Phát triển công nghiệp có nhất thiết phải chạy theo quốc gia tiên tiến
Thay vì chạy theo những nền công nghiệp tiên tiến nên có những bước đi phù hợp hơn với thực lực riêng của Việt Nam.
Sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng công nghiệp tính chung trong 6 tháng đầu năm đạt 7,5%, thấp hơn mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 5,9%, thấp hơn mức tăng 9,2% cùng kỳ năm trước và thấp hơn chỉ tiêu tăng trưởng 10% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét những bước đi thích hợp, phù hợp hơn với thực tế của nền kinh tế Việt Nam, thay vì chạy theo các nền công nghiệp tiên tiến, có nhiều tiềm lực vốn và quy mô công nghệ.
Việt Nam không thiếu những sản phẩm công nghiệp có thế mạnh
Nhìn vào dư địa tăng trưởng công nghiệp 6 tháng cuối năm cũng như trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, không nên lạm dụng tăng cường khai thác dầu thô xuất khẩu, trong bối cảnh giá dầu thô năm 2016 được dự báo ở mức thấp nhất nếu các nước vẫn tiếp tục tăng nguồn cung, trong khi nguồn tài nguyên này của ta rất hữu hạn.
“Hàng dệt may nước ta đang gặp khó khăn lớn khi một số dự báo cho thấy tình hình dệt may còn có diễn biến phức tạp. Trước mắt, chúng ta phải tìm kiếm thêm thị trường ở EU, Trung Đông với nỗ lực đáp ứng được thời gian giao hàng, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, không chỉ dầu thô mà nhiều loại quặng giảm và giá các mặt hàng nông sản cũng giảm… những điều này gây bất lợi với tình hình xuất khẩu của Việt Nam”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Không ít các chuyên gia cũng nhận định, ngay cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có những dấu hiệu cho thấy sự chững lại trong thời gian gần đây.
Hiệu quả thực không cao do nhiều mặt hàng như điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện… vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp. Điều này cho thấy chưa có sự thay đổi đáng kể nào trong mối liên kết doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự phát triển của một ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành phân tích, với mức độ hội nhập của Việt Nam cần làm sao để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, bứt ra để chủ động. Bên cạnh đó cần tìm ra những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh, gắn với kỹ năng mới, công nghệ mới để nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra thương hiệu tốt trong chuỗi giá trị.
“Chuỗi giá trị hiện nay do các tập đoàn xuyên quốc gia chi phối trong khi công nghiệp tham gia trong lĩnh vực thượng nguồn. Công nghiệp hỗ trợ liên quan đến các chi tiết của sản phẩm nên chúng ta phải biết vươn lên học hỏi, thông qua các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, kỹ năng để vươn lên làm chủ các phân khúc, các chuỗi trong mạng sản xuất. Điều này liên quan mật thiết đến công tác đào tạo, điều kiện thu hút đầu tư FDI…”, TS. Võ Trí Thành giải thích.
Bày tỏ quan điểm của mình trong phát triển công nghiệp, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải chấm dứt thời kỳ xuất khẩu thô, giá rẻ của tất cả các loại hàng hóa thông qua một mô hình sản xuất mới, mô hình của sản xuất công - nông liên minh gắn với công nghệ hiện đại, quy mô lớn.
Theo quan điểm của ông Lợi, công nghiệp hóa – hiện đại hóa là yếu tố quyết định để cho nền kinh tế phát triển. Nhưng nếu công nghiệp hóa – hiện đại hóa lại không gắn với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam thì không thúc đẩy cho nông nghiệp phát triển. Do đó, bài toán của ta đặt ra là phải đặt mục tiêu công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
“Phải mở ra các nhà máy, các khu công nghiệp để làm sao chế biến được các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, làm tăng giá trị thặng dư của sản phẩm nông nghiệp. Nếu nông nghiệp phát triển với giá trị sản phẩm như hiện nay, tình trạng được mùa rớt giá sẽ khó phát triển được. Trong khi đất nước chúng ta 70% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP thì bài toán đặt ra tức là công nghiệp phải là dịch vụ phục vụ nông nghiệp”, ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất.
Lấy nông nghiệp làm gốc để phát triển các ngành công nghiệp chế biến; đầu tư khoa học công nghệ để giảm lao động chân tay, tạo ra giá trị thăng dư, năng suất lao động cao hơn; tăng cường liên doanh liên kết để học hỏi, chuyển giao công nghệ… tất cả những điều đó không phải là những lời khuyên mới, của một mô hình mới cho phát triển công nghiệp bền vững.
Vấn đề là thực thi như thế nào? Điều này phụ thuộc vào cái bắt tay, sự quyết tâm vào cuộc của các bộ, ngành chức năng liên quan trong việc liên kết, gắn kết để tạo ra những chuỗi cung ứng các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh, để tồn tại trong một thị trường không biên giới.
Theo VOV
Ý kiến của bạn