng, nếu kiên trì học hỏi và nhiệt huyết với công việc, thì thành công sẽ đến.
Bài học từ giọt sữa cuối cùng
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Đồng Nai, năm 4 tuổi, còn chưa đủ nhận thức về cuộc sống xung quanh, cô bé Sương đã phải hứng chịu biến cố lớn khi gia đình bị mất nhà cửa, phải vào rẫy ở huyện Long Khánh sinh sống. “Lớn lên chút, vì không muốn phải nghỉ học, nên tôi làm đủ thứ việc để có tiền đóng học, bởi tôi sớm nhận ra rằng, nếu không được đi học thì tôi sẽ chỉ mãi ở trong rẫy và sống tiếp cảnh nghèo khó”, doanh nhân sinh năm 1982 hồi tưởng.
Năm 14 tuổi, trong một lần tình cờ thấy người ta thi đấu cờ vua ở Công ty Cao su Đồng Nai, mỗi người thi đấu sẽ được ăn đĩa cơm sườn, chị quyết xin vào học môn cờ này chỉ với mục đích có bữa cơm sườn như thế. Với trí thông minh thiên phú, sau 1 tháng học đánh cờ, chị thi đấu và đoạt huy chương Bạc toàn quốc, được tuyển thẳng vào đội tuyển của tỉnh và có tiền lương hàng tháng. Từ mục tiêu là bữa cơm ngon, chị đã có thu nhập để trang trải việc ăn học.
Doanh nhân Võ Thị Thu Sương |
“Lựa chọn tương lai của tôi khi đó là thi đại học ngành dược, nhưng có tiền đi TP.HCM là điều quá xa vời. Suy nghĩ kỹ về điều này, tôi quyết định chọn trường trung cấp tại Đồng Nai để dự thi ngành kế toán. Ở đây tôi có thể vừa đi làm, vừa theo đuổi được ước mơ đi học của mình”, chị Sương nói.
Cho đến bây giờ, chị Sương không hề ân hận với quyết định ấy. Với điểm thi cao, chị được trường cấp học bổng toàn phần, không phải lo tiền ăn học. Thế nhưng, chị vẫn tìm việc làm thêm để vừa có tiền trang trải cho các nhu cầu khác của cuộc sống, vừa có cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Hồi đầu, chị Sương làm bưng bê tại một quán chè, không lâu sau đó xin đứng pha chế ở một quán khác. Khi đủ kinh nghiệm, chị lại xin qua một quán mới làm quản lý.
“Mỗi nơi tôi lại học được một bài học khác nhau. Đơn cử, tại quán chè, tôi học được tính tiết kiệm của bà chủ, khi bà ấy thường giữ lại những giọt sữa cuối cùng trong hộp để tận dụng nó và coi đây chính là cái lời của người kinh doanh. Năm 2000, khi vẫn còn là sinh viên, ước mơ mở quán chè của tôi đã thành hiện thực, tiền vốn mở quán chè chính là số tiền tôi đi làm thêm và tích cóp được”, chị Sương kể.
Ba năm sau, chị mở thêm Trung tâm Gia sư Minh Phúc chuyên dạy kèm học sinh từ cấp 1 đến cấp 3. Vậy là kết thúc khóa trung cấp, cầm tấm bằng trong tay, cô gái đánh cờ tướng để kiếm đĩa cơm sườn ngày nào đã sở hữu một quán chè và một trung tâm gia sư nho nhỏ.
Thắng nhờ ý chí
Vốn là người giàu tham vọng, chị Sương không dừng lại với thành quả đã đạt được, mà quyết định xin vào làm tại một công ty Nhật Bản tại TP.HCM. Mục đích của chị khi đó là học cách quản lý, cách triển khai công việc và cả cách tiếp cận các ý tưởng mới…
“Sau một thời gian làm tại đây, tôi quyết định bỏ công việc mà nhiều người mơ ước này để về Biên Hòa lập nghiệp. Đầu tiên, tôi tiếp tục quản lý Trung tâm Gia sư Minh Trí và mở thêm văn phòng tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM. Không lâu sau, thương hiệu Gia sư Minh Trí vươn lên đứng hàng nhất nhì TP.HCM, nhưng tôi cảm thấy đây không phải là ngành có thể phát triển bền vững”, chị Sương nói.
Cơ hội đến với chị Sương vào năm 2005, trong một lần về quê thăm người anh đang làm nghề gia công ba lô túi xách để bỏ mối tại chợ Lớn, chợ An Đông…, nhưng không thành công bởi bị khách hàng quỵt nợ khá nhiều. Nghe câu chuyện thất bại này, chị Sương cho rằng, sản xuất bài bản, chất lượng, sáng tạo và sản phẩm có mẫu mã đa dạng là yếu tố quan trọng trong thị trường này. Và chị quyết định thử sức với lĩnh vực mới.
“Bước vào thị trường này, cái khó nhất của tôi là thay đổi thói quen nợ kéo dài ở những đối tác tại Việt Nam. Nếu không cho nợ gối đầu thì khách hàng sẽ không lấy hàng, mà cho gối đầu thì áp lực dòng tiền rất lớn. Tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Ba lô Túi xách với hệ thống balotuixach.com và tìm hướng đi mới lâu dài, sòng phẳng”, chị Sương nói.
Để tiếp cận những thị trường mới, nữ doanh nhân Võ Thị Thu Sương chọn hướng đi là quảng bá sản phẩm của mình trên mạng Internet, nhập máy móc mới, đào tạo đội ngũ nhân viên và thiết kế giỏi, thậm chí thuê cả thiết kế nước ngoài về làm việc cho mình. Chỉ trong vòng 3 tháng, thành công tới khi Công ty đã có những đơn hàng xuất khẩu lớn. Tiếng lành đồn xa, việc xuất khẩu của Công ty ngày càng thuận lợi.
Năm 2003: Giám đốc Công ty TNHH Gia sư Minh Trí
Năm 2005: Giám đốc Công ty TNHH Masterbag, Giám đốc Công ty TNHH Ba lô Túi xách.
Giải thưởng: Huy chương Vàng cờ vua 1998, TOP 10 Giải Doanh nhân Sao Vàng đất Việt năm 2016, TOP 100 Giải thưởng Thương hiệu tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương 2016, chứng nhận “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam”, Chứng nhận Thành viên có nhiều khách mời nhất Megastars BNI Chapter (thuộc Tổ chức Kết nối thương mại quốc tế - BNI), Đại sứ BNI Hitek Charter - HCM 6 của BNI Việt Nam năm 2016.
“Từ lúc khởi nghiệp, tôi chưa một lần thất bại, nhưng đây lại không đơn thuần là thành công, vì không có thành công nào không có thất bại. Chính vì thế, tôi chọn các cộng sự là những người đã thất bại, từ đó cùng họ tránh những lỗi lầm có thể xảy ra”, chị Sương nói.
Chính suy nghĩ này đã giúp chị thành công khi đưa sản phẩm ba lô, túi xách “made in Vietnam” ra thị trường thế giới và đã có những phản hồi tích cực từ thị trường Mỹ. Còn đối với hệ thống balotuixach.com, chị Sương cho biết, hiện có khoảng 1.700 đại lý, 2 nhà xưởng và là đối tác với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Nữ doanh nhân này luôn tâm niệm, để có thành công hôm nay không thể không nhắc tới nỗ lực của tập thể nhân viên và đối tác đã cùng chị đi qua bao khó khăn trong những năm tháng khốn khó nhất. Việc coi nhân viên là người nhà, là bạn và là đối tác đã giúp chị thành công trong việc giữ chân tướng tài.
“Theo tôi, đã là lãnh đạo thì cần phải có cái tầm và cái tâm. Bạn phải có tầm nhìn và sự quyết đoán trong mọi việc. Bạn phải có định hướng cụ thể cho bản thân trước thì mới có thể định hướng cho nhân viên. Cái tâm cũng quan trọng không kém. Tôi xây dựng văn hóa công ty theo hướng nhân viên xem công ty như ngôi nhà thứ hai, cùng nhau làm việc, cùng nhau phát triển và tận hưởng thành quả”, chị Sương nói.
Dù vẫn còn nhiều thử thách trước mắt, nhưng chị Sương tin rằng sẽ vượt qua với thành tích tốt nhất. “Hướng đi lâu dài của tôi là xây dựng thương hiệu túi xách Việt nổi tiếng toàn cầu. Để làm được điều này, tôi sẽ đầu tư cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả của sản phẩm”, chị Sương nói.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn