Khi bóng ma năng suất thấp bao phủ nền kinh tế thế giới
Năng suất lao động thấp đang là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới sụt giảm mạnh, bất kể các chính sách kích thích tăng trưởng hay chỉ số thống kê vĩ mô của chính phủ các nước này tích cực đến đâu chăng nữa.
Có thể nói, 6 tháng đầu năm 2016 là một khoảng thời gian đầy thất vọng đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Phần lớn các con số thống kê về tốc độ tăng trưởng 2 quý đầu năm của các nền kinh tế lớn đều ảm đạm và thấp hơn nhiều so với dự đoán.
Đáng thất vọng nhất hẳn là Nhật Bản khi đất nước mặt trời mọc chỉ đạt được mức tăng trưởng rất thấp là 0,2% trong quý II/2016 (dù mức tăng trong quý I/2016 là khá khả quan: 2%). Trong khi đó, nền kinh tế số một thế giới là Mỹ cũng đáng thất vọng không kém, với mức tăng trưởng trong 2 quý đầu năm lần lượt là 0,5% và 1,2% - đều thấp hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng là bình quân trên 2,5%.
Một nghịch lý là, chỉ số vĩ mô được thống kê của các nền kinh tế này đều khá tích cực, với những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đầy cố gắng của các chính phủ nhưng kết quả vẫn không cải thiện được tốc độ tăng trưởng. Vậy, đâu là lý do chung của tình trạng trì trệ tăng trưởng giữa các nền kinh tế này? Câu trả lời có lẽ là “bóng ma năng suất thấp”.
Một điểm chung giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật khiến cho tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế này đều thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng, dù trạng thái tăng trưởng giữa chúng là hoàn toàn khác nhau, đó là vấn đề năng suất lao động.
Năng suất lao động thấp đang là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế này sụt giảm, dù đó là nền kinh tế đang muốn kiềm chế nguy cơ lạm phát có thể vượt mức kiểm soát bất cứ lúc nào như Mỹ hay một nền kinh tế giảm phát và đang bị ám ảnh bởi mục tiêu đạt được mức lạm phát 2% như Nhật.
Điều tương tự cũng đang diễn ra tại các nền kinh tế lớn khác, điển hình là Trung Quốc, khi nước này đang là thị trường nhập khẩu Robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong vài năm trở lại đây, như một cách giải quyết vấn đề gia tăng chi phí nhân công và nhất là để cải thiện năng suất lao động tại các doanh nghiệp của nước này.
Năng suất lao động thấp chính là nguyên nhân có thể lý giải cho việc dù chính phủ có tung ra gói kích thích kinh tế lớn đến đâu cũng như chỉ số kinh tế vĩ mô được thống kê có đẹp đến mấy chăng nữa cũng đều là vô ích trong việc giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng.
Mỹ là một điển hình. Các con số thống kê về thị trường lao động của nền kinh tế số một thế giới là khá hoàn hảo khi tỷ lệ thất nghiệp hiện đang chỉ giao động quanh mức 4,9 - 5%, mức thấp nhất tính từ thời điểm 2007, nghĩa là trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính Mỹ diễn ra.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân Mỹ đang trong độ tuổi lao động có việc làm lên tới trên 78%. Lương trung bình đã tăng 3,5% so với cùng kỳ 2015 và bình quân mỗi tháng có tới trên 190.000 việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế Mỹ. Lẽ ra với tất cả những con số thống kê khả quan trên, kinh tế Mỹ đã phải tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức khiêm tốn là 0,5% trong quý I/2016 và 1,2% trong quý II, trong khi mức kỳ vọng là trên 2,5%.
Lý do chủ yếu đến từ năng suất lao động trong nền kinh tế Mỹ đang có chiều hướng sụt giảm khá mạnh. Sự suy giảm năng suất lao động này đến từ khá nhiều lý do. Điển hình như các công ty ít đầu tư hơn vào đổi mới dây chuyền thiết bị và công nghệ hay do số lượng công việc bán thời gian hiện vẫn đang là quá nhiều.
Theo thống kê, hiện có khoảng 6 - 7 triệu lao động Mỹ đang phải làm những công việc bán thời gian và muốn tìm việc toàn thời gian hơn. Năng suất lao động giảm do thiết bị công nghệ chậm đổi mới và thời gian làm việc ngắn hơn mức kỳ vọng đang là những lý do khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm hơn dự kiến, dù các báo cáo về việc làm mới được tạo ra hay tỷ lệ thất nghiệp đều có vẻ rất tích cực.
Điều tương tự cũng đang diễn ra tại nền kinh tế Nhật Bản. Sự thất bại của các chính sách hạ tỷ giá đồng nội tệ hay nới lỏng tiền tệ của chính phủ Nhật trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong 3 năm qua là một dẫn chứng khá điển hình cho việc sụt giảm năng suất lao động tại Nhật có tầm quan trọng lớn như thế nào.
Ngoài yếu tố dây chuyền công nghệ của các công ty Nhật Bản ít được đổi mới thì một nguyên nhân khác khiến năng suất lao động trong nền kinh tế nước này suy giảm là do các vấn đề về nhân khẩu học. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại Nhật đang giảm đi trung bình 0,12% trong vài năm trở lại đây do tỷ suất sinh quá thấp, trong khi đó số người trong độ tuổi nghỉ hưu thì không ngừng tăng lên.
Hiện 1/3 dân số Nhật có độ tuổi trên 54. Số người trong độ tuổi lao động giảm đi, còn số người trong độ tuổi nghỉ hưu tăng lên và cần nhiều chi phí chăm sóc y tế và sức khỏe hơn là một trong những lý do khiến năng suất lao động tại Nhật sụt giảm thảm hại. Và kể cả khi chính phủ Nhật thành công trong việc tái cơ cấu nền kinh tế thì sự tác động của quả bom nhân khẩu học này lên năng suất lao động trong nền kinh tế Nhật cũng không vì thế mà biến mất.
Sự sụt giảm năng suất lao động này đang tác động lên tăng trưởng kinh tế theo khá nhiều chiều hướng khác nhau. Một mặt, nó khiến cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế giảm đi vì một nền kinh tế có năng suất thấp thì không bao giờ có thể đạt được mức tăng trưởng GDP cao.
Ngoài ra, nó còn tác động rất mạnh vào mức tiêu dùng nội địa, vốn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn (theo thống kê, tiêu dùng nội địa chiếm 70% tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, còn tại Nhật cũng lên tới 60%).
Khi năng suất lao động thấp, mức lương cũng sẽ không tăng hoặc chỉ tăng rất ít và khiến cho nhu cầu tiêu dùng nội địa của người dân không tăng hoặc có thể còn sụt giảm, từ đó kéo tăng trưởng kinh tế sụt giảm theo.
Một số chính phủ có thể tìm cách tăng lương cho người lao động bằng các mệnh lệnh hành chính như chính phủ Nhật vừa mới đề xuất nhưng nó không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Các nền kinh tế chỉ có thể phục hồi tăng trưởng khi năng suất lao động hồi phục trước. Mà để làm điều đó các công ty phải cải thiện và đổi mới thiết bị dây chuyền sản xuất, đồng thời phải đẩy mạnh quy mô hoạt động và làm ăn có lãi để tăng lương cho người lao động thì vấn đề mới được giải quyết một cách triệt để.
Theo Một Thế Giới
Ý kiến của bạn