MỘT SỐ TƯ DUY CƠ BẢN VỀ KHỞI NGHIỆP VÀ KỸ NĂNG TÌM, XÂY DỰNG Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP
MỘT SỐ TƯ DUY CƠ BẢN VỀ KHỞI NGHIỆP VÀ KỸ NĂNG TÌM, XÂY DỰNG Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP TS. Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC
MỘT SỐ TƯ DUY CƠ BẢN VỀ KHỞI NGHIỆP
VÀ KỸ NĂNG TÌM, XÂY DỰNG Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP
TS. Trần Duy Khanh – Viện trưởng
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC
Khởi nghiệp là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khởi nghiệp đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang mang nặng tính phong trào, môi trường và hệ sinh thái khởi nghiệp còn thiếu nhiều bất cập, nhiều người chưa hiểu đúng về khởi nghiệp.
Bài viết là tập hợp logich những kiến thức cơ bản trong và ngoài nước cùng với tư duy thực tiễn trong quá trình đào tạo, tư vấn khởi nghiệp trong những năm qua. Thông qua bài viết này, tôi mong muốn (là một phần của tập sách) góp phần giới thiệu những kiến tức, tư duy cơ bản đầu tiên cho những ai muốn đi theo con đường khởi nghiệp.
Môi trường và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn non trẻ so với thực tế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, với bối cảnh nền kinh tế phát triển cùng mục tiêu thực hiện quốc gia khởi nghiệp với cơ cấu dân số vàng và được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện, như lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, tại Đà Nẵng: “Tôi khẳng định rằng, từ trước đến nay, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ như thời gian qua ở Việt Nam. Phong trào ấy đã được xã hội ghi nhận. Vì thế, chúng ta cần có quyết tâm cao hơn để phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam. Nghĩa là, người dân, doanh nhân đổi mới sáng tạo cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển. Không có đổi mới sáng tạo này khó có thể thành công trong phát triển đất nước”.
I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM
Trước khi tìm hiểu về khởi nghiệp, chúng ta cần hiểu một số khái niệm cơ bản về khởi nghiệp.
- Khởi nghiệp
Bản chất của quá trình khởi nghiệp là quá trình hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh của những người đam mê kinh doanh. Theo quan điểm mới nhất trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, khởi nghiệp được coi là quá trình thực hiện ý tưởng kinh doanh, gồm quá trình thành lập và vận hành doanh nghiệp trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Vậy, khởi nghiệp là gì?, khởi nghiệp là mở đầu làm một công việc sản xuất/ kinh doanh/dịch vụ riêng (như thành lập một DN hay một cửa hàng, hoặc một văn phòng tư vấn, dịch vụ…) mà tại đó bạn là người làm chủ, người quản lý, người sáng lập hoặc đồng sáng lập. Việc sản xuất/kinh doanh/cung cấp những sản phẩm mới, dịch vụ mới, hay kinh doanh những mặt hàng/sản phẩm/dịch vụ đã có mặt trên thị trường (nhà hàng, quán ăn, tiệm hớt tóc, quán cà phê..) nhưng theo ý tưởng riêng của mình... đều được gọi là khởi nghiệp.
Khởi nghiệp là quá trình tạo ra một lĩnh vực hoạt động mới cho riêng mình, qua đó bạn có thể thuê các nhân viên về làm việc cho bạn và bạn là người quản lý công ty, doanh nghiệp của mình.
Khởi nghiệp cũng có nghĩa là bạn tạo ra giá trị có lợi cho người cho xã hội hoặc nhóm khởi nghiệp, cho các cổ đông của công ty, cho người lao động, cho cộng đồng và nhà nước. Khởi nghiệp bằng việc thành lập doanh nghiệp sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và dưới một góc độ nào đó sẽ tham gia vào việc phát triển kinh tế và xã hội. Đối với xã hội & nền kinh tế nước nhà thì các công ty khởi nghiệp tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm. Điều này giúp đất nước có thể giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo ra nguồn thu nhập cho người lao động nuôi sống bản thân và gia đình.
Khởi nghiệp có thể là bạn tự mở cho mình một cửa hàng như bún bò, phở, xôi sáng, quán cafe, tiệm Internet, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng tiêu dùng hay mở trang trại trồng cây, chăn nuôi, xưởng sản xuất một mặt hàng nào đó hay đơn giản bạn chỉ thương mại tức mà mua đi bán lại …
Khởi nghiệp cũng có thể bạn vừa là nhân viên vừa là ông/bà chủ hoặc cao hơn bạn tự thành lập doanh nghiệp riêng cho mình rồi tuyển nhân viên vào cùng làm. Vì vậy khởi nghiệp cũng chính là bạn bắt đầu làm chủ. Và khởi nghiệp cũng chính là một công việc kinh doanh của bạn vì nó liên quan đến việc tạo ra sản phẩm và bán ra thị trường để bạn có thu nhập.
2. Sáng tạo
Người Nhật nổi tiếng với ý chí kiên cường, mạnh mẽ, luôn có động lực trong mọi vấn đề thuộc cả công việc và cuộc sống. Không chỉ là tạo ra những thứ tốt nhất, họ luôn nghĩ đến chuyện hoàn thiện hiện tại và biến mọi thứ trở nên ngày một tốt hơn. Căn nguyên của lối suy nghĩ tích cực đó chính là sự sáng tạo không ngừng.
Đặc điểm chung của sáng tạo là không ngừng tạo ra sự khác biệt, giảm thiểu lãng phí và nắm bắt mọi cơ hội cải tiến trong khả năng, không yêu cầu chi phí cao, kỹ thuật phức tạp hay ứng dụng công nghệ mới mà vẫn giúp nâng cao chất lượng công việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giảm chi phí hoạt động, sản xuất.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về sáng tạo?, chúng ta có thể hiểu đơn giản, đây là thuật ngữ ám chỉ việc thực hiện một công việc cũ, nhưng theo tư duy và phương thức mới, để đem lại hiệu quả công việc cao hơn. Hay nói cách khác, sáng tạo cũng có thể được hiểu là việc thực hiện bất kỳ hoạt động nào đem lại sự mới mẻ và sự tiện ích cho con người. Sự tiện ích này có thể là việc tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc. Ví dụ: Cùng một việc, nếu chúng ta làm theo cách thông thường có thể mất 8 giờ, nhưng khi áp dụng tư duy sáng tạo có thể chỉ mất 1 - 2 giờ. Hoặc trong cùng thời gian 1 giờ chúng ta chỉ có thể làm ra được 3 sản phẩm, nhưng khi áp dụng tư duy sáng tạo vào trong sản xuất, chúng ta đã làm ra tới 10 sản phẩm…
Như vậy, chúng ta có thể hiểu, sáng tạo không phải là điều gì quá cao siêu, nó là những tư duy, việc làm, hành động…xuất phát từ những điều gần gũi xung quanh chúng ta, như thay đổi phương pháp học tập để đạt hiệu quả hơn, hoặc tận dụng các vật dụng bỏ đi để sáng chế đồ dùng mới, hoặc thay đổi phương pháp làm việc để đạt hiệu quả cao hơn, tiết kiệm thời gian hơn…
Sáng tạo được hiểu là khả năng tạo ra bất cứ thứ gì có hiệu quả và tiên tiến hơn những thứ đã có trong cùng một phạm vi áp dụng. Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì (giá trị vật chất hoặc tinh thần) có đồng thời tính mới và tính lợi ích (trong phạm vi áp dụng cụ thể). Là một ý tưởng mới, phù hợp với thời đại và không gian sinh ra nó và ý tưởng đó mang lại giá trị.
Sáng tạo là dám nghĩ khác và dám làm khác. Là làm một điều gì đó mới mẻ táo bạo và khác thường. Là tạo ra sự khác biệt với cái đã có trước, giúp tăng năng suất, tiết kiệm hay thân thiện với môi trường hơn.
Sáng tạo là nhìn một vấn đề, một câu hỏi… theo những cách khác với thông thường, tức là nhìn mọi thứ từ các góc độ, tầm nhìn khác nhau, “nhìn” theo những cách không bị hạn chế bởi thói quen, bởi phong tục, bởi tiêu chuẩn. Sáng tạo là sự sắp xếp mọi thứ đã có sẳn theo một trật tự mới, là tìm tòi để tạo ra những giá trị mới hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào những cái đã có để đạt được hiệu quả tốt nhất…
Tóm lại: Sáng tạo không phải là làm những thứ đao to búa lớn, mà là những thứ ngay bên cạnh ta hàng ngày và mỗi chúng ta đã từng nhiều lần sáng tạo. Để biết bất cứ cái gì có sáng tạo hay không phải so sánh với cái trước nó, nếu đã thay đổi nghĩa là nó mới hơn so với cái cũ, đồng thời mang lại tính ích lợi cho bạn, cho cộng đồng, cho xã hội trong một phạm vị áp dụng cụ thể…, thì bất cứ cái gì đó đều là sáng tạo…
3. Tính mới
Theo qui định tại Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ: "".
Như vậy, ta có thể hiểu, chỉ được coi là có tính mới khi thông tin về sáng chế/sản phẩm/dịch vụ.. đó chưa được bộc lộ, hoặc chưa có ai làm, hoặc là sự khác biệt của đối tượng so với đối tượng cùng loại ra đời trước đó về mặt thời gian.
Trong thực tế đời sống, chúng ta có thể hiểu một sản phẩm được coi là mới khi doanh nghiệp mở rộng dòng sản phẩm nào đó hoặc cải tiến một bộ phận chức năng nào đó, làm cho sản phẩm có giá trị sử dụng mới hơn hoặc thời gian kéo dài hơn, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tính mới cũng có thể được hiểu là sản phẩm đó mới đối với cả doanh nghiệp và đối với cả thị trường, doanh nghiệp là người tiên phong đi đầu trong việc sản xuất sản phẩm này, sản phẩm này lần đầu tiên ra mắt người tiêu dùng.
Như vậy, tính mới là người dùng cuối cùng, hoặc phát triển sản phẩm/dịch vụ liên quan đến việc sửa đổi một hoặc một số chi tiết của sản phẩm/dịch vụ, hoặc tạo ra một sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tính mới luôn đi cùng với sáng tạo.
4. Ý tưởng
Theo Wikipedia “ý tưởng là một khái niệm hay ấn tượng về tinh thần. Những ý tưởng được hiểu là hình ảnh đại diện, tức là hình ảnh của một số vật thể. Trong ngữ cảnh khác, ý tưởng được xem là các khái niệm, mặc dù khái niệm trừu tượng không nhất thiết phải xuất hiện là hình ảnh. Khả năng tạo ra và hiểu được ý nghĩa của ý tưởng được coi là một tính năng cần thiết và xác định đặc tính của con người.
Như vậy, ý tưởng là tên gọi của những “sản phẩm” vô hình được tạo ra từ trí tuệ con người, chúng là thứ “đột biến” so với những giải pháp hiện có để nhằm giải quyết một vấn đề nào đó trong thực tế. Ý tưởng thường xuất hiện bất ngờ và thường có thể không do bạn cố tình nghĩ ra, chúng có thể là bộc phát, hoặc cũng có thể là phát sinh dựa trên nhu cầu hay những suy nghĩ mà bạn đã đặt ra và chú ý từ trước. Ý tưởng là điều tưởng tượng về một giải pháp (khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, dự án, một kế hoạch...) cho một vấn đề được nêu ra (từ dự kiến lúc đầu, hiện thực dần trong quá trình thực hiện). Bản chất của ý tưởng là sự tưởng tượng khoa học. Thường ý tưởng được hình thành từ một vấn đề có trước, và chỉ bắt đầu sau khi đã phát hiện ra “vấn đề khoa học”. Giá trị của ý tưởng thể hiện ở tính mới, tính tối ưu nhất.
Ý tưởng mang đặc trưng riêng của chủ thể sáng tạo, là sự khởi nguồn của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Ý tưởng hiệu quả hay không lại do kết quả thực thi, người dám thực thi mới là người đưa ý tưởng vào thực tế, “bản thân ý tưởng không có giá trị gì, chỉ có quá trình thực thi mới làm ý tưởng có giá trị”.
Trong xã hội, mỗi người đều có những ý tưởng khác nhau nhằm cùng giải quyết một vấn đề, nhưng nếu chỉ là suy nghĩ trong đầu, thì những suy nghĩ đó không chắc đã trở thành ý tưởng. Ý tưởng chỉ có giá trị khi mang đủ các đặc tính: Tính độc đáo, tính mới, tính sáng tạo, tính khả thi, tính vượt trội, tính phù hợp và mang lại giá trị vật chất /tinh thần cho người sử dụng.
Trong thực tế, ý tưởng kinh doanh gồm ba loại chủ yếu: Một là, ý tưởng về một sản phẩm mới: Một ý tưởng kinh doanh liên quan sản phẩm mới sẽ tạo lợi thế lớn cho doanh nghiệp, vì sản phẩm mới thường không có đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, ý tưởng kinh doanh về một sản phẩm mới thường đạt lợi nhuận cao nhất, lợi nhuận cao nhất đó thường liên quan tới các sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh thuận lợi hưởng khoảng trống thị trường, không đối thủ, không tồn tại cạnh tranh, nhưng ý tưởng về sản phẩm mới phải trả lời được câu hỏi là sản phẩm mới liệu có được thị trường chấp nhận? và chấp nhận như thế nào, sản phẩm tồn tại được trong khoảng thời gian bao lâu..?. Hai là, ý tưởng về một dịch vụ mới. Dịch vụ cũng là loại ý tưởng kinh doanh, nhưng không phải loại hàng hóa. Vì vậy, nó dễ bị sao chép làm theo hơn là sản phẩm kinh doanh nên cần được bảo hộ bởi các luật bản quyền thương mại. Ba là, ý tưởng về cách thức kinh doanh mới. Đây là loại ý tưởng kinh doanh đặc biệt, không trực tiếp đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhưng cách thức kinh doanh mới này có thể thay đổi tình trạng kinh doanh kém trước đây, bất kể loại hình kinh doanh chỉ là các sản phẩm hay dịch vụ thông thường đã sẵn có trên thị trường. Các sản phẩm cũ và dịch vụ cũ vẫn có thể sử dụng, tiếp tục thu về lợi nhuận nếu thay đổi cách thức kinh doanh mới.
Một ý tưởng kinh doanh mới có thể mua bán trên thị trường, giữa một cá nhân hay nhóm với doanh nghiệp, hoặc giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Nhiều người có ý tưởng kinh doanh mới nhưng gặp khó khăn về vốn để khởi nghiệp, họ thường bán ý tưởng kinh doanh của mình. Muốn bán được ý tưởng kinh doanh mới, họ phải tạo ra sản phẩm mới hoặc chứng minh được khả năng tạo ra được các sản phẩm mới đó, đồng thời, chứng tỏ tiềm năng lợi nhuận khi kinh doanh sản phẩm mới. Doanh nghiệp chấp nhận mua ý tưởng mới có thể đầu tư hoặc liên doanh chia sẻ lợi nhuận (%) theo một thỏa thuận giữa hai bên.
- Ý tưởng độc đáo
Sự khác biệt, được hiểu là không phải tất cả đều giống với cái đã có, mà có điểm không giống nhau (so sánh), hoặc Hai vật tuy giống nhau nhưng còn nhiều khác biệt trong từng chi tiết. Khác biệt dùng để so sánh hai vật thể/ý tưởng/suy nghĩ với nhau, chính sự khác biệt tạo nên cái vốn có “riêng có” của từng sự vật, hiện tượng trong xã hội.
Sự đặc biệt, là nhằm chỉ sự khác hẳn những trường hợp bình thường về tính chất, chức năng hoặc mức độ (sự quan tâm đặc biệt, trường hợp đặc biệt)
Sự độc đáo có các từ đồng nghĩa như độc nhất, duy nhất. Độc đáo được hiểu là không có cái cùng loại, hoặc không làm giống ai, không phỏng theo cái gì đã có xưa nay, không giống, không lẫn với những gì đã có ở người khác..
Khác biệt, đặc biệt, độc đáo là các tính từ chỉ sự khác nhau hơn về cấp bậc, mức độ của một sự vật, hiện tượng. Ý tưởng độc đáo là một ý tưởng mang tính vừa khác biệt, vừa đặc biệt, có thể là “điên rồ” hoặc “hoang tưởng”. “Một ý tưởng mới chẳng là gì khác ngoài sự kết hợp mới của các nhân tố cũ” (Jemes Webb Yoong - Chủ tịch Liên đoàn Quảng cáo Mỹ).
Cách nhận biết một ý tưởng độc đáo, một là, ý tưởng đó sẽ bị bác bỏ bởi đa số những người được nghe bạn chia sẻ bởi vì nó nghe có vẻ “điên rồ”. Hai là, ý tưởng đó sẽ không được đánh giá cao vì nó được thực hiện bởi những nhóm người có cùng đam mê chứ không phải là một doanh nghiệp nào đó. Ba là, ý tưởng độc đáo vô tình bị đánh giá nhầm là một “ý tưởng tồi” chỉ vì nó đi ngược lại với chuẩn mực xã hội...
Các dự án khởi nghiệp thành công đều được bắt nguồn từ một ý tưởng đặc biệt, độc đáo. Cách tốt nhất để có được những ý tưởng nghe có vẻ “điên rồ” nhưng cực kỳ độc đáo là bạn không nên đi theo những lối mòn hoặc xu thế. Nếu ý tưởng chưa đủ “độc” và không thực sự khả thi, dự án khởi nghiệp đó sẽ khó vươn tới đích thành công...
Một ý tưởng độc đáo đó phải là một ý tưởng mang tính khác biệt, mới lạ, đặc biệt về ý tưởng, có thể là sản phẩm kinh doanh, mô hình kinh doanh, phương pháp sản xuất hoặc những đổi mới sang tạo từ chính hệ thống phân phối sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh những ý tưởng về sản phẩm mà bạn cho là tốt nhất chúng ta cũng cần phải xem xét thị trường có nhu cầu đối với sản phẩm đó hay không?, nhiều khi sản phẩm bạn cho là tốt nhất thực tế lại không có thị trường cho sản phẩm đó, nhận định trên vẫn đúng khi áp dụng trường hợp không có sự cạnh tranh đối với sản phẩm đó, tình trạng hoàn toàn không có sự cạnh tranh đối với sản phẩm đó đồng nghĩa với việc nhu cầu cho sản phẩm không tồn tại.
Một ý tưởng kinh doanh tốt nhất không có nghĩa là ý tưởng đó sẽ thành công, chúng ta hiểu rằng trong một doanh nghiệp thì con người là yếu tố quan trọng nhất, Một ý tưởng tốt nhất mà đem giao cho một tập thể yếu kém thì những ý tưởng đó sẽ khó mà thành công, Thế nhưng một ý tưởng bình thường đem giao cho một tập thể tốt gồm những con người xuất xắc tài giỏi thì ý tưởng đó sẽ có cơ hội thành công cao hơn, Để hiểu rõ hơn làm thế nào để tạo ra ý tưởng mới, dưới đây xin giới thiệu những cách mà người thành công nhất trên thế giới đã áp dụng.
Ý tưởng kinh doanh độc đáo là một ý tưởng có sự sáng tạo vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa ra những sản phẩm độc đáo mới lạ, đem đến lợi ích, giá trị nhiều nhất cho người dùng. Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, cạnh tranh khốc liệt, một doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển được hay không chính là nhờ vào sự khác biệt sáng tạo, độc đáo của sản phẩm mà các đối thủ cạnh tranh không có được. Để cạnh tranh và phát triển bền vững, doanh nghiệp không chỉ có những sản phẩm tốt có chất lượng cao, mà trong kinh doanh doanh nghiệp cần có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, độc đáo và mới lạ.
Trong thực tế, một công ty nếu không liên tục đổi mới, sáng tạo mà chỉ giữ nguyên những ý tưởng kinh doanh cũ kỹ, lỗi thời so với thời gian thì những doanh nghiệp đó dần dần bị tụt lùi lại phía sau so với đối thủ. Nhà công nghiệp Henrry ford sáng lập lên hãng ô tô ford phát triển toàn cầu có một câu nói nổi tiếng “ không ngừng sáng tạo thì sẽ không sợ bị diệt vong”, hay như Steve Jobs từng nói với các cộng sự của mình khi Apple bắt đầu thiết kế ra mẫu máy tính đầu tiên: “Đừng cố gắng làm tốt hơn IBM, hãy làm khác đi”, Không đẹp thì phải độc - không hay thì phải hiếm, đó chính là chì khóa để tồn tại trong thời đại cạnh tranh gay gắt như hiện nay “Khác biệt hay là chết”.
5. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khởi nghiệp với ý tưởng mới, tạo ra những sản phẩm mới, phân khúc khách hàng mới, bằng những công nghệ mới, cách tiếp cận thị trường mới và mang lại giá trị mới (thường là liên quan đến công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và vì qua mạng nên không có biên giới).
Khái niệm về khởi nghiệp, lập nghiệp khác hẳn với khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nếu chỉ đơn thuần là mở ra một cửa hàng hay làm lại một mô hình không có khả năng nhân rộng (toàn cầu) thì đó không phải là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc tính cơ bản của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là tính đột phá, đổi mới, sáng tạo, nhằm tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn (một phân khúc mới trong sản xuất, một mô hình kinh doanh mới, hoặc một loại công nghệ độc đáo mới...).
Doanh nghiệp KNĐMST phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới..
6. Khởi nghiệp và Startup khác nhau như thế nào?.
Khởi nghiệp và Startup (khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đây là những khái niệm mà nhiều người đang nhầm lẫn.
Khởi nghiệp là hành động bắt đầu một nghề nghiệp, mà hình thức thường thấy nhất đó là thành lập một doanh nghiệp, tổ hợp tác… để kinh doanh/sản xuất trong một lĩnh vực nào đó. Khái niệm “khởi nghiệp” đã tồn tại từ rất lâu và đã diễn ra ở nhiều quốc gia từ hàng trăm năm nay, trong khi đó khái niệm “startup” chỉ mới xuất hiện gần đây.
Startup là khái niệm chỉ mới xuất hiện gần đây, nghĩa là khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, những mô hình mới, những kết quả khoa học công nghệ mới, sau đó nhanh chóng phát triển thành doanh nghiệp để cạnh tranh toàn cầu. “Startup là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, một cách nói ngắn gọn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (Vũ Đức Đam). Theo Neil Blumenthal, đồng giám đốc điều hành của Warby Parky được trích dẫn trên tạp chí Forbes thì : “Startup là một công ty hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề mà giải pháp (đối với vấn đề đó) chưa rõ ràng và sự thành công không được đảm bảo”. Còn Eric Ries, tác giả cuốn sách “The Lean Startup: How Constant Innovation Creates Radically Successful Businesses” - một cuốn sách được coi là cẩm nang gối đầu giường của mọi công ty startup, thì: “startup là một định chế/tổ chức con người được thiết kế nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy khởi nghiệp là nói về việc bắt đầu hoạt động kinh doanh/sản xuất riêng, còn startup là một trong những loại hình, cách thức mà người ta có thể lựa chọn để khởi nghiệp, nhưng không thể gọi startup là khởi nghiệp và cũng không thể gọi khởi nghiệp là startup.
Các bước khởi nghiệp (Trần Duy Khanh)
- Bước 1: Tìm kiếm ý tưởng;
- Bước 2: Hoàn thiện và phát triển ý tưởng;
- Bước 3: Trang bị kiến thức về khởi nghiệp (pháp luật, quản lý, kỹ năng);
- Bước 4: Tìm kiếm đội nhóm khởi nghiệp;
- Bước 5: Tìm kiếm nguồn vốn khởi nghiệp;
- Bước 6: Lựa chọn mô hình khởi nghiệp;
- Bước 7: Thử nghiệm mô hình khởi nghiệp;
- Bước 8: Phát triển, mở rộng mô hình khởi nghiệp.
II. KỸ NĂNG TÌM Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP
1. Vai trò của ý tưởng trong kinh doanh
Ý tưởng là gốc rễ khởi đầu cho một doanh nhân khởi nghiệp, là sự chọn lựa đầu tiên của doanh nhân trong quá trình bắt đầu xây dựng doanh nghiệp. Ý tưởng kinh doanh mới giúp định hướng cho hoạt động kinh doanh với những yếu tố khác biệt, hiệu quả so với hoạt động của các doanh nghiệp thông thường. Hiện nay có rất nhiều người quan tâm tới khởi nghiệp và thậm chí đã được đào tạo về khởi nghiệp, nhưng họ chưa hiểu muốn khởi nghiệp thì bắt đầu từ đâu?, và làm thế nào để có ý tưởng khởi nghiệp mới, đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo..
Ý tưởng kinh doanh có thể được hiểu là sự kết hợp giữa ý tưởng và kinh doanh, hoặc có thể hiểu nôm na ý tưởng nghĩa là sự sáng tạo, còn kinh doanh nghĩa là kiến thức và kinh nghiệm. Một ý tưởng kinh doanh ra đời là khi có sự kết hợp của ba yếu tố sáng tạo, kinh nghiệm và kiến thức.
Ý tưởng giữ vai trò đầu tiên, quyết định sự thành bại của một dự án, giải pháp, mô hình kinh doanh, nhưng ý tưởng có hay đến mấy thì cũng sẽ chỉ nằm trên giấy nếu không bắt tay vào hành động.
Để một ý tưởng kinh doanh thành công, ngoài các yếu tố sáng tạo, đổi mới, ý tưởng đó cần đáp ứng được các tiêu chí: Cơ hội tiềm năng của ý tưởng kinh doanh đó?; Tính khả thi?; nhu cầu thị trường có đủ lớn để triển khai ý tưởng vào hiện thực? và điểm khác lạ, độc đáo của ý tưởng đó là gì?.…Phần sau chúng ta sẽ phân tích kỹ bốn tiêu chí đánh giá ý tưởng kinh doanh, trước hết chúng ta cần trả lời câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng có ý nghĩa quyết định để khởi nghiệp thành công, đó là tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp ở đâu?, đây là câu hỏi mà tất cả các bạn muốn khởi nghiệp đều trăn trở tìm kiếm.
2. Tìm ý tưởng kinh doanh ở đâu?
Theo Paul Graham, nhà đầu tư mạo hiểm, đồng sáng lập Y Combinator - nơi khởi đầu của hàng nghìn startup: “Cách để có ý tưởng khởi sự kinh doanh không phải là nghĩ về ý tưởng. Đó là phải tìm kiếm vấn đề, mà tốt hơn cả là bắt đầu từ vấn đề mà bạn gặp phải”.
Ý tưởng có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau và có rất nhiều ý tưởng của bạn có thể trùng với nhiều người khác. Tuy vậy, điều làm các ý tưởng trở nên khác nhau trong quá trình thực thi chính là gốc rễ phát sinh ra nó. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc để tìm những ý tưởng kinh doanh mới, hay nguồn gốc phát sinh các ý tưởng kinh doanh mới.
- Tìm ý tưởng từ trong môi trường sống, môi trường làm việc. Quan sát môi trường sống, môi trường làm việc để tìm kiếm vấn đề ngay quanh cuộc sống cần giải quyết, tìm ra cơ hội, để nghĩ ra các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu hiện tại hoặc xu hướng tiêu dùng của xã hội ngày càng tốt hơn
- Tìm ý tưởng từ những sự kiện đang diễn ra hàng ngày. Nếu chịu khó theo dõi tin tức trên báo chí, ti vi có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên là sao có nhiều ý tưởng kinh doanh xuất hiện trong đầu mình đến vậy. Ví dụ: Từ sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, các nhà sản xuất áo phông đã tung ra thị trường các loại áo phông in hình TT Trum và Chủ tịch Kim gây sốt thị trường.
- Tìm ý tưởng từ một hàng hóa hay dịch vụ mới hoặc từ một thị trường khác, thị trường mới. Có những mặt hàng/dịch vụ không thu hút được đối tượng này nhưng lại thu hút được đối tượng khác. Ví dụ: những sản phẩm làm từ vỏ sò, ốc biển có thể không bán được nhiều cho người địa phương nhưng lại rất thu hút những khách du lịch nước ngoài. Do vậy, nghiên cứu nhiều thị trường khác nhau có thể cho bạn những ý tưởng kinh doanh hiệu quả.
- Tìm ý tưởng từ những sản phẩm đã tồn tại, có sẵn. Có những sản phẩm hay dịch vụ không thể thay đổi được nhưng cũng có những sản phẩm/dịch vụ vẫn có thể cải tiến, sáng tạo làm cho tốt hơn, mở ra hướng phát triển mới cho sản phảm cũ (Ví dụ: Kèm theo dịch vụ cơm hộp buổi trưa cho các văn phòng, có thể cung cấp thêm kèm hoa quả tráng miệng..).
- Tìm kiếm ý tưởng mới từ một hàng hóa/dịch vụ mới đáp ứng thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng hiện tại và tương lai. Xã hội luôn vận động, cuộc sống đang thay đổi từng ngày từng giờ, nhu cầu, thị hiếu của con người cũng không ngừng thay đổi theo thời gian và không gian, đay chính là môi trường để chúng ta có thể nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh/dịch vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mọi người và xã hội. Hoặc đặt mình trong không gian của tương lai, để tìm vấn đề còn thiếu (mảnh ghép) ở hiện tại.
Tóm lại, xung quanh bạn có đầy và đang rất cần những ý tưởng kinh doanh mới. Một ý tưởng kinh doanh mới có thể đến từ sự trăn trở, phân tích, tư duy về các xu hướng thị trường, lại có những ý tưởng kinh doanh mới đến một cách rất tình cờ.
3. Cách tìm kiếm ý tưởng?
“Cách để có ý tưởng khởi sự kinh doanh không phải là nghĩ về ý tưởng. Đó là phải tìm kiếm vấn đề, mà tốt hơn cả là bắt đầu từ vấn đề mà bạn gặp phải” (Paul Graham). Chìa khóa để tìm ý tưởng mới trong kinh doanh là phát hiện những vấn đề bất tiện, bất hợp lý trong đời sống hàng ngày, tìm cách giải quyết chúng và. Các bước để tìm chìa khóa, đó là:
- Bước 1. Quan sát: Đây là bước đầu tiên của tư duy, nhằm phát hiện vấn đề để tìm kiếm ý tưởng. Muốn vậy, chúng ta phải chủ động quan sát các sự vật, hiện tượng, các hoạt động đang diễn ra xung quanh mỗi chúng ta hoặc cộng đồng, hoặc nơi làm việc, nơi vui chơi, giải trí, đi lại…xem tất cả các vấn đề đã hoàn mỹ chưa?, hợp lý chưa?, thuận tiện chưa?..hay còn có những bất tiện, bất hợp lý, lãng phí, chưa ưng ý...?. Nếu đã phát hiện ra vấn đề bất hợp lý cần giải quyết tức bước 1 đã xong, ta chuyển sang bước 2.
- Bước 2. Tư duy. Đây là bước tư duy theo chiều sâu, tìm giải pháp để trả lời được các câu hỏi: Liệu có cách nào giải quyết được vấn đề/trăn trở đó không?, giải quyết bằng cách nào?, trong thời gian bao lâu?. Bước này chúng ta phải tư duy để tìm mọi cách giải quyết vấn đề đã đặt ra một cách tốt nhất, tối ưu nhất..
- Bước 3. Đặt câu hỏi và trả lời. Bước này chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi, liệu có thể biến ý tưởng/giải pháp đó thành mô hình kinh doanh được hay không? và tự phải trả lời để khảng định ý tưởng đó đúng hay không đúng, phù hợp hay không?, có trở thành mô hình kinh doanh được không?..
4. Sự phù hợp của ý tưởng
Trong thực tế có nhiều ý tưởng mới, độc đáo, khác biệt nhưng không thể trở thành ý tưởng kinh doanh bởi không phù hợp với thực tế, vướng mắc về tài chính, công nghệ hay luật pháp... Để đánh giá sự phù hợp của một ý tưởng kinh doanh, ta cần trả lời được các câu hỏi: Cơ hội tiềm năng kinh doanh?, ý tưởng kinh doanh có khả thi không?, nhu cầu thị trường có đủ lớn?, điểm độc đáo, khác biệt là gì?.
Cơ hội tiềm năng? chính là những điều kiện thuận lợi nhất giúp cho bạn sớm đi đến thành công, Cơ hội có thể đến tự nhiên hay do bản thân bạn tạo ra, nhưng may mắn tự nhiên chỉ có 1%, và 99% là do bản thân bạn tìm lấy. Cơ hội tiềm năng trong kinh doanh chính là nhìn nhận của thị trường của khách hàng về sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ mới mà bạn cung cấp. Muốn xác định được có là cơ hội hay không, bạn phải trả lời được các câu hỏi: Sản phẩm/dịch vụ/hàng hóa cung cấp cung cấp có phù hợp với nhu cầu của khách hàng?, có đáp ứng được mong muốn của khách hàng?, thái độ của khách hàng khi đón nhận những sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ mới mà bạn cung cấp?, họ có là người thật sự cần sản phẩm?, muốn sở hữu sản phẩm đó? có khả năng về tài chính để quyết định mua/sử dụng sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ đó hay không?. Nếu thị trường, khách hàng đều mong muốn được sử dụng hàng hóa/sản phẩm/dịch vụ của bạn một cách sớm nhất thì điều đó có nghĩa là ý tưởng kinh doanh của bạn đang có cơ hội thành công lớn nhất. Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn chưa có ai làm, hoặc chúng cung cấp những thứ tốt hơn các giải pháp hiện có thì chắc chắn ý tưởng này sẽ có tiềm năng phát triển lâu dài.
Ý tưởng kinh doanh có khả thi? Một trong những yếu tố quan trọng nhất của việc bắt đầu kinh doanh chính là tính khả thi của ý tưởng kinh doanh. Không phải tất cả các ý tưởng kinh doanh nào cũng đều phát triển thành công, mặc dù ý tưởng đó tốt. Tính khả thi của ý tưởng kinh doanh chính là các yếu tố điều kiện để đảm bảo ý tưởng đó được triển khai trong thực tế thành công. Các yếu tố điều kiện đó là: Sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ đó có phù hợp với phong tục tập quán, phù hợp với văn hóa địa phương, phù hợp với lối sống từng dân tộc, địa bàn triển khai thí điểm; phù hợp với luật pháp; phù hợp với thị hiếu khách hàng; có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư, có đủ điều kiện khoa học công nghệ để triển khai thực hiện ý tưởng; đối thủ cạnh tranh có quá lớn?; mô hình kinh doang/dịch vụ có phù hợp?…
Để tránh mắc sai lầm xây dựng ý tưởng kinh doanh dựa trên những sở thích và điểm mạnh của bản thân, bạn phải chứng minh cho khách hàng nhìn thấy giá trị trong sản phẩm của bạn và chịu mua nó. Khách hàng thường chi tiền cho những sản phẩm/dịch vụ giúp họ giải quyết vấn đề của mình. Bạn cần xem xét ý tưởng kinh doanh của bạn, dù là sản phẩm hay dịch vụ nào thì nó có giúp mang lại giải pháp, tiện ích và sự thoải mái nhất cho người dùng hay không?. Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn chưa có ai làm, hoặc chúng cung cấp những thứ tốt hơn các giải pháp hiện có thì chắc chắn ý tưởng này sẽ có tiềm năng phát triển lâu dài.
Thị trường có đủ lớn. Một ý tưởng kinh doanh tốt thị trường phải đủ lớn để đầu tư tài chính, nhân lực, công nghệ. Mặc dù một ý tưởng kinh doanh được đánh giá rất cao, nhưng thị trường không đủ lớn cũng không nên đầu tư, vì sẽ rất lâu và rất khó có lợi nhuận. Thị trường phải đủ lớn để sự mở rộng, phát triển về sau. Ngay cả khi bạn bắt đầu ở quy mô nhỏ, bạn vẫn cần có kế hoạch cho sự mở mang sau này. Hiệu quả đầu tư kinh doanh là chi phí đầu tư ít, thu lợi nhuận cao, bạn càng kiếm được tiền nhanh từ ý tưởng của mình, cơ hội kinh doanh thành công của bạn càng lớn. Thị trường đủ lớn khả năng thành công và kiếm lợi nhuận càng cao.
Tính bền vững của sản phẩm. Tính bền vững của một ý tưởng kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu của khách hàng, tính mới, sáng tạo, tính độc đáo của sản phẩm... Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn chưa có ai làm, hoặc chúng cung cấp những thứ tốt hơn các giải pháp hiện có thì chắc chắn ý tưởng này sẽ có tiềm năng phát triển lâu dài, bền vững. Ngoài ra, tính bền vững của sản phẩm còn phụ thuộc vào công nghệ sản xuất ra chúng và giá trị sử dụng/tinh thần mang lại cho khách hàng cao hay thấp, nhiều hay ít..
Yếu tố thị trường. Yếu tố thị trường là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp xác định xem ý tưởng kinh doanh đó có thành công hay không. Mức quan tâm của thị trường càng cao thì lợi nhuận sẽ càng cao, chứng tỏ ý tưởng kinh doanh của bạn khá hay. Nhưng để có thể nhận định rằng ý tưởng kinh doanh đó hay thì còn phụ thuộc vào thời gian thị trường quan tâm tới sản phẩm đó trong bao lâu, mức độ ảnh hưởng của sản phẩm đó tới thị trường, cũng như thị phần của sản phẩm đó trong thị trường.
Yếu tố cơ hội. Khi có ý định kinh doanh, bạn phải xác định được thời điểm bắt đầu kinh doanh, nắm bắt được nhu cầu và thị yếu của khách hàng. Khi đã tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường cũng như các hình thức kinh doanh cạnh tranh khác, bạn phải nhanh chóng chớp lấy cơ hội, lên ý tưởng kinh doanh và thực hiện ý tưởng đó bắng cách lên kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như vốn đầu tư…
5. Ba cách để sáng tạo ra ý tưởng kinh doanh độc đáo
Làm thế nào để tạo ra một ý tưởng kinh doanh độc đáo mới lạ khác biệt so với dối thủ cạnh tranh, đây là câu hỏi muôn thủa với những ai đang và sẽ bắt đầu khởi nghiệp con đường kinh doanh của mình, để có một sản phẩm dịch vụ khác biệt mới lạ độc đáo tạo lên lợi thế cạnh tranh và doanh nghiệp của bạn có chỗ đứng trên thị trường. Để có thể tồn tại được doanh nghiệp phải cung cấp các dịch vụ và hàng hoá phù hợp với nhu cầu của con người và giải quyết được các vấn đề của họ,“không nhất thiết phải có đầu óc sáng tạo mới có thể tạo ra cái mới, tất cả đều nhờ áp dụng phương pháp mới mà ra” Mark Zuckerberg.
Một là lồng ghép kết hợp. Tạo ra ý tưởng kinh doanh mới bằng việc lồng ghép kết hợp giữa hai sản phẩm hoặc dịch vụ với nhau để tạo ra ý tưởng sản phẩm mới dựa trên ý tưởng cũ, ví dụ: Kết hợp radio với cassette để tạo ra radio cassette, nước uống tăng lực kết hợp cafe tạo nên sản phẩm mang tên wakeup 247..
Hai là tư duy theo chiều ngang. Thay đổi hình dạng sản phẩm, tính năng, màu sắc, chất liệu, mục đích sử dụng của sản phẩm hoặc một bộ phận nào đó để tạo lên ý tưởng độc đáo mới lạ về sản phẩm. Như chúng ta thấy từ những ý tưởng cũ và những sản phẩm cũ chỉ cần chúng ta sáng tạo đổi mới công năng, hình thù, từ đó làm cho sản phẩm của chúng ta độc đáo mới lạ hơn, Trong kinh doanh không nhất thiết bạn phải có một ý tưởng tốt nhất, để cạnh tranh trên thị trường nhất thiết bạn phải tạo lên sự khác biệt trong ý tưởng kinh doanh của mình và cần có một tinh thần doanh nhân sáng tạo.
Ba là giải quyết vấn đề. Thế giới hiện nay có hàng tỷ vấn đề liên quan tới cuộc sống của con người, thế nhưng trong đó, có rất nhiều vấn đề không quá nghiêm trọng, nhưng lại có những vấn đề nhất thiết phải có phương pháp giải quyết.
Chìa khoá cho thành công đầu tiên của các sáng lập viên và CEO nổi tiếng chính là đi tìm ra được những vấn đề và khó khăn trong vô vàn những thứ lặt vặt xung quanh. Vậy vấn đề cần giải quyết là như thế nào?
Đi tìm và phát hiện vấn ra vấn đề nào đó, là những vấn đề bất tiện trong đời sống hằng ngày hoặc của một sản phẩm dịch vụ nào đó, bạn có thể lang thang trên mạng hoặc ra những cửa hàng và tìm ra những vấn đề của người khác còn đang thiếu, tin chắc rằng ít nhất sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó của đối thủ kinh doanh sẽ có ít nhất một vấn đề bởi không có một sản phẩm hay dịch vụ nào hoàn hảo cả. Phát hiện những vấn đề bất tiện trong đời sống hàng ngày và tìm cách giải quyết. Ví dụ: bút chì ngày xưa có thân hình tròn khiến nó hay bị lăn, rơi xuống làm gãy đầu mũi, giải quyết vấn đề cho ra sản phẩm mới bút chì thân hình lục giác giúp khắc phục được vấn đề trên đây, là một ý tưởng kinh doanh độc đáo trong việc giải quyết các vấn đề bất tiện của sản phẩm “Người thành công tìm ra cơ hội trong khó khăn, người thất bại tìm ra vấn đề trong cơ hội”.
Trong 3 phương pháp kể trên bạn có thể tự sáng tạo ra cho mình ý tưởng kinh doanh độc đáo mới lạ mà bạn nghĩ có thể giải quyết được vấn đề của khách hàng, bạn có thể áp dụng phương pháp 1 giải quyết vấn đề, hoặc 2 lồng ghép kết hợp, 3 tư duy theo chiều ngang để tạo ra cho mình một sản phẩm mới lạ độc đáo và khác biệt so với những đối thủ đang có mặt trên thị trường, “khác biệt hay là chết”.
TS. Trần Duy Khanh
Ý kiến của bạn