Không để mất kiểm soát việc phục dựng lễ hội
(Chinhphu.vn) - Việc phục dựng tràn lan cũng là một trong những nguyên nhân gây biến tướng giá trị nhân văn vốn có của lễ hội dân gian. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa muốn có giải pháp phù hợp để cho việc tổ chức và phục dựng lễ hội không vượt tầm kiểm soát.
Từ năm 1990, các nhà nghiên cứu dân tộc học và văn hóa bắt đầu đi sưu tầm, tổ chức, phục dựng một số lễ hội theo một xu hướng về nguồn. Trong quá trình đó, các nhà nghiên cứu chủ trương càng tái hiện nguyên vẹn càng tốt. Nhiều địa phương còn được hỗ trợ kinh phí để phục dựng các lễ hội truyền thống. Khi kinh tế thị trường mở ra, nhiều nơi nhận thấy lễ hội là nơi thu lợi lớn, thì phong trào phục dựng lễ hội ngày càng lan rộng và trở nên quá đà.
Tại hội nghị tổng kết công tác lễ hội năm 2016, bà Trịnh Thị Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) nói nếu trước đây chỉ có hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, thì giờ có tới hơn chục địa phương tổ chức. Trâu còn đang chọi trong sân nhưng ở dọc đường đã có rất nhiều quán bày bán thịt trâu và nói đây là thịt trâu chọi (?).
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) cho rằng, hầu hết các lễ hội đã được phục hồi đều có hành vi giết con vật. Tuy nhiên, việc treo cổ trâu, chém lợn... là những hành vi bị phục dựng quá đà.
Tâm lý đám đông cũng là một phần nguyên nhân gây nên sự biến tướng trong lễ hội. Dân trí và hiểu biết càng hạn chế thì sự chi phối đó càng mạnh. Lễ hội bây giờ như một cuộc diễn trình sân khấu hóa, có kịch bản, có hát múa, đàn loa, kèn trống, mua thần bán thánh, ăn uống phàm tục… nên mất đi sự trang nghiêm vốn có của nguyên gốc.
Nhiều lễ hội đã bị biến tấu làm sai ý nghĩa của phong tục như việc phát ấn Đền Trần (Nam Định, Thái Bình), chuyện ban lộc của Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), xoa tiền trên chuông Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), tục cướp hoa tre Lễ hội Gióng… Điều này lý giải phần nào cho sự chen lấn, xô đẩy tại các lễ hội..
Theo GS. TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, lễ hội hiện nay đã bị thương mại hóa, là nơi để kiếm lời và bị trần tục hóa, tính thiêng của lễ hội ngày càng mất đi.
Nhiều địa phương hiện nay đã phục dựng một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội chạy lợn ở Phú Xuyên (Hà Hội), Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), Tế đàn xã tắc (Huế), Xuống đồng ở Hưng Yên- Quảng Ninh.v.v... Do được phục dựng theo ‘kịch bản’ của các nhà nghiên cứu ở địa phương và trí nhớ của các vị cao niên nên nảy sinh băn khoăn là tính nguyên bản của lễ hội liệu có còn?
Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, lễ hội gắn với đời sống của một cộng đồng. Cộng đồng phát triển thì lễ hội đó cũng phát triển. Nếu cộng đồng ấy thuở xưa mất mùa liên tục thì họ làm nhỏ gọn, nhưng những năm được mùa thì lễ hội ấy trở nên rộn ràng và lớn hơn nhiều. Điều này chứng tỏ lễ hội ấy đi theo đời sống của cộng đồng và mỗi cộng đồng người ta tìm ra một lễ thức đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng ấy. Cho nên lõi của lễ hội cần giữ nguyên. Nếu không giữ được lõi của lễ hội, đời sống tâm linh của lễ hội đó sẽ mất.
Tuy nhiên, vì việc phục dựng lễ hội theo trí nhớ, nên hình thức tổ chức có thể có sai lệch, biến dạng. Bây giờ, các địa phương lại bắt chước nhau, rồi ganh đua nhau "con gà tức nhau tiếng gáy", lễ hội làng mình phải to hơn làng bên. Rồi bên cạnh đó, việc tuyên truyền tràn lan về lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng làm phức tạp tình hình của tín ngưỡng
Vì vậy, cho dù không thể có một qui chế chung cho tất cả các lễ hội nhưng các nhà quản lý vẫn nên có qui chế chung về trình tự, qui mô tổ chức của các lễ hội. Ví dụ, lễ hội ngày xưa qui mô nhỏ gọn như thế nào thì bây giờ làm nhỏ gọn như vậy.
Còn theo TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, muốn giải quyết triệt để tình trạng dựa danh di sản để thương mại hóa, cần phải đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu về di tích, lễ hội, luận cứ khoa học để giảm sự tuỳ tiện, không đúng với bản chất của lễ hội.
http://baochinhphu.vn
Ý kiến của bạn