Đừng quá "tham" mà vuột mất thời điểm vàng để M&A
Năm 2017 được cho là một năm khó đoán của thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), khi mà cả nền kinh tế và chính trường thế giới đều có những biến chuyển. Vậy thị trường M&A Việt Nam cần yếu tố gì để tiêu thụ hết số vốn đang chào bán của các doanh nghiệp nhà nước. Ông Trần Vinh Dự, Phó tổng giám đốc phụ trách tư vấn M&A của EY Việt Nam trao đổi về vấn đề này.
Tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài đang không tốt vì sự kiện Brexit và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này có ảnh hưởng tới sự thăng hoa của thị trường M&A Việt Nam không, thưa ông?
Thị trường M&A Việt Nam đang ở giai đoạn rất năng động. Từ phía người mua, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng rất cao vào giai đoạn tới của Việt Nam. Đặt trong tương quan với các nền kinh tế khác của ASEAN, thì Việt Nam đang ở trong top dẫn đầu về độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ phía người bán, thời điểm này kết hợp cả 3 nhóm yếu tố. Nhà nước thoái vốn khỏi rất nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn và một số trong nhóm này là các mục tiêu rất hấp dẫn của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng trong giai đoạn năng động tìm kiếm vốn đầu tư để mở rộng, tận dụng thời cơ thị trường đang tốt và có giá bán cao. Đã đến chu kỳ thoái vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này trong giai đoạn trước và sau năm 2010 (giai đoạn khủng hoảng, giá mua thấp), để hiện thực hóa lợi nhuận.
Ông Trần Vinh Dự, Phó tổng giám đốc phụ trách tư vấn M&A của EY Việt Nam |
Thị trường Việt Nam đang cần một cú hích mới để tiêu thụ hết số vốn mà các doanh nghiệp nhà nước chào bán, đồng thời thúc đẩy thị trường M&A vượt ngưỡng 5 tỷ USD. Theo ông, cú hích cần thiết nhất ở đây là gì?
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang trong giai đoạn rất thuận lợi để thị trường M&A phát triển. Còn muốn đẩy nhanh và mạnh hơn thị trường này thì có nhiều thứ để làm. Năm nay sẽ là năm trọng điểm liên quan đến việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước lớn. Về chuyện này, quan trọng nhất là sự minh bạch, chặt chẽ và hợp lý về quy trình thoái vốn và việc mở rộng các tiêu chí để nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể tham gia.
Nếu chúng ta muốn bán giá tốt thì phải có nhiều người mua và có đủ thời gian cho họ cân nhắc, quyết định. Các công ty quốc tế lớn không thể quyết trong một vài tuần hay một tháng. Nếu “bóp” về mặt quy trình, thì phần lớn trong số họ sẽ bỏ cuộc từ vòng ngoài. Điều này không có lợi cho Nhà nước nếu muốn đặt mục tiêu bán giá cao.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, “quả bóng” M&A chủ yếu nằm trong chân họ. Việc này khá rõ ràng với các doanh nghiệp lớn đã từng kinh qua việc chào bán cho đối tác chiến lược. Nhưng với các doanh nghiệp lần đầu tham gia thị trường, họ cần phải hiểu ngôn ngữ của M&A khác với ngôn ngữ của quản trị. Để tìm được đối tác thích hợp và đàm phán được giá tốt, họ cần có một giai đoạn chuẩn bị, nhiều khi bao gồm cả tái cơ cấu cơ bản về nhiều mặt - cơ cấu sở hữu, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tổ chức - báo cáo, hệ thống tài chính - kế toán… Nếu không làm được việc này, thì không khác gì việc chào bán bằng một ngôn ngữ khác mà người mua không thể hiểu được, nên sẽ không mua.
Đáng tiếc là, nhiều doanh nghiệp Việt không thấy được sự cần thiết này. Nhiều chủ doanh nghiệp đặt ra bài toán ngược, tức là anh cứ đem tiền vào, rồi tôi với anh cùng bàn, sửa gì, tái cơ cấu gì thì sẽ làm sau, chưa có tiền thì tôi sẽ không làm. Cách đặt vấn đề này hoàn toàn xa lạ với thị trường vốn và thường dẫn đến thất bại.
Với thị trường khó đoán như năm nay, các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt trong chiến lược M&A, thưa ông?
Tôi cho rằng, đây là thời điểm vàng để M&A. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng để tăng năng lực tài chính cho mình. Sự thăng giáng của thị trường tài chính có tính chu kỳ rõ ràng và khi thời điểm vàng này qua đi, có lẽ phải mất từ 5 tới 7 năm nữa nó mới lại quay lại. Do đó, đừng chần chừ và đừng quá “tham”.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn