Bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 tại Hà Nội. Năm 18 tuổi, bà Hoàng Thị Minh Hồ lập gia đình với ông Trịnh Văn Bô, được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ - người ngồi trên xe lăn
Với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, ông Trịnh Văn Bô cùng bà Hoàng Thị Minh Hồ đã vươn lên trở thành một trong những nhà tư sản hàng đầu lúc bấy giờ.
Triết lý kinh doanh của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là: Buôn bán lãi 10 đồng thì giữ 7 đồng, còn lại giúp đỡ người nghèo, làm việc phúc đức.
Vốn có tinh thần yêu nước, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, qua sự giới thiệu của ông Vũ Đình Huỳnh, ông bà Trịnh Văn Bô đã dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm nơi làm việc. Cũng chính tại đây, bản “Tuyên ngôn Độc lập” đã ra đời.
Chỉ ít ngày sau đó, hưởng ứng Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho cách mạng.
Ngoài ra, vợ chồng thương nhân Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.
Từ trái sang gồm nhà tư sản Hòa Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, mẹ ông Trịnh Văn Bô, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước thềm Nhà hát Lớn tại Tuần lễ vàng 1945
Khi thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, bà Hoàng Thị Minh Hồ dẫn hơn chục thành viên trong gia đình tản cư lên Cao Bằng, còn ông Trịnh Văn Bô công tác trong chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc. Đến năm 1955, gia đình ông bà trở về Hà Nội. Ông Trịnh Văn Bô sau đó giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
Sau này, 7 người con của bà Hoàng Thị Minh Hồ khi trưởng thành không ai theo nghiệp kinh doanh mà đều trở thành giáo viên, kỹ sư làm việc tại các cơ quan của nhà nước.
Tại Tọa đàm “Vai trò gia đình doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế” do Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, bà Hoàng Thị Minh Hồ chia sẻ: "Tôi là doanh nhân của thế kỷ 20, đã đưa hết tài năng của mình để kinh doanh với mục đích trước hết là phục vụ gia đình, sau là xã hội. Tôi mong muốn các doanh nhân thế kỷ 21 hãy ra sức cống hiến để làm giàu cho gia đình cũng như xã hội, để kinh tế Việt Nam có thể sánh vai với các nước trên thế giới".
Ý kiến của bạn