Tổng Bí thư thăm và làm việc tại Cà Mau
VTV.vn - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế xã hội, công tác xây dựng Đảng năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.
VTV.vn - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế xã hội, công tác xây dựng Đảng năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.
Cùng đi có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nhiều đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Chiều 20/2, tại tỉnh Cà Mau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm, khảo sát thực tế tuyến đường ven biển ở điểm cực Nam của Tổ quốc. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, toàn bộ tuyến đường bộ từ điểm đầu Pắc Bó - Cao Bằng đã nối liền thông suốt với Đất Mũi- Cà Mau điểm cuối của đất nước. Giao thông thông suốt, thuận lợi hơn, người dân đi lại không phải qua đò, qua phà như trước đây; xóa thế "ốc đảo" biệt lập của huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, du lịch. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Đất Mũi - nơi có cột mốc quốc gia, là điểm mốc có ý nghĩa thiêng liêng, là điểm tận cùng cực Nam của Tổ quốc. Đây là vùng đất đất giầu truyền thống cách mạng, mỗi người dân khi đặt chân lên mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc , thấy tự hào và trách nhiệm giữ vững và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, khảo sát kè tạo bãi trồng rừng, lấn biển. Do địa hình thấp so với mặt nước biển, 3 mặt tiếp giáp biển với chiều dài 254 km, cùng với đó do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hâu, mỗi năm bờ biển của Cà Mau sạt lở mất khoảng 450 ha đất rừng phòng hộ ven biển, nguy cơ vỡ đê rất cao, đe dọa tính mạng, đời sống và tài sản của hàng ngàn hộ dân. Trước thực trạng này, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp và đã kè được hơn 22 nghìn mét kè với kinh phí đầu tư khoảng 640 tỷ đồng. Đến nay từ việc đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở thuộc khu vực đê biển phía Tây đã tạo bãi và khôi phục được 117ha rừng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn hàng năm bố trí quá ít, Cà Mau kiến nghị Trung ương cân đối bố trí đủ vốn hàng năm để triển khai thực hiện hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Cũng nhân dịp này, tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghe báo cáo phương án đầu tư Cảng nước sâu Hòn Khoai; Dự án điện gió Khai Long. Hòn Khoai là cụm đảo gồm 5 đảo, có lợi thế nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có độ sâu phù hợp với việc xây dựng cảng biển nước sâu. Do kết nối được với các hệ thống giao thông hàng không, đường bộ, đường ven biển, và tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, nên Cảng biển Hòn Khoai sẽ đáp ứng được việc vận chuyển than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện trong khu vực, cũng như các mặt hàng nông thủy hải sản, nguyên vật liệu, xăng dầu. Theo quy hoạch, Cảng biển Hòn Khoai khi đưa vào khai thác sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Dự kiến Tổng mức đầu tư xây dựng Cảng biển Hòn Khoai khoảng 3,5 tỷ USD và hiện nay Dự án đang trong quá trình mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sáng 21/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và các công tác trọng tâm năm 2017 .
Trong thời gian qua, kinh tế xã hội của Cà Mau có nhiều bước chuyển biến tích cực, trong đó kinh tế thủy sản chiếm một ví trị quan trọng, ngư trường biển 80.000 km2 nên tiềm năng đa dạng, phong phú.
Hiện nay nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm đã đem lại nguồn thu quan trọng cho địa phương, với tổng diện tích nuôi tôm khoảng 300.000 ha. Đặc biệt trong 5 năm qua cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Cà Mau đã tập trung đầu tư và kết nối giao thông đồng bộ, góp phần hạn chế những chia cắt do hệ thống kênh rạch chằng chịt, hiện nay toàn tỉnh có 11.000 km đường lộ giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt và làm ăn của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay Cà Mau vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn. Do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và khu vực ven biển bị sạt lở rất lớn, đi kèm với đó phù sa về hạ nguồn ngày càng có nguy cơ giảm nên không đủ bồi đắp, nuôi dưỡng cho cả vùng. Mặc dù rừng ngập mặn có tác dụng rất lớn bảo vệ tác động của biến đổi khí hậu nhưng hiện nay diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp do người dân phát triển nuôi tôm rừng. Bên cạnh đó, mặc dù nuôi tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trên thực tế người dân phần lớn nuôi tôm quảng canh, năng suất thấp, rủi ro cao, đất đai manh mún, sản xuất nhỏ lẻ. Đây là những yếu tố cản trở ngành tôm của Cà Mau khó khăn áp dụng công nghệ cao, hiện đại.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã đặc biệt nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Cà Mau mà không phải địa phương nào cũng có. Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, 1 trong 4 tỉnh tứ giác kinh tế trọng điểm tây nam bộ, nằm trong hành lang phát triển phía Nam dự án tiểu vùng Me Kong mở rộng, Cà Mau có điều kiện để phát triển kinh tế toàn diện. Đặc biệt do nằm cuối nguồn con sông Me Kong nên Cà Mau lắng đọng nhiều phù sa màu mỡ nên dư địa để phát triển nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là rất lớn. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có nhiều đảo có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng và tiếp cận sát với đường giao dịch hàng hải quốc tế nên không chỉ có lợi thế phát triển kinh tế trong nước, mà còn có nhiều cơ hội hội nhập quốc tế. Tương lai Cảng Hòn Khoai sẽ trở thành một trong những cảng biển trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau, sau 20 năm tái lập tỉnh, diện mạo có nhiều thay đổi, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng, thu ngân sách đạt 4.400 tỷ đồng, xuất khẩu thủy sản đạt gần mốc 1 tỷ USD. Đây là những kết quả rất đáng biểu dương vì Cà Mau có xuất phát điểm thấp, lại nằm ở điểm tận cùng của đất nước, giao thông chia cắt.
Để khắc phục những khó khăn của Cà Mau, theo ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung quy hoạch phù hợp với đặc điểm của địa phương, trong đó trọng tâm là phát triển nông- lâm- ngư nghiệp, với trọng tâm là nuôi tôm, khai thác kinh tế biển, đánh bắt xa bờ kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng với hơn 100.000 ha, nghiên cứu phát triển điện gió, điện mặt trời, chủ động ứng phó vởi biến đổi khí hậu.
Nêu lên một khó khăn hiện nay của Cà Mau là nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực hạn chế, khả năng cân đối ngân sách còn hạn chế, Tổng Bí thư cho rằng tỉnh Cà Mau bằng cơ chế chính sách, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, chủ động liên kết vùng, không nên chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó cũng cần khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, nhân dân cần cù anh dũng, đây chính là một nguồn lực tinh thần để tạo động lực vươn lên của Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau. Viết lưu bút tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là một công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc với tấm lòng thành kính tưởng nhớ Bác, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Tổng Bí thư mong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau học tập và làm theo tấm gương, đạo đức và phong cách của Bác, quyết tâm phấn đấu thực hiện con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, xây dựng tỉnh Cà Mau ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
http://vtv.vn
Ý kiến của bạn