PVN thành công nhờ quản trị tinh gọn
9Kinhtedothi - “PVN luôn xác định, mô hình quản trị tinh gọn, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là chìa khóa quyết định toàn bộ hiệu quả, năng suất, chất lượng của công việc cũng như tạo động lực thúc đẩy cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên ổn định nhịp độ sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở mang tính nền tảng, tạo thế và lực để PVN phát triển bền vững” - đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) -TS Lê Mạnh Hùng.
Đứng vị trí thứ 3 trong Top 10 DN lớn nhất Việt Nam trong Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2019 do Vietnam Report công bố, PVN tiếp tục khẳng định và thực hiện tốt vai trò là DN chủ lực, có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, với kết quả sản xuất kinh doanh, tài chính vững mạnh đạt được trong những năm qua và năm 2019, cũng như triển vọng phát triển tích cực trong tương lai, PVN đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm độc lập ở mức BB+...
Tập trung quản trị
Chia sẻ đầu Xuân Canh Tý về những bước tiến nổi bật trong năm 2019, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, PVN đã tập trung vào công tác tái cơ cấu và quản trị DN, đầu tư có trọng điểm và đã đạt được những kết quả, thành tựu nổi bật được ghi nhận, khẳng định hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trên 5 lĩnh vực cốt lõi: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp Khí; Công nghiệp Điện; Chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí và Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Công tác tái cấu trúc, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị điều hành Công ty mẹ - Tập đoàn được triển khai khẩn trương, quy mô bộ máy điều hành PVN đã được sắp xếp tinh gọn.
|
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng (thứ 3 từ trái sang) thăm, động viên và tặng quà cho người lao động Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, mùng 2 Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Hoàng Anh |
Đặc biệt, công tác CPH, thoái vốn đã đạt được kết quả rất tích cực góp phần cải tiến về quản trị DN hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh... Thông qua đó, cùng sự nỗ lực của 60.000 người lao động, năm 2019 PVN đã thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch, về đích trước 2 tháng các chỉ tiêu tổng doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận, đặc biệt chỉ tiêu ở lĩnh vực cốt lõi là gia tăng trữ lượng dầu khí.
Trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, PVN đang từng bước thực hiện số hóa công tác quản trị, điều hành nhằm tăng năng suất, hiệu quả lao động, tiết giảm chi phí và gián tiếp giảm thiểu tác động tới môi trường. Trong trung hạn, PVN sẽ tập trung nghiên cứu triển khai công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn nhằm tăng cường kết nối giữa các khâu sản xuất kinh doanh, tối ưu giải pháp và nguồn lực thực hiện; song song với đó là xây dựng công tác bảo mật, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu hoạt động cho DN.
|
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng |
“PVN luôn xác định, mô hình quản trị tinh gọn, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là chìa khóa quyết định toàn bộ hiệu quả, năng suất, chất lượng của công việc cũng như tạo động lực thúc đẩy cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên ổn định nhịp độ sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở mang tính nền tảng, tạo thế và lực để PVN phát triển bền vững” - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh...
6 nhiệm vụ trọng tâm
Bước sang năm 2020, dự báo giá dầu thô tiếp tục ở mức thấp (khoảng 64,5 USD/thùng) do tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm. Việc thực hiện kế hoạch năm 2020 có ý nghĩa quyết định đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 45 năm ngày thành lập PVN. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và định hướng phát triển bền vững lâu dài, theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, PVN tập trung vào các mục tiêu chính sau:
Thứ nhất, giữ vững nhịp độ tăng trưởng, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, liên tục, ổn định trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, dịch vụ của PVN. Tập trung nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư mới tháo gỡ khó khăn tại các dự án đầu tư chậm tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ hai, tập trung cập nhật chiến lược phát triển PVN gắn với việc thực hiện công tác tái cơ cấu theo đúng tiến độ, kế hoạch đặt ra một cách đồng bộ. Sử dụng và khai thác tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có nhằm tạo điều kiện cho sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau và hạn chế đến mức thấp nhất việc cạnh tranh trong nội bộ ngành, đơn vị.
|
Thứ ba, đánh giá, xác định các lĩnh vực/sản phẩm/yếu tố có khả năng tăng trưởng cũng như không có khả năng tăng trưởng hoặc kìm hãm tăng trưởng để có các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, đổi mới tư duy quản lý và xử lý công việc để khơi thông và giải phóng các cản trở kìm hãm sự phát triển của DN. Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn và tuân thủ. Ứng dụng KHKT tiên tiến và ứng dụng quản trị hiện đại dựa trên nền tảng CNTT phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Thứ năm, thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa nguồn lực, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đời sống, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên lao động trong tất cả các đơn vị thành viên, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Thứ sáu, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Triển khai các nội dung “Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam” củng cố văn hóa nền tảng, làm rõ các nét đặc thù của văn hóa dầu khí, xây dựng các giá trị cốt lõi làm chuẩn mực chung cho hệ thống.
|
"Với những định hướng cụ thể ngay từ đầu năm, toàn PVN vững tin khẳng định luôn xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước" - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Năm 2019, PVN tiếp tục đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó: gia tăng trữ lượng dầu khí hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 518,6 nghìn tỷ đồng vượt 4,1% so với kế hoạch góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước, doanh thu toàn PVN đạt 736,2 nghìn tỷ đồng vượt 20% kế hoạch năm, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 43,8 nghìn tỷ đồng vượt 40% kế hoạch năm, nộp ngân sách toàn PVN đạt 108,0 nghìn tỷ đồng vượt 23% kế hoạch năm. "Năm 2020 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016 - 2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước... Với riêng ngành Dầu khí, yêu cầu đặt ra là phải trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải phát triển ngành Dầu khí, trong đó PVN phải có tiềm lực mạnh về tài chính và KHCN, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế." - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng9 |
http://m.kinhtedothi.vn
Ý kiến của bạn