Nóng chuyện tăng thuế VAT
(DNVN) - Dư luận xôn xao về đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh; Hà Nội chính thức cấm xe máy vào nội thành từ năm 2030... là những thông tin kinh tế, doanh nghiệp nổi bật nhất tuần qua.
Tranh cãi về thuế VAT
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, đề xuất tăng một loạt các sắc thuế quan trọng, trong đó có thuế VAT đã nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận.
Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính vào lúc này là không phù hợp và tất nhiên sẽ vấp phải sự phản đối của người dân.
Vị này cũng cho biết, hiện thuế và phí tại Việt Nam còn cao so với thu nhập của người dân. Trong các năm gần đây và sắp tới, Việt Nam liên tục thay đổi các quy định về thuế, cho thấy chính sách thuế thiếu bền vững; tính minh bạch về thuế nên mỗi lần tăng thuế đều vấp phải sự phản đối từ người dân. Do đó, theo ông Long, thời điểm này Bộ Tài chính chưa nên đề xuất tăng thuế mà nên chọn thời điểm thích hợp hơn.
Tăng thuế VAT lúc này chưa phù hợp.
Tương tự, ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trực thu và gián thu đều sẽ tác động tới doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Theo ông Nghĩa, VAT là loại thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hóa, gián tiếp vào người tiêu dùng. Vì vậy, nếu điều chỉnh tăng từ 10% lên 12% sẽ làm cho giá tiêu dùng tăng, ảnh hưởng đến thị trường, tác động trực tiếp đến chi phí của người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Xem chi tiết tại đây!
Đề xuất bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh
Tại cuộc họp ngày 22/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ gần 2.000 điều kinh doanh tại các Bộ, ngành được cho là gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8, Bộ này đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp.
Trong số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.
Xem chi tiết tại đây!
Tòa nhà Saigon One Tower bị "xiết" nợ
Tuần qua, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
Trước đó, VAMC đã ký Hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.
Mặc dù VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu nhóm khách hàng nêu trên thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên khách hàng không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi.
Vì vậy, VAMC đã triển khai thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh để xử lý nhằm thu hồi nợ. Quá trình thu giữ đã tuân thủ theo đúng trình tự quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Xem chi tiết tại đây!
Gánh nặng chi phí khiến doanh nghiệp “mãi không chịu lớn”
Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, vấn đề thuế phí đang là rào cản lớn nhất, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp “mãi không chịu lớn”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017, có những khoản như chi phí của Việt Nam (ví dụ như chi phí tiếp cận điện năng) đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines.
Nói về vấn đề này, ông Ngô Văn Điểm - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia mà nó ảnh hưởng đến khả năng cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp bởi chi phí cao thì lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh được. Đồng thời, chi phí cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, do đó đời sống khó được cải thiện.
Theo ông Điểm, chi phí điện năng là 1 trong 10 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiết kiệm điện năng của nước ta vẫn ở mức trung bình thấp (98/190 nước). Điện năng là một trong những chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia.
Xem chi tiết tại đây!
Hà Nội chính thức cấm xe máy vào nội thành từ năm 2030
Tuần qua, trả lời báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, UBND TP. Hà Nội đã chính thức ký ban hành Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".
Được biết, lộ trình thực thực hiện Đề án được chia thành 03 giai đoạn. Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Vay càng nhiều tiền sẽ chịu thuế càng cao
Tại dự thảo mới đây về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được tính trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp và của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.
Nếu dự thảo Luật này của Bộ Tài chính được thông qua, những doanh nghiệp vay vốn kinh doanh gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu sẽ phải nộp thuế nhiều hơn do không được trừ chi phí với các khoản vay vượt định mức.
Xem chi tiết tại đây!
http://doanhnghiepvn.vn
Ý kiến của bạn