EU - Trung Quốc lại căng thẳng vì thương mại
Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lại trở nên căng thẳng khi EU vừa đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế và hạn ngạch xuất khẩu mà quốc gia này áp dụng đối với các nguyên liệu thô.
Trong một thông báo, EU cáo buộc Trung Quốc vi phạm các điều luật của WTO khi đưa ra các biện pháp với mục đích hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô thiết yếu như than chì, côban, crôm, magiê... Những nguyên liệu thô này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ hàng không vũ trụ, sản xuất ô tô cho tới năng lượng điện và hóa học. Vì vậy, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này được cho là tạo lợi thế cho các công ty nội địa trong khi gây tổn hại tới các công ty đến từ các nước khác, trong đó có EU, và ảnh hưởng tới người tiêu dùng, gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động thương mại quốc tế.
Uỷ viên thương mại EU Cecilia Malmstroem khẳng định EU không làm ngơ trước những vi phạm luật thương mại khiến các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng chịu thiệt hại. EU cũng từng thực hiện thành công những vụ kiện tương tự đối với Trung Quốc vào năm 2012 và 2014 liên quan tới các mặt hàng nguyên liệu thô khác như bôxít, kẽm và than cốc. Trong hai lần kiện này, các biện pháp hạn chế hàng xuất khẩu mà Trung Quốc đưa ra đều bị kết luận là vi phạm luật thương mại quốc tế nhưng quốc gia này vẫn không dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp nên EU tiếp tục kiện.
Cuộc chiến thương mại EU - Trung Quốc chưa có hồi kết
Hiện Trung Quốc đang áp dụng mức thuế xuất khẩu từ 5% đến 20% đối với các mặt hàng vật liệu thô, khiến các công ty nước ngoài nhập các mặt hàng này chịu giá cao hơn nhiều so với các công ty nội địa của Trung Quốc trong khi nguồn cung không ổn định. Hơn nữa, việc áp các loại thuế xuất khẩu cao cũng được coi như hành động buộc các nhà sản xuất đến từ các quốc gia khác phải tìm cách đưa việc sản xuất, công nghệ và cơ hội việc làm về Trung Quốc.
Sau khi EU đệ đơn kiện, hai bên sẽ có 60 ngày hòa giải. Nếu hòa giải không có kết quả, EU có thể yêu cầu WTO xem xét liệu các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng có tuân thủ theo các quy định của tổ chức này hay không.
Những năm gần đây, quan hệ giữa EU và Trung Quốc ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, song vẫn tập trung chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế. EU đóng vai trò quan trọng đối với một nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc. Các nước EU có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tiêu dùng Trung Quốc, giúp nước này điều chỉnh cấu trúc công nghiệp, hướng đến phát triển một nền kinh tế “xanh” và góp phần thúc đẩy những tiến bộ về công nghệ-khoa học của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong những năm gần đây, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này, sau Mỹ. Nhưng dù kim ngạch trao đổi thương mại lớn, giữa hai nước lại xuất hiện tình trạng Trung Quốc luôn xuất siêu và EU luôn nhập siêu. Chính sự mất cân bằng thương mại trên là một trong những nguyên nhân khiến EU tiến hành một số biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc và không ngừng cáo buộc Trung Quốc duy trì các rào cản không công bằng đối với hàng hóa và dịch vụ của châu Âu. Ngược lại, Trung Quốc cho rằng họ đang trở thành nạn nhân của hình thức “chủ nghĩa bảo hộ thương mại”.
Trong khi EU tiến hành một số vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm của Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đệ đơn kiện lên WTO, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp trả đũa EU. Mới đây nhất là hồi tháng 1/2016, Trung Quốc đã thắng kiện EU sau khi kháng cáo thành công lên WTO về mức thuế mà liên minh này áp đặt đối với các sản phẩm nhập khẩu là ốc vít, đai ốc và bu lông làm bằng sắt hoặc thép của Bắc Kinh. Đây là một trong những vụ kiện kéo dài nhất giữa hai bên.
Giới phân tích cho rằng những vụ tranh chấp kiện tụng sẽ không gây nhiều cản trở trong việc hợp tác kinh tế thời gian tới giữa hai bên, bởi cả châu Âu và Trung Quốc đều là những thị trường tiềm năng mà đôi bên cùng mong muốn hướng tới. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và EU được nhận định có thể lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Hải Quan
Ý kiến của bạn