Sẽ có những thay đổi thể chế lớn cho FTA với EU
Tư Hoàng (TBKTSG Online) – Việt Nam sẽ có một số thay đổi thể chế lớn trong thời gian tới đây nhằm tương thích với các cam kết trong bản hiệp định thương mại song phương Việt Nam – EU (EVFTA), theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.
(TBKTSG Online) – Việt Nam sẽ có một số thay đổi thể chế lớn trong thời gian tới đây nhằm tương thích với các cam kết trong bản hiệp định thương mại song phương Việt Nam – EU (EVFTA), theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.
Tại hội thảo "VEFTA – ngụ ý chính sách và cải cách thể chế" do CIEM và Sứ quán Đan Mạch tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Cung cho biết Chính phủ sẽ thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp trong năm nay 2017.
“Năm 2017 cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thành lập để đảm bảo, thúc đẩy tính trung lập của DNNN. Đây là thay đổi lớn”, ông nói.
Ông Cung ví dụ, hàng chục tập đoàn nhà nước lớn sẽ phải tách ra khỏi Bộ Công Thương, và các bộ khác.
“Điều này sẽ làm thay đổi vai trò của các bộ khi không còn DNNN trực thuộc nữa”, ông nói.
Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh cũng sẽ được sửa đổi, theo đó Cục Quản lý cạnh tranh sẽ được tăng quyền, tách ra khỏi Bộ Công Thương để trực thuộc Chính phủ.
“Những thay đổi này hướng đến nền kinh tế thị trường, làm Việt Nam tương thích với các FTA mới, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, nâng cấp mức độ thị trường của nền kinh tế Việt Nam”, ông nói.
Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, EVFTA là hiệp định chất lượng cao, toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực như mua sắm Chính phủ, môi trường, cải cách DNNN.
Hiệp định chia ra nhiều chương, 17 nội dung chính: hàng hóa, hải quan, thương mại dịch vụ, đầu tư, cạnh tranh, DNNN, mua sắm Chính phủ, phát triển bền vững.
Về thương mại hàng hóa, tính cam kết của hiệp định cao. Lộ trình của Việt Nam là ngay khi hiệp định có hiệu lực thì 48% thuế sẽ xóa bỏ, và sau 10 năm thì tới 99% dòng thuế bị xóa bỏ.
EU cũng dành cho Việt Nam mức điều chỉnh thuế nhanh hơn, ngắn hơn. Trong 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực EU mở tới 99,2% dòng thuế, chỉ còn 0,8%. Có nghĩa, về cơ bản EU mở cửa hoàn toàn thuế cho Việt Nam trong 7 năm.
“Các mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu sang EU sẽ được giảm thuế theo lộ trình nhất định, các mặt hàng có giá trị lớn như dệt may được hưởng lợi”, ông nói. “Sự thay đổi sẽ diễn ra, nếu EVFTA có hiệu lực vào 2018”
Theo ông Phương, quá trình rà soát hiệp định đang diễn ra ở cấp chuyên gia. VCCI cũng đã có rà soát chi tiết. Chính phủ cũng đang tiếng hành dự án nghiên cứu do Muntrap hỗ trợ.
“Nhiều doanh nghiệp hỏi chúng tôi, vì sao quá trình phê duyệt lâu vậy. Xin báo cáo là quá trình vẫn đang diễn ra thầm lặng. Chúng tôi đang rà soát pháp lý. Cả đoàn Việt Nam và EU vẫn ngồi với nhau thảo luận về các chương, điều còn xung đột vối nhau”, ông nói.
“Quá trình phê duyệt có thể lâu hơn dự định song quá trình phê duyệt đang diễn ra theo đúng trình tự”, ông bổ sung.
http://www.thesaigontimes.vn
Ý kiến của bạn