“Đồng bào Khmer được thụ hưởng”
Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đã cán đích. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Minh Hải (ảnh nhỏ) - Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng về hành trình ý nghĩa của dự án.
Ông Huỳnh Minh Hải |
Ông có thể giới thiệu đôi nét chính về dự án?
Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng” là một dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ tháng 8.2009 với mục tiêu nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là đồng bào Khmer, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực. Dự án được chia làm 3 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư hơn 617,5 tỷ đồng, tổng quy mô thực hiện gồm 478,35 km đường dây trung thế, 1.146,1 km đường dây hạ thế và 823 trạm biến áp có tổng công suất là 18.095 kVA, cấp điện cho khoảng 45.408 hộ dân.
Đây là dự án sử dụng nguồn vốn kết hợp gồm vốn ngân sách Nhà nước thông qua nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (85%) và vốn đầu tư của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (15%). Dự án có hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng công trình, đặc biệt là chính sách cấp điện đến tận hộ dân và hỗ trợ mỗi hộ dân bảng điện, dây dẫn và bóng đèn compact. Tới nay, dự án đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là hộ đồng báo Khmer. Người dân có điều kiện để mở rộng sản xuất, giải trí và tiếp cận thông tin nhiều hơn.
Vậy, thưa ông, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư, đơn vị thi công có gặp khó khăn gì không?
Dự án chính thức khởi công giai đoạn 1 vào tháng 7.2011, tới thời điểm này, dự án đã qua 5 năm thực hiện qua 3 giai đoạn, dự án đã cơ bản hoàn thành.
Thực tế, trong các giai đoạn thực hiện dự án có sự tham gia tích cực của các địa phương trong việc thống kê số hộ dân đưa vào dự án và đặc biệt là phối hợp với ngành Điện trong công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng thi công công trình.
Trong thời gian thực hiện thi công của giai đoạn trước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã rà soát và đề xuất Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét đầu tư cho giai đoạn sau tranh thủ tận dụng nguồn vốn dư sau đấu thầu của dự án.
Nói về thuận lợi, dự án có được là do được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Cấp ủy, UBND tỉnh và các ban ngành liên quan trong việc chỉ đạo thực hiện cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer.
Dự án cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và địa phương trong công tác thống kê hộ dân đưa vào dự án, phối hợp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án.
Về khó khăn, đây là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thông qua nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á, do đó mọi thủ tục đầu tư phải chuyển lấy ý kiến thống nhất, hiệu chỉnh làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ triển khai công trình. Mặt khác, do mất nhiều thời gian lập và phê duyệt hồ sơ, từ thời điểm thiết kế đến thi công khá lâu dẫn đến hiện trạng có thay đổi phải điều chỉnh thiết kế.
Phải nói, dự án có khối lượng thực hiện khá lớn chưa từng triển khai trên địa bàn, do đó có phát sinh nhiều vấn đề chưa lường trước phải giải quyết, việc bố trí nhân sự với số lượng lớn để tham gia điều hành, thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn.
Việc đền bù, giải phóng mặt bằng một số nơi còn trở ngại, một số hộ dân chưa đồng ý bồi thường và cản trở việc thi công. Vấn đề này phải có sự phối hợp giữa ngành Điện và chính quyền địa phương đến nơi vận động, giải thích, có trường hợp phải vận động, giải thích nhiều lần hộ dân mới đồng ý cho thực hiện. Mặt khác, một số hộ dân còn chậm trễ trong việc cải tạo, di dời nhà cửa, kiến trúc trong hành lang lưới điện đã phần nào làm chậm tiến độ đóng điện.
Dự án được triển khai cấp điện chủ yếu cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer chưa có điện ở vùng sâu, vùng xa, vùng lỏm, phân bố trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, sông ngòi chằng chịt nên cũng gây khó khăn trong việc thi công, bố trí giám sát, phải sử dụng nhiều phương tiện trung chuyển mới đến được chân công trình. Đồng thời, dự án triển khai cùng thời điểm nhiều hạng mục, nhiều nhóm thi công, do đó việc bố trí giám sát thi công dàn trải là một vấn đề mà Công ty Điện lực Sóc Trăng phải cố gắng sắp xếp nhân sự để thực hiện.
Theo ông, ý nghĩa lớn nhất mà dự án đem lại là gì?
Dự án cấp điện đến tận hộ dân thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực.
Tới thời điểm này, hầu hết các hộ dân được cấp điện đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi, và cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện dự án. Ngoài việc cải thiện đời sống, người dân có điều kiện để tiếp nhận tốt các thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn được sự tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực phá hoại bên ngoài, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng” được chia làm 3 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư hơn 617,5 tỷ đồng, tổng quy mô thực hiện gồm 478,35 km đường dây trung thế, 1.146,1 km đường dây hạ thế và 823 trạm biến áp có tổng công suất là 18.095 kVA, cấp điện cho hơn 45.408 hộ dân. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 109 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%, nâng tổng số hộ sử dụng điện là 331.141 hộ, trong đó tổng số hộ Khmer có điện sử dụng là gần 98.000 hộ. |
Ngọc Thọ NTNN - theo Trang tin Ngành Điện, Petrotimes
Ý kiến của bạn